Hà Nội

Muốn tránh cơn đau dữ dội, người bệnh gút nhất định phải thay đổi chế độ ăn

SKĐS - Chế độ dinh dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng trong dự phòng và điều trị bệnh gút. Để phòng ngừa tái phát những cơn đau do gút gây ra, bệnh nhân cần lưu ý lời khuyên sau:

Người bệnh gút nên hạn chế thực phẩm giàu đạm

Các loại thực phẩm chứa độ đạm cao như các loại thịt đỏ: thịt bò, thịt trâu, thịt chân giò; các loại giò chả; hải sản… chứa rất nhiều chất purin sẽ chuyển hóa thành a xít uric. 

Khi a xít uric tăng cao trong máu sẽ lắng đọng dưới dạng tinh thể trong dịch khớp gây viêm khớp cấp.

Thường thì ngay sau một bữa ăn quá nhiều chất đạm người bệnh gút dễ bị tái phát cơn gút cấp với các biểu hiện điển hình là sưng, nóng, đỏ, đau khớp bàn ngón chân cái và các ngón chân khác, khớp cổ chân. 

Vì vậy, cần đặc biệt chú ý hạn chế các loại thực phẩm này. Nên thay thế bằng các loại thịt trắng như: lườn gà, cá…

Lời khuyên dinh dưỡng cho người bệnh gút - Ảnh 2.

Các loại thịt đỏ chứa độ đạm cao không tốt cho người bệnh gút.

Nên ăn dầu thực vật

Người bị bệnh gút cần hạn chế ăn mỡ. Bởi vì nếu sử dụng lượng mỡ cao trong chế độ ăn, sau khi được hấp thu sẽ làm cơ thể giảm khả năng đào thải a xít uric, nhất là đối với những loại mỡ động vật. 

Hơn nữa, ăn nhiều mỡ động vật còn làm tăng khả năng xơ vữa động mạch, béo phì và làm tăng nguy cơ các biến chứng toàn thân như đột quỵ não, đột quỵ tim. Vì vậy, nên hạn chế lượng mỡ trong các bữa ăn, ăn dầu thực vật thay cho mỡ động vật.

Tăng cường rau quả tươi

Người bệnh nên tăng cường ăn rau quả tươi như: rau cần, dưa chuột, súp lơ, cải bắp, cải xanh…; ngũ cốc nguyên hạt. Nên uống nhiều nước giúp tăng lượng nước tiểu và làm tăng thải a xít uric.

Lời khuyên dinh dưỡng cho người bệnh gút - Ảnh 3.

Người bệnh gút nên ăn các loại rau như bắp cải, súp lơ...

Không nên uống nước ngọt

Người mắc bệnh gút nên tránh những thực phẩm có chứa hàm lượng đường fructose cao. Fructose là một loại carbohydrate có khả năng làm tăng nồng độ a xít uric máu. Vì vậy, người bị gút không nên uống những loại nước ngọt, sirô… có hàm lượng fructose cao.

Lời khuyên dinh dưỡng cho người bệnh gút - Ảnh 4.

Người bệnh không nên uống nước ngọt có chứa hàm lượng đường fructose cao

Không sử dụng đồ uống có cồn

Hạn chế tối đa hoặc không uống các loại đồ uống có cồn như rượu, bia. Rượu, bia làm giảm khả năng đào thải a xít uric qua nước tiểu và làm tăng nguy cơ gây cơn gút cấp. 

Rượu bia còn làm tăng phản ứng viêm ở người đang bị sưng khớp do cơn gút cấp khiến cho bệnh nhân càng bị đau đớn hơn và làm giảm tác dụng của các loại thuốc điều trị gút. 

Ngoài ra, uống rượu bia còn làm tăng khả năng bị viêm loét, thậm chí chảy máu dạ dày ở người đang dùng thuốc prednisolon chống viêm trong cơn gút cấp. 

Người mắc bệnh gút cần duy trì thực hiện xét nghiệm định kỳ theo chỉ định của bác sĩ điều trị: công thức máu, đường, lipid, acid uric máu, chức năng gan thận siêu âm hệ niệu.

Giảm cân hay giảm mỡ


BS. Đức Vũ
Ý kiến của bạn