Muôn kiểu sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng

22-11-2019 07:30 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, mặc dù thời gian qua Cục An toàn thực phẩm (ATTP) cũng như các cơ quan chức năng liên quan đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt xử lý các đơn vị sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhưng tình trạng quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng, lợi dụng hình ảnh cá nhân, tổ chức có uy tín để mượn danh quảng cáo, quảng cáo khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép... vẫn đang diễn ra rất phổ biến.

Theo Cục trưởng Cục ATTP, các công ty kinh doanh có rất nhiều “mánh khóe” nhằm đẩy mạnh tiêu dùng các mặt hàng có nhu cầu lớn. Trong khi đó, việc quảng cáo thổi phồng tác dụng của sản phẩm rất nguy hiểm, không chỉ làm người tiêu dùng thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh. Trên thực tế, thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học thì nhiều đơn vị lại thổi phồng công dụng như là thuốc, điều trị triệt để bệnh để mong bán được nhiều hàng.

Các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và thổi phồng như thuốc chữa bệnh thường xuất hiện nhiều hiện nay như sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan..., thậm chí có thuốc quảng cáo phải dùng vài tháng mới thấy tác dụng, chính thời gian này đã cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của bệnh nhân. “Tất cả các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo trên mạng xã hội dùng thư tín bệnh nhân, hình ảnh cơ sở y tế, danh nghĩa cơ quan y tế, hình ảnh bác sĩ, có công dụng chữa bệnh nọ bệnh kia; đẩy lùi bệnh nọ bệnh kia hoàn toàn sai sự thật, tuyệt đối không mua. Vì thực phẩm chức năng chỉ hỗ trợ chứ không thể điều trị dứt bệnh”, PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.

thực phẩm chức năngCục trưởng Cục ATTP nêu một trường hợp quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm trên mạng xã hội.

Cũng theo Cục trưởng Cục ATTP, ngoài quảng cáo “nổ” công dụng, nhiều đơn vị còn quảng cáo khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định nội dung, quảng cáo vi phạm các quy định cấm quảng cáo theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn nhiều sai phạm khác về ghi nhãn thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe không đúng với các quy định của pháp luật, sai so với hồ sơ công bố, sử dụng hình ảnh cách điệu, hình ảnh nhạy cảm không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng không đúng với chất lượng như bản đăng ký công bố sản phẩm, sử dụng chất có khuyến cáo không được dùng trong thực phẩm (sibutramine trong sản phẩm giảm cân, sildenafil trong sản phẩm tăng cường sinh lý...). Sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng khi chưa đăng ký bản công bố với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, hàng xách tay. Sản xuất thực phẩm chức năng ở nơi không đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, nhiều sản phẩm có các chỉ tiêu an toàn không bảo đảm, vượt ngưỡng theo quy định.

Ngoài ra, tình trạng bán thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe online, facebook, tư vấn trực tiếp cho người dùng qua điện thoại, không công khai nơi trưng bày, giao hàng với số lượng ít theo đơn đặt hàng qua điện thoại gây rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý. Hoặc tình trạng nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa cấp lợi dụng tổ chức hội thảo, hội nghề nghiệp về vùng sâu, vùng xa tổ chức hội thảo, khám chữa bệnh miễn phí để giới thiệu và bán thực phẩm chức năng.

“Cục ATTP sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, hậu kiểm, kịp thời phát hiện những vi phạm để xử lý theo quy định. Chúng tôi cũng cần sự hợp tác của người dân. Người dân hãy là những người tiêu dùng thông thái, không tin dùng các sản phẩm vi phạm, quảng cáo “nổ” vừa tiền mất, tật mang vì có thể bỏ qua giai đoạn vàng trong điều trị bệnh” - Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo.

Cục ATTP cho biết, mới đây hàng loạt các sản phẩm như: Viên giảm cân Giáng ngọc Eva; thực phẩm bảo vệ sức khỏe Men Pro New; sản phẩm Detox Slimming Capsules... đã được cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm, cho thấy không đảm bảo an toàn thực phẩm. Đó là chất cấm sibutramine - hoạt chất được chỉ định trong điều trị béo phì bao gồm giảm cân và duy trì cân nặng có trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe giảm cân. Tuy nhiên, chất này gây ra một số rối loạn, đặc biệt tác động nguy hiểm đến hệ tim mạch ở những người có nguy cơ cao, gây chóng mặt, đau đầu, vì thế, sibutramine bị FDA cấm lưu hành từ tháng 10/2010; thực phẩm tăng cường sinh lý chứa hoạt chất sildenafil - một hoạt chất dùng để điều trị rối loạn chức năng cương dương ở nam giới.


Nam Nguyễn
Ý kiến của bạn