Hạn chế điều hòa, không đun nấu để tiết kiệm điện
Theo Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến ngày 31/5, toàn bộ 63/63 tỉnh, thành đã ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường tiết kiệm điện trong mùa khô và cả năm 2023 và triển khai các biện pháp cấp bách đảm bảo cung ứng điện.
Tại Hà Nội, để tăng cường tiết kiệm điện, những ngày qua, từ người dân đến các cơ quan, công sở, nhà hàng, khách sạn, các cơ sở sản xuất, trung tâm thương mại, nhà ga, sân bay… đều có những cách tiết kiệm điện, giảm mức tiêu thụ.
Bà Nguyễn Thị Hằng (45 tuổi, ở Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hai vợ chồng không thường xuyên ở nhà nhưng nhà có ông bà hơn 70 tuổi và hai con nhỏ vừa trong thời gian nghỉ hè.
Do đó, ngay sau khi nhận thông tin từ chính quyền địa phương về việc tăng cường tiết kiệm điện, gia đình bà đã hạn chế mức tiêu thụ xuống thấp nhất bằng cách là sắm thêm quạt làm mát bằng hơi nước.
Bà Hằng cho biết: "Người lớn tuổi không thích bị phụ thuộc vào hơi mát của điều hòa, bởi rất ảnh hưởng sức khỏe, mà ông bà chỉ có nhu cầu sử dụng điều hòa về đêm. Do đó, sử dụng quạt điều hòa, làm mát bằng hơi nước (nước đá lạnh) và tăng cường gió đối lưu từ các cửa sổ, cửa ra vào là giải pháp tiết kiệm điện của nhà tôi vào mùa hè. Như vậy vừa tiết kiệm điện, vừa đảm bảo sức khỏe cho người lớn tuổi".
Không chỉ người dân, Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, từ ngày 23/5, đơn vị này đã có văn bản gửi đến Cục, Ban, Vụ và các đơn vị trực thuộc yêu cầu sử dụng tiết kiệm điện vào giờ cao điểm.
Cụ thể, đơn vị này yêu cầu tắt tất cả các thiết bị điện khi ra khỏi phòng và hết giờ làm việc.
Đối với máy tính, nếu không dùng đến trong vòng 15 phút thì tắt màn hình và tắt máy tính nếu đi ra ngoài trong thời gian dài để tiết kiệm điện.
Ngoài ra, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên để hạn chế bớt lượng điện chiếu sáng; mở điều hòa trong thời gian từ 7h30 phút sáng đến 17h30 chiều hàng ngày với mức nhiệt 26 độ C trở lên.
Để tiết kiệm tối đa điện năng nhằm góp phần đảm bảo an toàn trong vận hành lưới điện Thủ đô, Tổng cục cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc không đun nấu trong phòng làm việc, hạn chế dùng đèn chiếu sáng ở các khu vực công cộng, hành lang và tắt các thiết bị hiện đại ở các khu vực vệ sinh chung khi không sử dụng.
Tắt hệ thống chiếu sáng công cộng, quảng cáo để tiết kiệm điện
Trước diễn biến tình hình thời tiết nắng nóng cao độ, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, để tiết kiệm điện năng, việc thực hiện tiết giảm hệ thống chiếu sáng công cộng cũng được triển khai mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Chiếu sáng và thiết bị đô thị (Hapulico) cho biết, đơn vị quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn 22 quận, huyện, với quy mô 227.600 bộ đèn tương ứng với công suất là 29,3 MW, chi phí điện năng hằng năm khoảng 180 tỷ đồng.
Từ đầu tháng 6, đơn vị đã vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng theo chế độ tiết kiệm điện như bật đèn muộn 30 phút, tắt đèn sớm 30 phút so với chế độ vận hành thông thường.
Ngoài ra, hệ thống chiếu sáng đường phố, ngõ xóm và khu vực ngoại thành giảm 1/3 số đèn từ đầu giờ vận hành và giảm thêm 1/3 số đèn sau 23h.
Đối với các tuyến đường có 4 làn đèn (như đường Võ Chí Công, Hoàng Sa - Trường Sa, Đại lộ Thăng Long...) đều được cắt giảm 50% ngay từ đầu giờ vận hành và tắt hàng đèn ở dải giữa sau 23h.
Hệ thống chiếu sáng trong các công viên, vườn hoa chỉ vận hành tối đa không quá 50% số đèn và cắt toàn bộ sau 23h.
Hệ thống trang trí thường xuyên vận hành thứ 7 và chủ nhật chỉ bật đến 23h tại các khu vực trung tâm.
Ngoài ra, tắt toàn bộ hệ thống trang trí chiếu sáng kiến trúc, trang trí trên dải phân cách và trên hè (dành cho người đi bộ).
Theo EVN Hà Nội, tính từ ngày 15 – 30/5, tổng sản lượng điện tiết kiệm trên toàn địa bàn thành phố đạt hơn 12 triệu kWh.
Trong đó có hơn 3.058 lượt khách hàng trọng điểm tham gia phối hợp thực hiện điều chỉnh nhu cầu phụ tải điện với sản lượng điện tiết giảm được gần 2 triệu kWh.
Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các công tác kinh doanh dịch vụ tới khách hàng để chung tay thực hiện tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả;
Chủ động triển khai công tác điều chỉnh nhu cầu phụ tải điện đảm bảo cấp điện trong các khung giờ cao điểm tiêu thụ điện, dự kiến sản lượng điện năng tiết kiệm điện trong tháng 6 năm 2023 là 18 triệu kWh.
Tuy nhiên, dự báo nắng nóng gay gắt còn tiếp diễn và để tránh quá tải cục bộ gây gián đoạn việc cung cấp điện, EVN Hà Nội khuyến cáo khách hàng, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cùng chung tay sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tắt các thiết bị điện không cần thiết và hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn vào khung giờ cao điểm tiêu thụ điện: từ 10h00 - 14h00 và từ 19h00 - 23h00 hàng ngày.
Đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt);
Không sử dụng nhiều đồ dùng điện cùng một lúc để tránh quá tải lưới điện đồng thời đề phòng các nguy cơ gây cháy nổ lưới điện, trạm điện và khu dân cư.