Hà Nội

Học sinh lớp 1 không được ăn đùi gà

TS. Vũ Thị Minh Huyền

TS. Vũ Thị Minh Huyền

27-05-2024 11:06 | Blog thầy thuốc

SKĐS - Mạng xã hội đang xôn xao trước bài đăng của một vị phụ huynh về việc 1 đứa trẻ vì mẹ không đóng tiền quỹ lớp mà phải nhìn cả lớp ăn liên hoan.

Theo thông tin chia sẻ trên mạng, lớp 32 học sinh thì 31 em đóng tiền quỹ phụ huynh là 100k/em. Quỹ lớp dùng để mua sách vở động viên học sinh, quỹ này khi tới cuối năm đã không còn đủ nữa rồi và tiền liên hoan cho lớp được lấy ra từ quỹ phụ huynh. Vì không tham gia quỹ, con của phụ huynh này không có suất ăn như các bạn.

Chia sẻ trên ngay lập tức nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng mạng. Người cho rằng cô giáo và ban phụ huynh quá vô cảm, phi giáo dục, nhiều người khác lại cho rằng mẹ làm như vậy cũng thật quá đáng và trong câu chuyện này đứa trẻ non nớt phải chịu hậu quả nặng nề nhất.

Cho đến nay, chưa biết thông tin trên xác thực đến đâu, nhưng những tình huống trong cuộc sống thì cũng nhiều trường hợp như vậy.

Xin được chia sẻ thêm góc nhìn của cá nhân tôi để mọi người có thêm thông tin tham khảo: Theo quy định hiện hành không có khái niệm về quỹ lớp, tuy nhiên có thể hiểu quỹ lớp là cách gọi thông thường thay cho kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Cụ thể tại Điều 10 Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh ban hành kèm theo Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT có quy định về kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như sau:

"Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.

Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh".

Theo đó, quỹ lớp hay kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được là từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp. Đồng thời cũng theo quy định này, Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ, sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không cào bằng mức kinh phí ủng hộ cho các cha mẹ học sinh.

Theo quy định của pháp luật thì Ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp này thu quỹ để hoạt động chung cho các con là đúng. Quỹ lớp đã công khai, đã chi hết, thu thêm quỹ để liên hoan cho các con là đúng. Tuy nhiên, có một điều chưa đúng là đã quy định mức đóng bình quân quỹ lớp và ứng xử không khéo léo khi có một phụ huynh không nộp tiền quỹ cho con thì không đặt khẩu phần ăn cho học sinh đó.

Vị phụ huynh chỉ nộp quỹ lớp, không đóng quỹ phụ huynh cũng không sai quy định. Tuy nhiên, trong trường hợp này, phía phụ huynh lớp đã có chia sẻ rất rõ ràng về 2 khoản quỹ, kế hoạch thu chi ra sao. Khoản tiền 100 nghìn không hề lớn, hoàn toàn có thể đóng để con được liên hoan như các bạn, nhưng chính phụ huynh này đã chọn giải pháp khiến con mình phải rơi vào cảnh tủi thân.

Dẫu biết trong câu chuyện này, người mẹ có phần lỗi nhiều hơn nhưng nhìn tổng thể, tôi cho rằng: Cả phụ huynh, cả giáo viên đều xử lý chưa khéo léo và vô tình làm tổn thương con trẻ.

Khi con gái lớn của tôi học cấp 2, cũng có xảy ra một trường hợp tương tự là có một phụ huynh nhất định không đóng quỹ để lắp điều hòa cho con khi tất cả phụ huynh các khối lớp trong toàn trường đều thống nhất nộp tiền mua điều hòa và lắp điều hòa cho các lớp để các con đỡ bị nóng. Vị phụ huynh đó cho rằng khoản tiền dự kiến 1,5 triệu/1 em học sinh (bao gồm tiền mua điều hòa, tiền lắp đặt hệ thống đường dây để có thể lắp 2 điều hòa cho mỗi lớp) là quá lớn, hoàn toàn có thể mua loại máy điều hòa rẻ tiền hơn, không nhất thiết phải mua điều hòa của Nhật Bản như dự kiến của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Phụ huynh lớp con tôi đã phải tổ chức họp riêng nhiều lần để thuyết phục vị phụ huynh đó nhất trí với các phụ huynh khác còn lại trong lớp nhưng không có hiệu quả.

Hồi đó, chúng tôi rất khó chịu vì cứ phải đi họp phụ huynh nhiều lần chỉ vì mỗi vấn đề đóng quỹ mua điều hòa cho các con của mình. Cuối cùng, khi không đạt được thỏa thuận của 45/45 phụ huynh, chị Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp con tôi đã có quyết là 44 phụ huynh chúng tôi cứ đóng quỹ, ai có lòng hảo tâm ủng hộ cho quỹ lớp thì đóng nhiều hơn, ai không có điều kiện kinh tế thì đóng ít hơn số tiền mà Ban đại diện cha mẹ học sinh dự kiến mức đóng bình quân của mỗi em học sinh. Một phụ huynh không đóng tiền không sao cả. Tất cả 44/45 phụ huynh chúng tôi đã cùng đóng quỹ và số tiền nhờ ủng hộ vẫn đủ để nộp cho 45 học sinh, em học sinh có bố không đóng quỹ vẫn được sử dụng điều hòa như con chúng tôi.

Điều khiến tôi rất khâm phục Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp con gái lớn của tôi là cách ứng xử vô cùng khéo léo, tinh tế. Trong các cuộc họp, chị không công bố tên của phụ huynh không quỹ và cho đến bây giờ khi con tôi đã học xong lớp 12, tôi cũng không biết tên của bác phụ huynh không đóng quỹ lớp đó. Chị còn nhắc các bố mẹ trên lớp nếu ai có biết thông tin gì về người không đóng quỹ thì cũng tuyệt đối không nói lại với các con của mình, tránh các bạn nói chuyện không hay khiến bạn bị tổn thương. Chính cách ứng xử khéo léo, tinh tế ấy của chị Trưởng ban mà lớp chúng tôi không có ai bóc phốt lên báo, không có học sinh nào bị tổn thương. Tôi chia sẻ lại câu chuyện có thật này để chúng ta cùng nhau rút kinh nghiệm trong ứng xử hàng ngày sao cho đúng quy định nhưng vẫn phải hài hòa, đặt lợi ích của con trẻ lên hàng đầu, không để bất kỳ con nào bị tổn thương vì hành vi của người lớn.

Để phụ huynh có những hoạt động chăm sóc cho trẻ, tổ chức lễ hội... đều cần khoản kinh phí nhất định. Thực tế bao nhiêu năm đi họp phụ huynh cho 2 con gái, tôi thấy cũng có những trường hợp phụ huynh không hề khó khăn, song, nhất quyết không đóng quỹ phụ huynh để tổ chức các hoạt động cho trẻ. Tuy nhiên, thay vì loại trừ con của phụ huynh đó ra khỏi các hoạt động, tất cả giáo viên và các phụ huynh khác thống nhất vẫn để đứa trẻ kia được tham gia bình thường.

Người lớn xích mích là chuyện của người lớn nhưng trẻ con không có tội. Chúng ta không nên để 1 đứa trẻ cảm thấy mình bị cô lập trong tập thể. Về phần mẹ của cháu bé cũng nên xem lại, đóng quỹ hội phụ huynh 100.000 đồng/năm không phải quá lớn nhưng lại không thể đóng cho con. Khi hội phụ huynh bàn chuyện liên hoan lại không có hành động cụ thể như đóng tiền cho con tham gia cùng hoặc xin cho con không dự buổi liên hoan. Cuối cùng người chịu thiệt thòi chỉ có con của chị.

Cả phụ huynh, cả giáo viên đều xử lý chưa khéo léo, chuẩn mực và vô tình làm tổn thương con trẻ. Chúng ta không nên vì quyết định của người lớn mà để cho đứa trẻ nào bị bỏ lại phía đằng sau. Trước khi định xử lý vấn đề gì, hãy nghĩ đến cảm xúc của con trẻ đầu tiên và hãy đặt lòng yêu thương các con lên vị trí số 1.

Bài viết thế hiện quan điểm riêng của tác giả.

TS. Vũ Thị Minh Huyền
Ý kiến của bạn