Hà Nội

Muốn có người đọc, phải biết “gãi ngứa” tâm hồn họ

15-10-2011 14:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

Từng là ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn VN suốt 20 năm liền, nguyên là Chủ tịch Hội đồng thơ khóa VII, nhà thơ Vũ Quần Phương được coi là chuyên gia về thơ của Hội Nhà văn VN.

 Nhà thơ Vũ Quần Phương.
Từng là ủy viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn VN suốt 20 năm liền, nguyên là Chủ tịch Hội đồng thơ khóa VII, nhà thơ Vũ Quần Phương được coi là chuyên gia về thơ của Hội Nhà văn VN. Tham dự Hội nghị các nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII vừa tổ chức tại Tuyên Quang (9/2011) với tư cách khách mời, nhưng bằng con mắt của một quan sát viên, ông lại có cái nhìn rất đa chiều về các tác giả trẻ. Âu lo đấy, nhưng cũng đầy sự tin tưởng về họ.
Tham dự hội nghị các nhà văn trẻ toàn quốc lần này thấy có mặt các nhà văn lão thành Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Sáng, Xuân Cang, Nguyễn Văn Hạnh, Trần Đình Sử…, tôi bỗng nhớ lại cảm giác của mình khi đi dự Hội nghị văn trẻ năm 1971 được gặp các nhà văn cao niên như bác Nguyễn Tuân, anh Xuân Diệu, anh Chế Lan Viên…, rồi được các nhà văn trao đổi kinh nghiệm về vốn sống, về nghề viết. Bởi thế, nhìn thấy các bậc trưởng lão tham dự với các bạn trẻ hôm nay, tôi thấy đó là điều đáng mừng cho hội nghị, nhất là khi tài văn chương của các nhà văn này vẫn đang trong quĩ đạo chứ không phải là “lão giả an chi”. Anh Xuân Khánh đã 80 tuổi, mười năm qua hoàn thành 3 tiểu thuyết dày, liên tiếp có tiếng vang trong dư luận. Sự có mặt của họ vừa là đạo lý, vừa là khoa học.

Theo ông, những dấu hiệu mới của hội nghị văn học trẻ lần này là gì?

Mừng nhất là các bạn trẻ lễ độ, khiêm nhường mà lại có tinh thần phản biện. Có những bạn còn trẻ lắm, mới 17 tuổi (đi dự hội nghị mà còn phải có bố đi theo), nhưng họ đều có cá tính sáng tạo. Cái thời của chúng tôi chỉ cần tin, thậm chí tuyệt đối tin tưởng thì bây giờ đã có phản biện. Tôi biết một số trường đại học bây giờ đã có môn phản biện, tức là biết suy nghĩ độc lập, biết đánh giá và biết chấp nhận ý kiến khác mình. Có những tham luận khiến chúng tôi là những người lớn tuổi cũng thấy bổ ích.

Được mời với tư cách là khách, nhưng ông cũng có nhiệm vụ theo dõi hội thảo về thơ. Vậy ông đã nói với họ điều gì?

Trên diễn đàn hội nghị, tôi đã mượn chuyện ngành y để giải quyết vấn đề lý luận thơ vì các bạn cho rằng hiện nay các nhà thơ trẻ ít tuyên ngôn về các trường phái. Theo một số người, lẽ ra viết về trường phái nào thì phải có tuyên ngôn cho nó, thế mới sang. Tôi nói tuyên ngôn hay không không quan trọng. Cốt sao thơ hay như ông bác sĩ chữa được nhiều người khỏi bệnh hơn là tuyên ngôn lý thuyết mà đụng vào ai thì người ta ốm thêm.

Có cảm giác các bạn viết trẻ ngày nay chưa thực sự lăn lộn với nghề và rồi họ đổ lỗi cho chuyện cơm áo gạo tiền và nhiều yếu tố khách quan khác. Ông nghĩ sao?

Khi có một nhà thơ nữ nói rằng muốn làm thơ thì phải chịu đòn, tôi nói với bạn rằng, trước hết, muốn làm thơ phải có tài năng. Còn chịu đòn thì thế hệ các nhà thơ tóc bạc cũng đã từng đến nơi đến chốn. Ngày hôm nay, các bạn có bị đánh đòn thì cũng mới chỉ là đánh yêu thôi, không nên bi lụy hóa và quan trọng hóa. Thực ra từ khi đổi mới, có ai đánh ai đâu, có chăng là nhắc nhở, phê phán thôi, không có gì ghê gớm cả.

Theo ông, định hướng cần có đối với các nhà văn trẻ hôm nay là gì?

Lớp trẻ ngày càng chín sớm. Với họ nên để định hướng ngỏ, nhưng khuyến khích tư duy độc lập, nâng cao bản lĩnh để các bạn tin vào tài năng, vào sự tu dưỡng của mình. Thật ra văn chương bao giờ cũng có cái lý tưởng của nó, đó là chính trị. Đừng nghĩ chính trị là một việc cụ thể như khi nắng thì chống hạn, khi mưa thì chống úng. Văn chương có yếu tố chính trị xã hội thì tầm tư tưởng mới cao. Nhiều bạn trẻ cũng đã thấy rằng nếu chỉ quẩn quanh ca ngợi cái tôi của mình thì tác phẩm sẽ không tới được người đọc.

Với con mắt của một người được coi là chuyên gia về thơ, nhận định về thơ trẻ hôm nay của ông thế nào?

Từ khi đổi mới, độ 20 năm nay, nhưng rộ nhất là 15 năm trở lại đây, lớp trẻ bộc lộ nhiều ưu thế kiến thức hơn lớp trẻ hồi kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Họ tự tin hơn. Tuy nhiên, để thành một tác giả cụ thể, thành một biểu tượng văn chương hay có tác phẩm được dư luận đánh giá cao, đưa vào nhà trường thì còn hiếm. Đã có người bỏ viết, đi làm nghề khác. Làm thơ, hay sáng tác văn chương nói chung như người gãi ngứa. Phải xem bạn đọc “ngứa” ở đâu trong tâm hồn mà “gãi”. Còn anh không hiểu bạn đọc, đưa những sản phẩm không trúng thì người ta không quan tâm.

Hiện nay, các bạn trẻ hay co về mình quá nên ít tri kỷ. Nếu là cái tôi từng trải, cái tôi lặn ngụp ngoài cuộc đời thì cái tôi đó mới là của thiên hạ được. Còn nếu anh chỉ ngồi ngắm nghía anh thì thơ không lớn được, một khi anh không bận tâm đến người khác thì người khác cũng không đọc anh. Có lẽ do một giai đoạn chúng ta thủ tiêu cái chủ nghĩa cá nhân nên bây giờ nó đang phản hồi lại. Ban đầu, nó quay về hơi sâu, bây giờ đã bắt đầu thăng bằng lại. Trong chặng tới, tôi tin chắc sẽ có những nhà thơ trẻ nổi trội. Trong văn xuôi đã có rồi đấy. Chẳng hạn như tác phẩm Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, tôi khâm phục vì cái tầm của tác phẩm. Thơ chậm hơn, nhưng tôi tin chắc sắp tới đây cũng sẽ có những tác giả như thế.

Có một tình trạng của văn chương trẻ là trào lưu chung thì rất đông đảo nhưng những tác giả trẻ định hình và định danh thì lại quá ít. Bao năm nay cũng chỉ mới nổi lên vài cái tên như Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư…, một số khác thì chập chờn, có khi vừa khen xong đã lại mất hút. Theo ông vì sao có hiện tượng đó?

 Các nhà thơ trẻ trong buổi trình diễn thơ.

Ở đây, người ta mới nhớ đến tên tác giả chứ chưa nhớ đến bài thơ. Trước kia, người ta nhớ đến Ca Lê Hiến là nhớ đến Nhớ mưa quê hương, nhớ đến Phạm Tiến Duật là nhớ Lửa đèn, Gửi em cô thanh niên xung phong. Bây giờ, người ta nhớ đến tác giả là nhớ đến một cá tính sinh hoạt, cá tính đối xử, chưa phải cá tính văn chương.

Thời kỳ này, cá tính được đưa lên cao nên nhiều người tự tạo cho mình cái chân dung ở ngoài lao động, chân dung trong ứng xử, chân dung trong cái gọi là sự sành điệu. Cũng giống như các siêu sao bên lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, ca nhạc, nó không phải bằng nghề nghiệp mà chỉ là những phụ tùng bên ngoài. Cần phân biệt cái quen biết và cái nổi tiếng. Nhiều bạn trẻ bây giờ đã nhận ra điều đó và họ đang có sự đầu tư lớn, thậm chí đang lăn lộn ở các châu lục khác để học thiên hạ, có bạn đang ở Mỹ, ở Nêpan, Iran… Tôi chắc khi trở về, bắt tay vào văn chương, các bạn ấy sẽ có tác phẩm lớn.

Thực ra chính văn học mạng đã tạo nên hiện tượng số lượng nhà văn, nhà thơ trẻ ảo nhờ việc tung tác phẩm lên mạng mà số lượng nhà văn bùng phát rất nhanh. Theo ông, văn học mạng có ảnh hưởng đến việc định hình và định danh nhà văn?

Văn học mạng là nguyên nhân khá quan trọng tạo nên sự ồn ào, bên cạnh đó, sự truyền thông qua báo chí cũng góp phần vào sự khuếch trương này, nhiều phóng viên trẻ không đi vào vấn đề trọng tâm của văn chương mà bị các việc phụ cuốn đi. Tất cả những cái đó tạo nên sự ồn ào không thực chất. Cũng nhờ có văn học mạng mà ai cũng có thể trở thành người viết văn, nhưng nó nguy ở chỗ dễ gây ảo tưởng, dễ ngộ nhận. Đến một lúc nào đó, bạn đọc sẽ từ chối đọc mạng vì tinh chất thì ít mà rác lại quá nhiều. Văn học mạng sẽ là nạn nhân của chính nó.

Từ hội nghị nhà văn trẻ lần này, theo ông có thể chờ đợi gì ở những người trẻ?

Có một công thức khi nói về người trẻ: các tác giả trẻ là tương lai của một nền văn học. Điều đó không bao giờ sai. Nhưng tôi muốn nói thêm, ở hội nghị này, nói điều đó không hề sáo. Nhìn vào những người có mặt và cả những người vì lý do nào đó vắng mặt, chúng ta có đủ lý do để hy vọng.

Xin cảm ơn ông!

          Tố Lan (thực hiện)


Ý kiến của bạn