Thông tin từ Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị thành công cho một bệnh nhân có tiền tiền sử hẹp van tim 2 lá, có chỉ định thay van tim cách đây 3 năm, nhưng do điều kiện gia đình chưa thu xếp được, nên bệnh nhân chưa được thay van tim.
Đó là trường hợp bệnh nhân T.T.T.H, sinh năm 1981, ở Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội. Người nhà bệnh nhân cho biết: “Khoảng 0h30 ngày 15/4/2017 khi đang nói chuyện với người nhà bỗng đột ngột méo miệng, liệt nửa người phải. Ngay lập tức gia đình gọi cấp cứu 115 đưa thẳng đến Bệnh viện Xanh Pôn”. Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ cho nhập viện vào lúc 2h10 phút cùng ngày.
Tại khoa cấp cứu, các bác sĩ xác định , bệnh nhân bị liệt nửa người phải, nói ngọng, tim loạn nhịp, huyết áp 130/80 mmHg. Kết quả chụp mạch não cho thấy, bệnh nhân bị tắc hoàn toàn động mạch não giữa đoạn M1 bên trái.
Ngay lập tức các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn, tiến hành cấp cứu bệnh nhân. Kíp tiêu sợi huyết của khoa Hồi sức cấp cứu Nội kết hợp với kíp lấy huyết khối của khoa Chẩn đoán hình ảnh đã phối hợp và lấy được hoàn toàn huyết khối, tái thông hoàn toàn động mạch não giữa của bệnh nhân. Kết quả vô cùng ngoạn mục, chỉ 30 phút sau thủ thuật, bệnh nhân đã rút được ống nội khí quản. Một ngày sau đó, bệnh nhân hết liệt, nói được và đang tiếp tục điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu Nội.
Bệnh nhân H có thể vận động trở lại.
ThS.BS Nguyễn Thị Bảo Liên, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu (Bệnh viện Xanh Pôn), người đã nhanh chóng thiết lập, liên hệ, kết nối các ê kíp bao gồm kíp lấy huyết khối của khoa Chẩn đoán hình ảnh và kíp tiêu sợi huyết của khoa Hồi sức cấp cứu nội; đồng thời trực tiếp chỉ huy kíp hồi sức cấp cứu nội, chia sẻ: “Điều may mắn nhất là các bệnh nhân đến viện sớm và được can thiệp kịp thời”.
Theo các chuyên gia y tế, phương pháp tiêu sợi huyết có hiệu quả mở thông được mạch máu não bị tắc, cải thiện khiếm khuyết thần kinh, giảm tàn tật và tăng khả năng phục hồi vận động của bệnh nhân sau đột quỵ do nhồi máu não cấp, nhưng muốn có tác dụng thì phải sử dụng trong vòng 3 giờ (giờ vàng) kể từ khi có triệu chứng đầu tiên của đột quỵ. Nên người nhà bệnh nhân lưu ý nếu thấy bệnh nhân có bất cứ dấu hiệu đột ngột mất thị lực 1 bên hoặc nhìn mờ, méo miệng, nói khó hoặc rối loạn ngôn ngữ, liệt nửa người … cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế sớm, nếu không đến kịp trong khoảng “giờ vàng” này, di chứng liệt rất dễ xảy ra. Hiện nay Bệnh viện Xanh Pôn đã triển khai và áp dụng khép kín quy trình cấp cứu đột quỵ sớm, từ đón tiếp đến xét nghiệm và can thiệp sớm. Rất nhiều bệnh nhân đã được cứu sống và quan trọng nhất là không bị di chứng liệt.
Bác sĩ CK1 Nguyễn Bá Thắng, Khoa Hồi sức cấp cứu nội cho phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống biết, hiện bệnh nhân H. đã tỉnh tảo, ổn định, đi lại được, và có khả năng được ra viện trong vài ngày tới. Riêng về vấn đề nhồi máu não đã xử lý rất tốt, tuy nhiên bệnh nhân sẽ phải thu xếp thay van tim sớm.
Xem phương pháp tiêu sợi huyết đang được tiến hành tại Bệnh viện Xanh Pôn: