Vì vậy tình trạng bạo lực thật xuất phát
từ thế giới ảo đang là một thực tế đáng báo động.
Liên quan đến vụ án giết người vừa xảy ra tại Khu đô thị Royal City, theo thông tin từ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an thành phố Hà Nội, nghi can vụ án mạng xảy ra vào chiều 31/10 tại Khu đô thị Royal City đã bị lực lượng Cảnh sát Hình sự thành phố phối hợp với Công an quận Thanh Xuân bắt giữ ngày 1/11. Nghi can được xác định là Phạm Thanh Tùng (sinh năm 1996, trú tại Ninh Bình), hiện đang học tại một trường đại học ở Hà Nội. Đối tượng bị bắt giữ khi đang lẩn trốn ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Phạm Thanh Tùng là bạn của nạn nhân Phạm Thị H. (sinh năm 1981, quê ở tỉnh Nam Định).
Tại cơ quan công an, bước đầu Phạm Thanh Tùng khai nhận quen nạn nhân Phạm Thị H. qua facebook và mục đích gây án là để cướp tài sản. Sau khi sát hại nạn nhân, đối tượng đã lấy đi hai chiếc điện thoại di động nhãn hiệu Vertu và Iphone.
Nghi can giết người Phạm Thanh Tùng tại cơ quan điều tra.
Trước đó, vào chiều 31/10, Công an quận Thanh Xuân và Phòng PC45 Công an thành phố Hà Nội tiếp nhận tin báo về vụ án mạng xảy ra trong một căn hộ chung cư ở Khu đô thị Royal City, địa chỉ tại đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Kết quả xác minh bước đầu cho thấy, nạn nhân đã bị sát hại trong nhà. Ngay trong đêm 31/10, cơ quan điều tra đã hoàn tất công tác khám nghiệm, khẩn trương xác minh truy bắt hung thủ gây án. Hiện cơ quan công an đang tiếp tục làm rõ vụ án.
Một vụ việc khác liên quan đến mạng xã hội là chỉ vì mâu thuẫn trên mạng xã hội mà Nguyễn Quốc Duy (trú phường Tân Biên, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đã bị 10 đối tượng hẹn gặp để nói chuyện rồi chém nhiều nhát vào mặt, tay và lưng gây thương tích nặng. Nạn nhân đã được người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu còn 10 đối tượng bị lực lượng công an bắt khẩn cấp với hành vi cố ý gây thương tích....
Cũng vẫn chỉ vì mâu thuẫn trên mạng xã hội, Lê Phương Vinh (tên thường gọi là Ba Sấy, 16 tuổi, ngụ ấp Phú Thạnh 2, xã Đồng Phú, huyện Long Hồ) nhắn tin cho Trương Quốc Bảo qua facebook với nội dung đầy thách thức. Sau đó Bảo đã dùng hung khí đâm tử vong Vinh và đâm bị thương bạn của Vinh.
Trên đây chỉ là một số vụ án có nguyên nhân bắt nguồn từ mạng xã hội, mà hậu quả rất nghiêm trọng. Hiện Việt Nam có hơn 35 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm 37% dân số) với thời lượng trung bình 138 phút mỗi ngày, cao hơn với mức độ trung bình toàn cầu 31%. Cũng theo khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội cho thấy, 78% người dùng mạng tại Việt Nam khẳng định từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội.
Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà, Phó trưởng khoa Thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên cho biết, khi những phát ngôn trên mạng không bị kiểm soát bởi những giá trị đạo đức hay chuẩn mực thì sẽ dẫn đến mâu thuẫn diễn ra trầm trọng. Còn theo các chuyên gia về xã hội học, để giải quyết tình trạng bạo lực xuất phát từ những phát ngôn thù ghét, mâu thuẫn với nhau trên mạng xã hội, thì biện pháp quan trọng nhất vẫn phải giáo dục và tuyên truyền để có cách hành xử hợp lý trong thế giới ảo. Trên chính các trang mạng xã hội, lực lượng chức năng cần có sự kiểm soát về các nội dung tương tác để hạn chế những phát ngôn gây xung đột, bên cạnh đó cũng cần nắm các thông tin để chủ động ngăn chặn các hành vi bạo lực khi phát hiện nguy cơ xuất phát từ những thù ghét trên mạng xã hội. Tuy nhiên, điều cần nhất là tại gia đình, tại trường học, công sở cần có sự hướng dẫn, nhắc nhở mọi người tương tác với nhau theo cách cởi mở, tôn trọng và quảng đại với nhau; không tạo nên những sự kỳ thị, định kiến, thù ghét cá nhân. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cảnh báo, việc tìm kiếm các mối quan hệ trên mạng xã hội mà chưa tìm hiểu kỹ đối tượng quan hệ sẽ dễ dẫn đến những hệ quả đau lòng, hối hận thì đã muộn.