Người xưa có câu “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc” - đó là 4 thú chơi tao nhã của người Việt. Nếu như những thú chơi khác đều thay đổi xu hướng theo mỗi năm thì có vẻ tranh Tết là môn nghệ thuật ít “xê dịch” nhất. Nhìn chung, đã là tranh Tết thì đều hướng về truyền thống, nguồn cội. Ngoài nét vẽ, mỗi bức tranh Tết cũng không thể khuyết những câu lời mang nội dung chúc mừng, mong ước như Cung chúc tân xuân, Chúc mừng năm mới, Tân niên vạn phúc, Tân xuân vạn hạnh...
Định hình văn hóa trân trọng cái đẹp
Còn nhớ năm ngoái, thị trường tranh Tết vô cùng nhộn nhịp, hòa chung không khí đó là cuộc triển lãm Tết Art - Chợ tranh Tết đương đại 2015. Thực tế, đây là một chương trình văn hóa nghệ thuật tổng hợp. Tết Art cũng là nơi triển lãm tranh mang tên “Tinh thần nghệ sĩ” của ba họa sĩ Trần Huy Oánh, Lê Huy Tiếp và Trịnh Tuân, đây cũng là ba nghệ sĩ bậc thầy trong nền mỹ thuật Việt Nam, ba đại thụ có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp giáo dục mỹ thuật và có công kết nối nghệ thuật Việt Nam với nghệ thuật thế giới.
Lần đầu tiên công chúng Thủ đô nói riêng, công chúng cả nước nói chung được biết đến một chợ tranh Tết đương đại theo đúng nghĩa của nó. Ý tưởng gây dựng Tết Art được xuất phát từ mong muốn gợi lại một nét đẹp truyền thống dường như đang mất dần của người Việt xưa trong bối cảnh hiện thời: người người rộn ràng sắm tranh treo Tết mỗi độ xuân về. Từ đó, Tết Art được lập ra với mục đích xây dựng một văn hóa mua tranh mới cho người Việt, đồng thời là một sự kiện du lịch hấp dẫn để quảng bá văn hóa Tết Việt Nam và nghệ thuật đương đại Việt Nam tới cộng đồng quốc tế. Không chỉ là một chợ tranh đơn thuần, Tết Art còn là một lễ hội nghệ thuật quan trọng với nhiều sự kiện nghệ thuật tương tác giúp người xem tiếp xúc trực tiếp và gần gũi hơn với các tác phẩm nghệ thuật và nghệ sĩ.
Ngày nay, thú chơi tranh dân gian ngày Tết có phần mai một nhưng không ít gia đình vẫn phải tìm mua tranh bằng được để ngày Tết cổ truyền được trọn vẹn.
Ban tổ chức cho biết, Tết Art là sự kiện diễn ra hàng năm, vừa góp phần gìn giữ và phát huy một nét văn hóa đẹp của người Việt, vừa tạo cơ hội cho người yêu nghệ thuật có thể mua các tác phẩm nghệ thuật với mức giá hợp lý nhất. Chắc chắn Tết Art sẽ sớm quay trở lại dịp đầu năm 2016 và hứa hẹn mang đến những bất ngờ thú vị dành cho công chúng.
Tranh Tết truyền thống chiếm ưu thế
Nếu theo dõi mảng tranh truyền thống thì dễ dàng nhận ra một quy luật: tranh Đông Hồ được bán quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là những ngày giáp Tết. Người không có điều kiện đi xa thường tới phố Chân Cầm, Hà Nội, người có thời gian sẽ về tận làng Đông Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh để mua tranh. Điểm độc đáo của tranh Đông Hồ là được tạo bởi 5 màu sắc chính là đen, xanh, vàng, đỏ, trắng, có nhiều nét tương đồng với 5 yếu tố ngũ hành là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Bởi vậy, sự hòa hợp của các gam màu trên tranh Tết Đông Hồ là điềm báo cho sự khởi phát thuận lợi của ngũ hành dịp đầu năm, mang đến may mắn và điềm lành cho gia chủ. Ngoài ra, không thể không nhắc đến những bức tranh Đông Hồ mô tả các trò chơi dân gian ngày Tết. Những nét vẽ chân chất, mộc mạc, không khí tưng bừng, phấn khởi ngày xuân được tái hiện sinh động qua các trò chơi Tết xưa như múa lân, múa rồng, đấu vật, chơi đu... Với màu sắc rực rỡ, đề tài phong phú, đường nét độc đáo, những bức tranh dân gian không đơn thuần để trang trí cho những căn nhà thêm phần ấm áp, rực rỡ sắc màu của mùa Xuân, mà còn là không gian văn hóa với những giá trị thẩm mỹ, triết lý xã hội và ý nghĩa sâu sắc.
Mặc dù thú chơi tranh dân gian ngày Tết có phần mai một nhưng không ít gia đình vẫn phải tìm mua tranh bằng được để Tết cổ truyền được trọn vẹn. Trong các loại tranh chơi Tết ở Bắc Bộ, bên cạnh dòng tranh Đông Hồ thì có vẻ tranh Hàng Trống cũng nhận được nhiều ưu ái của người sành nghệ thuật.
Tranh Hàng Trống - dòng nghệ thuật nổi danh một thời được chia làm hai loại: tranh chơi Tết và tranh Thờ. Khác với nông thôn, các gia đình ở thành thị thích treo tranh Hàng Trống. Những tranh thường được lựa chọn là tranh “Tố nữ” thể hiện vẻ đẹp dịu dàng, mới mẻ. Tranh “Tứ quý” thể hiện ước vọng 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông luôn tràn ngập âm thanh vui tươi. Tranh “Lý ngư vọng nguyệt” ý nói người học trò mong mỏi học tập rồi thi đỗ ví như cá chép vượt vũ môn hóa rồng. Tranh “Thất đồng” vẽ 7 em bé vui chơi với cây đào tiên đang ra hoa kết trái, thỏa mãn mong ước của con người về một cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc. Bộ tranh “Tam đa” tượng trưng cho phúc đức, tài lộc và sống lâu. Ngoài ra, các gia đình còn thích treo những bức tranh có đề tài dân dã như bộ Tứ bình vẽ cảnh 4 lớp người lao động trong xã hội gồm Ngư, Tiều, Canh, Mục là những người đánh cá, kiếm củi, làm ruộng, chăn trâu...
Nhìn chung, không chỉ phim ảnh, âm nhạc,... mà mảng hội họa cũng trở nên sôi động hơn vào dịp năm hết Tết đến. Nhân lúc các sản phẩm văn hóa nghệ thuật dễ được công chúng đón nhận thì giới nghệ sĩ nói chung, họa sĩ nói riêng cũng phải tranh thủ “chớp thời cơ” dịp Tết.