Canxi là khoáng chất trực tiếp tham gia cấu tạo xương, 99% canxi trong cơ thể tập trung ở xương, bổ sung canxi đầy đủ sẽ giúp xương chắc khỏe, dẻo dai và nhanh dài, từ đó hỗ trợ phát triển chiều cao của trẻ. Nhưng không phải cứ bổ sung một mình canxi nhiều là cao lớn được, thậm chí có trường hợp bổ sung không đúng cách còn gây hại đối với sức khỏe của trẻ.
Hệ luỵ do thừa canxi
Lượng canxi quá dư thừa trong cơ thể trẻ sẽ khiến xương bị cốt hóa sớm và không thể dài ra được nữa. Vì vậy trẻ không đạt được chiều cao tối ưu ở độ tuổi trưởng thành. Nhiều trường hợp sử dụng thuốc bổ sung canxi liều cao kéo dài, gây tăng nồng độ canxi trong máu, từ đó gây nên những biến chứng như nhẹ là mệt mỏi, trầm cảm, buồn nôn và nôn, tiêu chảy; nặng hơn có thể gây rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, đau vùng thận. Thừa canxi cũng có thể làm cản trở khả năng hấp thu các dưỡng chất khác của cơ thể như sắt và kẽm làm trẻ ốm yếu, chậm lớn, còi cọc...
Bổ sung canxi mà không đi kèm với bổ sung vitamin D (giúp hỗ trợ hấp thu canxi) thì lượng canxi thực sự đi vào cơ thể cũng không nhiều như mong đợi. Hơn nữa việc canxi có đi vào xương hay không cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như MK7 (vitamin K2) nên nếu cứ bổ sung thật nhiều canxi mà không chú ý đến các yếu tố khác như di truyền, vận động luyện tập thể dục thể thao, chế độ sinh hoạt (cụ thể là giấc ngủ) và yếu tố dinh dưỡng hợp lý... thì canxi cũng không thể giúp xương chắc khỏe và tăng chiều cao cho trẻ được.
Trẻ vận động tốt sẽ phát triển chiều cao tối ưu.
Bổ sung canxi trong trường hợp nào?
Trẻ có các dấu hiệu của thiếu canxi: Trằn trọc, khó ngủ, ngủ không ngon giấc, ra nhiều mồ hôi khi ngủ, tóc rụng vành khăn, chậm phát triển vận động, chậm mọc răng... các biến dạng ở xương như đầu bẹp, trán dô, chân vòng kiềng, chậm phát triển chiều cao.
Với trẻ lớn hơn có các dấu hiệu: đau dọc các xương dài, đau nhiều vào ban đêm khi bóp chân thấy đỡ, trằn trọc khó ngủ, khó đi vào giấc ngủ, ra nhiều mồ hôi, đau bụng không rõ nguyên nhân, những trẻ phát triển chiều cao quá nhanh, những trẻ quá bụ bẫm hoặc những trẻ thừa cân - béo phì.
Trẻ sinh non tháng, trẻ không có sữa mẹ, ăn sữa quá ít.
Trẻ biếng ăn không chịu ăn sữa, các chế phẩm từ sữa, không ăn tôm cá, hải sản, trẻ không chịu ăn rau xanh.
Sự khác nhau giữa canxi trong thực phẩm và thuốc
Nhiều cha mẹ dùng thuốc bổ sung canxi cho bé nhưng chưa thật sự hiểu về hoạt tính sinh học hấp thụ canxi từ thuốc và thực phẩm khác nhau như thế nào?
Canxi thường ở dạng muối, cơ thể sẽ hấp thụ canxi nguyên tố để kiến tạo xương. Canxi dạng muối từ thực phẩm sẽ có hoạt tính sinh học và hấp thu an toàn hơn dạng thuốc bổ sung. Do đó, ngày nay có rất nhiều thuốc bổ sung canxi ở các dạng muối rất đa dạng với nồng độ canxi nguyên tố hấp thụ khác nhau, nên việc bổ sung tự ý và không theo hướng dẫn của thầy thuốc sẽ làm canxi nguyên tố không những khó hấp thu hơn, mà còn có nguy cơ tồn tại trong máu gây ra các vấn đề về sức khỏe. Hơn nữa, bổ sung không đúng thời điểm cơ thể cần, canxi dễ bị dư thừa sẽ bị đào thải qua thận, tăng gánh nặng lên hoạt động của thận, đặc biệt là các bé dưới 2 tuổi.
Canxi từ thực phẩm (như sữa mẹ, sữa các loại, phô mai, sữa chua, tôm cua...) có dạng hấp thu an toàn, không gây mất cân bằng nồng độ canxi trong cơ thể, nên việc bổ sung canxi cho bé từ thực phẩm là tốt nhất, trừ khi bé ăn không đủ mới cần bổ sung canxi từ thuốc hoặc thực phẩm chức năng. Chế độ ăn và dinh dưỡng đóng vai trò cốt lõi trong việc cải thiện chiều cao của con bạn. Một chế độ ăn cân bằng giàu canxi, phốt-pho, iốt và magiê sẽ quyết định sự phát triển chiều cao.
Để có được protein, carbohydrate, axit amin và canxi cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh, nên cho trẻ ăn các thực phẩm sau đây: Sữa, các chế phẩm từ sữa như phomai, sữa chua, lòng đỏ trứng, thịt bò, cá, tôm, gan, rau xanh, khoai tây, đậu, trái cây như táo, chuối, các loại hạt như hạnh nhân và đậu phộng... Nguồn canxi từ thực phẩm không sợ bị thừa.
Lời khuyên của thầy thuốc
Bổ sung canxi cho con từ nguồn thực phẩm qua chế độ ăn hàng ngày; chỉ bổ sung canxi từ thuốc hoặc các thực phẩm chức năng khi trẻ có các dấu hiệu của thiếu canxi; bổ sung canxi cần kết hợp với bổ sung vitamin D3, MK7 (vitamin K2), kẽm, DHA...; chọn loại canxi hữu cơ dễ hấp thu; nên uống canxi sau bữa ăn, uống vào buổi sáng, uống nhiều nước để tránh lắng đọng canxi ở hệ thận - tiết niệu. Vì những lý do trên chỉ nên bổ sung thuốc canxi theo hướng dẫn của chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ nhi khoa. Nên hỏi chuyên gia là khi nào bé nên ngưng dùng và kết hợp thực phẩm như thế nào. Không nên tự ý mua và dùng cho bé.
Canxi chỉ là một trong các yếu tố dinh dưỡng, ngoài ra, sự phát triển của chiều cao còn phụ thuộc vào đầy đủ các yếu tố dinh dưỡng khác như vitamin D, các amino acid (trong việc tạo hormon tăng trưởng) và năng lượng hàng ngày của bé. Mặc dù dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng, nhưng cha mẹ không nên quên các yếu tố khác như vận động (thể dục thể thao). Cho các bé vui chơi tham gia các hoạt động thể thao lành mạnh sẽ giúp việc đạt chiều cao tối đa khi trưởng thành.