Tại nhiều khu vực đường mòn lối tắt hai bên các cửa khẩu lớn ở Lạng Sơn như: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, Cốc Nam..., hoạt động vận chuyển hàng lậu vào nội địa diễn ra rất phức tạp và nóng bỏng.
Đường mòn, lối tắt tại Chi Ma
Cách thành phố Lạng Sơn gần 40 cây số, cửa khẩu Chi Ma (ở huyện Lộc Bình) là một trong những cửa khẩu xa nhất ở Lạng Sơn. Sau hơn 3 tháng mở cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung Quốc), lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma khá thưa thớt dù đang là thời điểm cuối năm. Cả một khu vực kinh tế cửa khẩu được đầu tư xây dựng với cơ sở hạ tầng rất rộng rãi và hiện đại nhưng cả ngày chỉ có vài xe container vận chuyển hàng qua lại. Tuy nhiên, trái ngược với sự yên tĩnh, vắng lặng trong khu vực cửa khẩu, tại các đường mòn lối tắt xung quanh cửa khẩu Chi Ma như khu vực mốc 1228, 1229, 1230 thuộc địa phận thôn Nà Phát, Nà Quân xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình, hoạt động vận chuyển hàng lậu qua biên giới lại diễn ra vô cùng sôi động.
Cửu vạn vận chuyển hàng lậu qua khu vực biên giới.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bất kể ngày hay đêm, cứ khi nào vắng bóng lực lượng chức năng là các đối tượng lại tranh thủ vận chuyển hàng lậu, chủ yếu là gia cầm, nội tạng động vật qua biên giới. Đặc biệt, vào thời điểm nửa đêm khi mà nhiều đoàn xe máy, “ôtô cóc” chở gia cầm giống, trứng gia cầm nhập lậu, thịt gia súc, gia cầm từ bên kia biên giới luồn qua cung đường mòn Chi Ma vào sâu trong nội địa, rồi phóng bạt mạng nhằm vượt qua các chốt chặn của lực lượng chức năng. Một cửu vạn là người dân ở xã Yên Khoái chia sẻ với chúng tôi: Ở đây ruộng nương ít nên bà con phải làm thuê, bốc xếp, vận chuyển hàng qua biên giới để kiếm thêm thu nhập. Dịp cuối năm, trong thôn tôi ở, mỗi ngày có tới hàng trăm người tham gia vận chuyển hàng hóa, gà vịt qua biên giới. Mỗi gánh hàng khoảng 60-70kg chuyển trót lọt qua đường biên được chủ hàng trả tới gần 100.000 đồng, đâu có ít.
Nói về tình trạng trên, ông Hoàng Văn Quân - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma cho biết, kể từ khi được nâng cấp lên cặp cửa khẩu song phương, lượng phương tiện vận chuyển hàng hóa giao thương, xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Chi Ma tăng lên không đáng kể, thậm chí ngay cả vào giai đoạn cao điểm cuối năm cũng chỉ vài chục xe mỗi ngày. Tuy nhiên, tại khu vực đường mòn, lối tắt xung quanh cửa khẩu, hoạt động vận chuyển hàng lậu vẫn rất căng thẳng, lực lượng chức năng thường xuyên gặp phải sự chống đối quyết liệt của các đối tượng vận chuyển hàng lậu vì các chủ hàng thuê cửu vạn, bà con địa phương vận chuyển hàng lậu đều bắt đặt cọc tiền hàng nhằm ràng buộc trách nhiệm của người vận chuyển với chủ hàng. “Nếu lô hàng có giá trị 1 triệu đồng thì người vận chuyển phải đặt cọc tới 800.000 đồng, khi vận chuyển trót lọt qua biên giới mới được trả lại tiền cọc cùng tiền công khoảng 200.000 đồng...”, ông Quân cho biết.
Và những nơi khác
Tại khu vực cửa khẩu Cốc Nam và Hữu Nghị, thị trấn Đồng Đăng, Lạng Sơn, các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa diễn ra rất sôi động cả bên trong cũng như tại các cung đường mòn lối tắt quanh các khu vực cửa khẩu. Với đặc thù địa hình địa lý ở nơi đây, có nhiều khu dân cư chỉ cách đường biên vài trăm mét và người dân có thể đi qua đường mòn, lối tắt qua biên giới một cách dễ dàng nên lâu nay các khu vực này luôn trở thành điểm nóng về buôn lậu và xuất nhập cảnh trái phép. Theo một cán bộ biên phòng cửa khẩu Hữu Nghị: Hàng lậu được tập kết tại đây để đưa sang Việt Nam tiêu thụ. Do sự phức tạp ở khu vực này, 2 năm trước, đơn vị đã rào dây thép gai ở các lối mòn qua biên giới, đồng thời cử cán bộ, chiến sĩ trực 24/24 giờ ở lối mòn, thường xuyên tổ chức tuần tra trên dọc tuyến biên giới do đơn vị quản lý. Nhưng vì đường biên giới dài cho nên việc kiểm soát người qua lại gặp rất nhiều khó khăn. Các đối tượng buôn lậu dùng nhiều thủ đoạn theo dõi, tìm mọi thời cơ để xé lẻ hàng mang vác qua biên giới bất kể ngày đêm.
Không những vậy, đối diện thị trấn, phía bên kia biên giới là khu Trung tâm thương mại Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc) có nhiều kho hàng lớn và từ đây hàng lậu được xé lẻ, vận chuyển bằng nhiều thủ đoạn, vượt qua các cung đường mòn, lối tắt khu vực biên giới, sau đó được cất giấu trong các khu dân cư nằm sát biên giới, chờ cơ hội chuyển lên ôtô, đưa lên các chuyến tàu tại ga Ðồng Ðăng hay các tuyến quốc lộ 1A, 1B, 4B để đi vào sâu trong nước tiêu thụ. Một đại diện Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Cốc Nam cho biết: Lâu nay, tại các đường mòn, lối tắt như Khe Thớt, Cột Cờ, Thác Nước, Gốc Nhãn, Khơ Ða... ở xung quanh cửa khẩu là những cung đường chính để hàng lậu tuồn vào nước ta, khi các lực lượng chức năng đấu tranh quyết liệt thì các đối tượng buôn lậu lại tìm cách vận chuyển hàng theo các đường vòng, đường tránh khác để tập kết về thị trấn Đồng Đăng...
Ông Nguyễn Quang Bách - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Cốc Nam cho biết, tại đây cho phép các xe chở hàng Trung Quốc được vào địa bàn cửa khẩu Cốc Nam cũng như huyện Cao Lộc để giao - nhận hàng. Từ sáng sớm, chúng tôi đã chứng kiến cả đoàn xe biển xanh từ Trung Quốc kéo sang Đồng Đăng, tới khoảng 9-10 giờ sáng lại rồng rắn nối đuôi nhau quay về Trung Quốc. Giao thông khá nhộn nhịp, có xe thì lặc lè hàng hóa, có xe lại nhẹ tênh sau khi đã trả xong hàng. Hoạt động làm ăn sôi động giữa doanh nghiệp, tư thương hai bên vào dịp cuối năm là điều đáng mừng nhưng cũng lại tiềm ẩn nguy cơ gian lận, trốn thuế và sử dụng mọi thủ đoạn vận chuyển hàng lậu qua các cung đường mòn, lối tắt từ Trung Quốc vào thị trường nước ta.