Ngày 12/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế giai đoạn 2015-2019 và xin ý kiến dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế sửa đổi.
TS. Lê Văn Khảm - Vụ trưởng Vụ BHYT cho biết, sau 5 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, số người tham gia BHYT ngày càng gia tăng. Tính đến 31/12/2018, toàn quốc có trên 83,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ BHYT là 88,5% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 là 3,3% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 giao, đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT).
Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng, sử dụng quá mức cần thiết dịch vụ y tế - thậm chí là trục lợi BHYT vẫn đã và tiếp tục là một thách thức. Một số hình thức lạm dụng dịch vụ y tế như: Áp giá thanh toán dịch vụ kỹ thuật, thống kê tổng hợp các chi phí sai quy định như thống kê trùng các dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế, hóa chất đã có trong cơ cấu giá.
Cung cấp dịch vụ kỹ thuật y tế không đảm bảo tính pháp lý: người thực hiện chưa có chứng chỉ hành nghề hoặc hành nghề không đúng phạm vi chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề, dịch vụ kỹ thuật chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện dịch vụ kỹ thuật cho người bệnh không đúng quy trình chuyên môn do Bộ Y tế ban hành.
Bệnh nhân đăng ký khám BHYT. Ảnh minh họa.
Một kiểu lạm dụng dịch vụ BHYT nữa là chỉ định thực hiện dịch vụ kỹ thuật (xét nghiệm cận lâm sàng, X-quang, thăm dò chức năng) quá mức cần thiết, không phù hợp với tình trạng bệnh.
Thực hiện mua sắm vật tư y tế, hóa chất sử dụng cho các dịch vụ kỹ thuật không đúng quy định của pháp luật. Có trường hợp yêu cầu người bệnh phải tự chi trả chi phí thuốc đã có trong danh mục BHYT nhưng đơn vị không cung cấp được do công tác đấu thầu, mua sắm.
Chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú khi tình trạng bệnh không cần thiết phải điều trị nội trú hoặc kéo dài ngày điều trị nội trú. Lợi dụng chính sách thông tuyến tổ chức các hình thức quảng cáo, khuyến mại để thu dung nhiều người có thẻ BHYT đến khám chữa bệnh để tăng nguồn thu cho bệnh viện. Người bệnh đi KCB nhiều nơi trong một thời gian ngắn, mượn thẻ BHYT của người khác đi KCB....
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện Luật, một số khó khăn, vướng mắc và vấn đề mới phát sinh đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với thực tế.
Một trong những nội dung trong dự thảo Luật BHYT sửa đổi lần này là về vấn đề tổ chức hệ thống và Hội đồng tư vấn Quốc gia. Trong đó, đề xuất thành lập cơ quan giám định BHYT độc lập, tách khỏi cơ quan BHXH hiện nay. Nội dung, cách thức, quy trình, tiêu chí nhận định kết quả, tiêu chuẩn giám định viên do Bộ Y tế ban hành. (Hoặc vẫn giữ như hiện nay nhưng Bộ Y tế quy định nội dung, cách thức, quy trình, tiêu chí nhận định kết quả, tiêu chuẩn giám định viên).
Bộ Y tế cũng đề xuất thành lập Hội đồng tư vấn Quốc gia, quy định cụ thể về số lượng thành viên, thành phần (đại diện các bên liên quan), quy định nhiệm vụ của Hội đồng. Chính phủ quy định chi tiết quy chế hoạt động của Hội đồng.... đảm bảo tính thống nhất, đồng thuận, phù hợp thực tiễn.
Nhiều đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm Y tế
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: BHYT là một chính sách an sinh xã hội quan trọng của Đảng và nhà nước ta, là cơ chế tài chính trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vì mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong lĩnh vực chăm sóc, bảo về sức khỏe nhân dân.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Chính Phủ, các Bộ, Ngành, sự phối hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương và nỗ lực của Bộ Y tế, tổ chức Bảo hiểm xã hội, Luật BHYT và các văn bản quy phạm hướng dẫn Luật BHYT đã được tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả và đạt được những kết quả quan trọng.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, chất lượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, nhiều thuốc mới, hiệu quả cao, giúp nhiều người vượt qua ốm đau và các căn bệnh hiểm nghèo. Quỹ BHYT đang trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của bệnh viện, trung tâm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT.
Tuy nhiên, thực tiễn quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn còn một số tồn tại, bất cập trong quy định và trong tổ chức thực hiện Luật. Các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như tổ chức thực thi pháp luật. Công tác tổ chức thực hiện còn hạn chế do năng lực, cơ sở vật chất, đội ngũ nhân viên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát sinh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại hội thảo.
Một số vấn đề trọng tâm trong chính sách BHYT liên tục được nghiên cứu, đánh giá và có các giải pháp phù hợp với thực tiễn như: phát triển đối tượng tham gia BHYT; quyền lợi của người tham gia BHYT; tổ chức khám chữa bệnh BHYT; phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT; công tác giám định; quản lý và sử dụng quỹ BHYT và các vấn đề liên quan đến tổ chức và quản lý Nhà nước về BHYT.
Để chuẩn bị cho một giai đoạn mới, với tinh thần cầu thị, đánh giá, tổng kết thực tiễn, tổng hợp và luận giải các vấn đề vướng mắc, xem xét kinh nghiệm trên thế giới về BHYT, ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương có Nghị quyết số 20; ngày 22/5/2018, Bộ Y tế ban hành Kế hoạch số 453/KH-BYT xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi để báo cáo Chính phủ trình Quốc Hội ban hành Luật BHYT sửa đổi phù hợp với tình hình mới. Tháng 12/2018, Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo để xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi. Trên cơ sở tổ chức dánh giá thực hiện Luật BHYT tại một số địa phương, tổng hợp các báo cáo tổng kết thực hiện Luật BHYT thời gian qua của các địa phương, Bộ Y tế đã xây dựng Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Luật BHYT giai đoạn 2015-2019, đồng thời cũng xây dựng dự thảo Luật BHYT sửa đổi để xin ý kiến rộng rãi.
Tại hội nghị lần này, các đại biểu sẽ tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật BHYT trên tất cả các phương diện: khám bệnh chữa bệnh, vận chuyển, tiếp cận tuyến, cơ chế tài chính, phân bổ quỹ, thanh quyết toán…; các nội dung liên quan khác như tồn tại hạn chế trong mở rộng quyền lợi, mất cân đối quỹ, giám định, vận hành hệ thống công tác giám định BHYT, công tác phối hợp của các bên liên quan, một số vấn đề thực tiễn đang nảy sinh tại các cơ sở khám chữa bệnh, địa phương...
Đồng thời sẽ cùng nhau thảo luận về dự thảo Luật BHYT sửa đổi, thay thế Luật BHYT đang vận hành và cần phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn của nước ta, bảo đảm chính sách BHYT phục vụ người dân một cách công bằng, hiệu quả.
Ngày 13/6/2014, Quốc hội ban hành Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm Y tế năm 2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT và tác động tích cực đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHYT.
Với định hướng thực hiện bao phủ chăm sóc sức khoẻ và BHYT toàn dân, mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ; được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT và thụ hưởng các dịch vụ y tế, Nghị quyết số 20 của Ban chấp hành trung ương ban hành ngày 25/10/2017 đã nêu rõ mục tiêu: Đến năm 2025: Tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%. Đến năm 2030: Tỷ lệ tham gia BHYT trên 95% dân số. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%.
Chính phủ cũng cam kết đảm bảo các nguồn kinh phí đủ để đạt được các mục tiêu đề ra của chương trình.