Khi màn đêm phủ xuống mảnh đất thần kinh, dòng người hối hả chen nhau về các trung tâm thương mại, công viên giải trí để trẩy hội. Đối lập với cảnh sôi động, rực rỡ, vui tươi của mùa mùa Noel thì ở một góc khác là cuộc sống của những phận đời mưu sinh kiếm sống chứ không phải để vui chơi, nghỉ ngơi bên bạn bè, người thân. Đâu đó trên gương mặt khắc khổ của họ là niềm hy vọng, mong mỏi về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.
Cái rét tê tái của tiết trời Huế vào những ngày giáng sinh vẫn không ngăn nổi hàng nghìn người và xe cộ chen chúc, nối đuôi nhau về các nhà thờ, điểm vui chơi để trẩy hội, khiển không khí Noel ở Huế trở nên vô cùng sôi động. Lẫn vào không khí náo nhiệt của những bộ đồ sang trọng, đẹp đẽ còn đó những những phận đời vội vã mưu sinh mùa giáng sinh. Những người kiếm sống trong dịp Noel có đủ thành phần: già có, trẻ có, nam có, nữ có… Họ làm các công việc khác nhau từ giữ xe đến đạp xích lô, bán vé số, bong bóng. Trẻ em thì đi bán nước, bán đậu phụng, nhặt vỏ chai nhựa để bán phế liệu.
Chị Minh vừa giữ xe, vừa bán nước cho khách. Ảnh: Văn Mến
Mỗi người một hoàn cảnh nhưng họ đều giống nhau ở cái nghèo đến từ các vùng ven của thành phố. Phe phẩy chiếc nón lá, bà Hồi (60 tuổi) người làng Phú Mậu đã có 10 năm bán đồ lưu niệm tại vỉa hè gần nhà thờ Phú Cam. Bà chia sẻ: "Vợ chồng tôi cứ đi bán hết chỗ này đến chỗ khác, tranh thủ mấy ngày Noel khách đến tham quan chụp hình ở đây nhiều nên ghé bán kiếm thêm thu nhập”. Cũng giống như bà Hồi là chị Loan (40 tuổi) vì nhà nghèo, đông anh em, chị chỉ được học cho biết mặt chữ rồi nghỉ đi bán bong bóng dạo. Mỗi tối ngày thường chị bán tới hơn 10 giờ mà thu nhập chẳng được bao nhiêu. Nhờ vào dịp giáng sinh này chị bán được nhiều hơn nên có thêm thu nhập.
Không chỉ có người lớn mưu sinh vào dịp giáng sinh này mà trẻ em cũng là lực lượng tham gia đáng kể. Đang loay hoay nhặt vỏ chai nhựa, em Nhật (8 tuổi) người ốm nhom, ăn mặc phong phanh người tím tái vì lạnh kể với chúng tôi: “Giờ Noel cháu tranh thủ chạy đi nhặt chai nhựa về bán kiếm thêm ít tiền mua bút vở”. Nói rồi Nhật chạy vụt đi với câu nói còn vẳng lại “thôi cháu đi nhặt kẻo hết của ngon”. Em Hậu (10 tuổi) làm “nghề” khác đó là bán đậu phụng. Cầm trên tay thúng đựng đậu phụng chỉ còn vài gói Hậu hồn nhiên nói với chúng tôi: “Hôm nay con trúng mánh mới hơn 9 giờ mà bán gần hết rồi, mong cho năm quanh năm có Noel để con bán cho khỏe chứ ngày thường bán xong chừng này cũng gần 12 giờ đêm”.
Em Hậu với rổ đậu phụng của mình. Ảnh: Văn Mến
Vào mùa giáng sinh, không chỉ người dân ở TP Huế mưu sinh mà nhiều người từ nơi xa cũng đến tìm đến để kiếm sống. Noel năm nay chị Nguyễn Thị Minh quê ở tận Phú Vang lại tạm gác công việc đồng áng “khăn đùm, áo gói” lên thành phố Huế bán nước và giữ xe cho khách. Theo lời của chị Minh, vào dịp giáng sinh du khách đổ về thành phố Huế rất đông nên chị và một số người dưới quê lên đây giữ xe kiếm thêm thu nhập. Tính ra trung bình mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng, bằng cả tháng làm việc ở quê. Công việc tuy khá vất vả, có khi phục vụ cả đêm nhưng đổi lại chị có thu nhập khá.
Chị Minh tâm sự, hầu hết những người mưu sinh mùa Noel như chị đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Chồng chị mất hơn chục năm nay, một mình chị phải bươn chải, kiếm tiền nuôi 2 đứa con nhỏ. Hoà trong dòng người đi trẩy hội, chúng tôi càng thêm thấu hiểu và cảm nhận được sự vất vả, nhọc nhằn, chịu thương, chịu khó của những con người mưu sinh trong đêm lạnh ấy.
Văn Mến