Muôn kiểu lấn chiếm đất công

17-11-2018 08:09 | Thời sự
google news

SKĐS - Nhiều năm qua, công tác chống lấn chiếm đất công, chống sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích trên địa bàn Hà Nội có quá nhiều bất cập. Nhiều diện tích bị lấn chiếm, thậm chí được cấp sổ đỏ, nhiều ao hồ bị lấn và san lấp xây dựng công trình nhà ở. Chấn chỉnh công tác quản lý đất công, đất nông nghiệp trên nhiều phương diện là nhiệm vụ cấp bách của cơ quan chức năng các cấp.

Buông lỏng quản lý?

Các huyện Thường Tín, Ứng Hòa, Thanh Trì, quận Hà Đông, Hoàng Mai... là những địa phương xảy ra nhiều vi phạm trong quản lý đất công, người dân lấn chiếm đất công, hành lang bảo vệ đê và vùng thoát lũ, sử dụng đất sai quy định. Bám địa bàn và nhiều lần phản ánh về thực trạng lấn chiếm bờ sông Nhuệ tại địa bàn xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì), phóng viên ghi nhận sự chậm trễ trong việc quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm. Hàng trăm lều, lán, công trình nhà ở kiên cố vẫn “án ngữ” trên đất công, nhiều trường hợp chính quyền nhắc nhở, tháo dỡ phần mặt tiền thì lại xây thêm, “lùi” về phía sau, càng làm cho mặt sông co cụm lại, nham nhở, ảnh hưởng lớn đến mỹ quan đô thị.

Lãnh đạo xã Tả Thanh Oai bộc bạch, địa bàn có tổng số 399 trường hợp sử dụng đất dọc bờ sông Nhuệ, 27 trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, riêng thôn Tả Thanh Oai có tới 254 trường hợp vi phạm vẫn “ăn” vào đất bảo vệ sông.

Tổ công tác tiến hành cưỡng chế công trình vi phạm tại ngõ 190 Tựu Liệt, xã Tam Hiệp (Thanh Trì).

Tổ công tác tiến hành cưỡng chế công trình vi phạm tại ngõ 190 Tựu Liệt, xã Tam Hiệp (Thanh Trì).

Dù đã cố gắng, song dường như lực bất tòng tâm, ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai, vớt vát: “Đối với các hộ gia đình, cá nhân có công trình vi phạm, lấn chiếm bờ sông, lòng sông Nhuệ, qua tuyên truyền, vận động thuyết phục mà vẫn không tự giác chấp hành tháo dỡ, UBND xã sẽ đưa lực lượng tháo dỡ để bảo đảm làm khơi thông dòng chảy, bảo vệ môi trường và mỹ quan đô thị”.

Cán bộ địa phương hứa là như vậy, thực tế đến nay đã ba đời lãnh đạo xã, nhưng sự việc trên vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa, đất công vẫn cứ “hở ra là bị lấn chiếm”. Ngay như trong buổi làm việc với chúng tôi vào đầu năm 2017, ông Nguyễn Tiến Hưng nói sẽ cương quyết xử lý, nhưng đến nay công việc vẫn chẳng mấy tiến triển. Còn Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) huyện Thanh Trì là đơn vị quản lý ngành dọc, chia sẻ việc lấn chiếm này đã diễn ra từ lâu và cơ quan chức năng vẫn chủ yếu tuyên truyền mà chưa áp dụng biện pháp mạnh.

Một xã khác là Tam Hiệp (huyện Thanh Trì), những năm qua cũng để không ít trường hợp vi phạm. Đầu tháng 5/2018 theo điều tra, địa bàn có nhiều điểm đất công bị lấn chiếm hoặc sử dụng sai mục đích. Như khu đất diện tích khoảng 5.508m2 tại khu vực đối diện Bệnh viện Thăng Long (đường Tựu Liệt) và cánh đồng thôn Tựu Liệt, được nhà nước giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64-CP (về giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, có hiệu lực từ năm 1993) bị “hô biến” thành hàng loạt quán hàng. Tại đây, xuất hiện các căn nhà kiên cố mới được xây dựng, cùng các nhà lán quây tôn thành các cửa hàng kinh doanh. Rồi1.500m2 đất công rộng (khu cổng làng Tựu Liệt) biến thành sân bóng đá và một quán bia. Tình trạng sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp, đất công ở xã Tam Hiệp đã diễn ra từ lâu, điều đáng nói các khu vực nằm ở mặt đường, có khả năng sinh lời cao.

Trước những kiến nghị của người dân cùng dấu hỏi liên quan đến sự buông lỏng quản lý đất công, chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo huyện Thanh Trì. Thanh tra huyện Thanh Trì đã nhập cuộc thanh tra, và đến 30/6/2018 UBND huyện ban hành ba kết luận thanh tra công tác quản lý đất đai tại xã Thanh Liệt, Hữu Hòa, Tam Hiệp, phát hiện nhiều sai phạm về quản lý đất đai. Tiếp đó, ngày 7/6 UBND huyện Thanh Trì đã ban hành văn bản 1116/UBND-TNMT về những vi phạm tại xã Tam Hiệp, đồng thời yêu cầu lãnh đạo xã này phải giải quyết dứt điểm năm vị trí xảy ra lấn chiếm, dựng nhà và lán. Chúng tôi cũng liên hệ với ông Ngô Ngọc Toàn - Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp. Ông Toàn cho biết khu đất diện tích khoảng 5.508m2 tại khu vực đối diện Bệnh viện Thăng Long (đường Tựu Liệt) và cánh đồng thôn Tựu Liệt ở thời điểm năm 2013 có tới 18 trường hợp vi phạm và xây dựng nhà ở cấp 4. Song do không có hồ sơ vi phạm nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Sự việc vì thế không được giải quyết kịp thời nên đã phát sinh thêm bốn trường hợp vi phạm với năm công trình xây dựng.

Trước đòi hỏi cấp bách của việc quản lý, đòi lại đất công, UBND xã Tam Hiệp tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ tự giác tháo dỡ công trình vi phạm. Một số hộ không chấp hành, buộc UBND xã Tam Hiệp tổ chức cưỡng chế, dỡ bỏ ba công trình vi phạm của ba hộ dân là các ông Trần Đình Thược, Nguyễn Thị Thảo, Nguyễn Đình Tuấn. “Đến thời điểm này, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, chúng tôi đã cưỡng chế thu hồi xong. Chúng tôi sẽ quản lý chặt chẽ, chống tái lấn chiếm”, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp Ngô Ngọc Toàn khẳng định.

Thực địa tại huyện Thường Tín, phóng viên cũng ghi nhận hàng chục vụ lấn chiếm đất công, xây dựng nhà xưởng trái phép, tồn tại các điểm nóng như xã Vạn Điểm, Ninh Sở, Hòa Bình, Văn Tự... với hàng chục nghìn mét vuông đất bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích. Nguyên nhân do các xã này phát triển nghề buôn gỗ, nhu cầu nhà xưởng, nơi tập kết lớn nên nhiều cá nhân chuyển đổi chui đất lúa thành... nhà xưởng. Thời điểm năm 2017, tại xã Vạn Điểm có tới gần 200 nóc nhà xưởng dựng trái phép. Điều đáng bàn là chuyện dựng nhà xưởng được làm nhanh tới mức “thần tốc”, chỉ trong một đêm là dựng xong bốn cột, ghép xong nóc nhà, ốp tôn chung quanh làm tường khiến cho mọi việc trở thành đã rồi. Sự việc nóng đến mức giữa tháng 8/2018 huyện ủy Thường Tín phải thành lập Ban chỉ đạo “Tổ chức thực hiện công tác giải quyết, xử lý vi phạm về quản lý đất đai, trật tự xây dựng đối với đất nông nghiệp công ích và đất công”, do ông Phùng Văn Quốc, Phó Bí thư thường trực huyện ủy làm trưởng ban. Ông Quốc cho biết, trong thời gian tới sẽ siết chặt công tác quản lý đất, tổ chức thanh tra, kiểm tra và làm rõ những vi phạm trong quản lý, sử dụng đất.

Quyết liệt, không bao che

Theo tìm hiểu, tại nhiều xã ngoại thành, việc xử lý vi phạm vô cùng khó khăn do còn nặng tính làng xã. Có tình trạng nể nang cho họ hàng, bao che, thậm chí chính cán bộ xã làm sai dẫn đến tình hình chẳng những không được kiểm soát mà còn gia tăng vi phạm. Có trường hợp cán bộ chủ chốt của xã vi phạm hoặc người vi phạm là người nhà của cán bộ nên cấp dưới “né”. Nhiều vụ vi phạm với tính chất phức tạp và kéo dài. Một điển hình là trường hợp sân kho của Đội 15, thôn Đông Duyên - xã Tô Hiệu (Thường Tín). Theo hồ sơ từ năm 1971, các ông bà Ngô Văn Thịnh, Ngô Hồng Thanh và Lương Thị Bằng theo sự vận động của Ban chấp hành Đội sản xuất của xã, tự nguyện đổi đất cho Đội sản xuất 15, thuộc HTX Tô Hiệu để Đội làm sân kho. Từ năm 1985, Đội sản xuất 15 - HTX Tô Hiệu không còn sử dụng diện tích sân kho, nên các gia đình đổi đất đã đề nghị giao trả lại đất theo thỏa thuận từ năm 1971, nhưng lãnh đạo xã Tô Hiệu không đồng ý, diện tích đất sân kho này đã liên tục bị lấn chiếm và sử dụng vào các mục đích khác nhau. Từ năm 1999 đến nay, ba hộ dân này đã “vác” đơn đi đòi lại phần diện tích đã đổi. Phải đến đầu năm 2018, lực lượng chức năng xã tiến hành họp dân, cưỡng chế, giải tỏa, “biến” phần đất này thành sân chơi thể thao chung (khánh thành ngày 30/4/2018). Từ đó tình trạng kiện cáo, tụ tập gây mất trật tự an ninh mới tạm yên.

Là cán bộ cơ sở bám địa bàn, ông Đào Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu (Thường Tín) bộc bạch, công tác quản lý đất đai là rất khó khăn, đòi hỏi phải quyết liệt, không bao che cho những người làm sai. “Nhiều người chỉ nhằm nhằm chỗ đất địa phương sơ ý là... xà xẻo”, ông Thái bức xúc.

Chính quyền thiếu giám sát, quản lý không chặt, còn nhiều hộ dân cố tình lấn chiếm, lách luật, chạy chọt, tìm mọi cách đối phó khi cơ quan chức năng xử lý... là tình trạng phổ biến trong công tác quản lý đất đai. Mỗi đợt cơ quan chức trách thanh tra, đều tìm ra lỗ hổng dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng từ cấp xã, phường đến sự buông lỏng ở cấp quận, huyện.

Ngô Thục Miên
Ý kiến của bạn