Sinh tồn, sự lựa chọn của bản năng
Trong con người chúng ta đều tồn tại ba loại bản năng: bản năng ăn uống, bản năng tình dục và bản năng sống, trong đó, bản năng sống là loại bản năng mãnh liệt nhất, khó kiểm soát nhất. Nói một cách khác, người ta có thể nhịn ăn, nhường nhau ăn (kể cả trong những nạn đói kéo dài), người ta có thể nhịn hoặc bỏ những nhu cầu về tình ái nhưng có lẽ rất hiếm khi người ta nhường nhau... sống! Khi đã đối mặt với cái chết, bản năng sống được đánh thức và khi đó, nội lực trong mỗi con người có thể khiến họ làm được những điều tưởng chừng như không thể để tồn tại. Như vậy, ai chả muốn sống khi bản năng đã quy định như vậy và mặc nhiên, những ai muốn chết chắc chắn là những người mà đầu óc... có vấn đề!
Quyền được chết hay quyền được hỗ trợ để chết?
Vậy sao ta lại đặt vấn đề “quyền được chết” ở đây? Trước hết, ta hãy xem ai là người... muốn chết. Những người muốn chết, nhóm thứ nhất, là những người vì một hoàn cảnh nào đó xô đẩy khiến cho cuộc sống của họ không còn lối thoát (như những người bị phá sản, những người bị xúc phạm nặng nề tới danh dự, nhân phẩm...) và họ chọn cái chết như một sự tự giải thoát. Cũng có những người tự nguyện hy sinh thân mình vì những việc mà họ cho rằng đáng để chết vì nó. Một loại đối tượng thích chết, đó là những người có những loại bệnh lý về tâm thần như những người trầm cảm nặng, hoang tưởng tự sát... Nhìn chung, với các loại đối tượng nói trên, họ sẽ tìm đến cái chết bằng hình thức tự sát và không ai có thể cản được họ một khi họ đã quyết tâm... chết! Trong trường hợp này, chả lẽ pháp luật lại ra một điều luật gọi là: “cấm tự sát”? Nói khác đi, chẳng ai truy tố người phạm tội “tự sát” cả! Vậy trong trường hợp này, có cần đặt ra câu chuyện “quyền được chết” hay không?
Nhóm đối tượng “muốn chết” thứ hai, có tính chất khác biệt hẳn với nhóm thứ nhất, đó là những người bị các loại bệnh lý như ung thư giai đoạn cuối, những người bị các tổn thương nặng nề về hệ vận động như chấn thương cột sống cổ, bệnh viêm đa rễ, đa dây thần kinh (hội chứng Guillain-Barré), các loại bệnh lý tim phổi mạn tính... Đối với những bệnh nhân này, nếu họ muốn chết và còn đủ khả năng tự sát thì có lẽ vẫn như đã nêu ở trên, sẽ không có ai cản được họ. Bài toán chỉ đặt ra là: khi họ muốn chết mà lại không đủ năng lực và hành vi để tự sát thì ai sẽ giúp họ toại nguyện? Cái cần bàn là ở chỗ đó. Nói tóm lại, ở đây không phải là vì quyền được chết mà cái quyền đó đã có rồi, chỉ nảy sinh vấn đề khó khăn là ai sẽ giúp những người không đủ khả năng để thực thi cái quyền được... chết của họ hay là luật “được phép nhận sự hỗ trợ để chết”!
Đao phủ hay cứu cánh?
Vậy y học có nên giúp những người ở nhóm đối tượng không đủ khả năng để tự... chết không. Ở góc độ một người làm công tác hồi sức cấp cứu lâu năm, tôi xin có một số ý kiến chia sẻ (chỉ bàn ở góc độ y học, không bàn ở góc độ pháp luật như lạm dụng để giết người...).
Thực tế, trong khi rất nhiều bệnh nhân đang vật lộn với bệnh tật để tồn tại thì nhiều người khác lại không muốn sống vì họ liên tục phải chịu đựng những đau đớn hành hạ như trong các loại bệnh lý ung thư chẳng hạn. Chúng ta mới bị gai châm hoặc xước móng tay đã kêu đau ầm lên rồi thì phải thực sự thông cảm với những đau đớn do bệnh tật đang hành hạ bệnh nhân.
Ngoài các bệnh lý ung thư giai đoạn cuối, có người lại bị mắc các loại bệnh lý hoặc do chấn thương khiến cho cơ thể bán thân bất toại, liệt tứ chi hoặc thậm chí liệt cả cơ hô hấp phải thở liên tục bằng máy. Bạn cứ tưởng tượng xem sẽ suy nghĩ ra sao khi đầu óc vẫn tỉnh táo mà muốn nhúc nhắc tay chân cũng bất lực, giống như bị bóng đè vậy? thử hỏi lúc đó bạn có còn muốn... sống không? Rồi những bệnh nhân tim phổi mạn tính thường xuyên khó thở, vào viện ra viện như cơm bữa, cha mẹ vợ con phải phục dịch vất vả, điều kiện kinh tế eo hẹp... Thật khó mà nói rằng, trong trường hợp này, người bệnh vẫn lạc quan và muốn... sống. Một số lượng không nhỏ những bệnh nhân đột quỵ não, sau khi đã được hồi sức và thoát khỏi lưỡi hái của tử thần thì lại phải sống với kiểu sống thực vật, ăn qua sông dạ dày, tiểu tiện qua sông bàng quang, thở qua ống mở khí quản, vệ sinh tại chỗ, một thời gian sau tay chân co quắp, teo cơ cứng khớp, loét mục, nhiễm khuẩn... Đối với những bệnh nhân này, chúng ta phải đặt câu hỏi: Với chất lượng cuộc sống gần như bằng không như vậy, họ đang sống hay đang tồn tại? Rõ ràng, nếu là bạn, bạn có muốn tiếp tục sống không? Nhiều lúc, tôi cũng phải tự đặt câu hỏi: những cố gắng và thành tựu của y học, trong những tình huống cụ thể như vậy là đang giúp ích hay... làm khổ bệnh nhân?
Nhưng liệu chúng ta có nên “giúp” người bệnh được chết một cách nhẹ nhàng theo ý nguyện của họ? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời, hiện đang gây tranh cãi trên toàn thế giới. Tôi sẽ không lạm bàn xem quan điểm nào là đúng là sai mà chỉ đưa ra một số ý kiến theo chủ quan của cá nhân. Nói chung, tôi không ủng hộ việc giúp người bệnh ra đi thanh thản vì những lý do sau:
Trước hết, ai dám đảm bảo rằng, quyết định được chết của người bệnh, trong một hoàn cảnh bệnh tật như vậy là sáng suốt? Ai dám đảm bảo được rằng, họ vẫn kiên định với việc họ muốn chết? bởi vì giả sử họ thay đổi ý kiến thì việc giúp họ chết nhanh sẽ khiến cho họ không còn cơ hội để làm lại. Hơn nữa, chúng ta đang phán xét về chất lượng sống dưới con mắt của những người khỏe mạnh chứ không phải bằng cách nhìn nhận của bản thân người bệnh, vậy ai dám nói là những người đang mang bệnh tật như vậy họ luôn đau khổ vì chất lượng cuộc sống bị suy giảm? Bên cạnh đó, thay vì giúp người bệnh được chết nhanh theo ý nguyện, chúng ta nên tìm cách làm cho họ thay đổi đi bằng những thứ thuốc hoặc phương pháp điều trị hiệu quả hơn, chăm sóc động viên người bệnh tốt hơn, hỗ trợ giúp đỡ họ về mặt kinh phí... Nói tóm lại là tìm ra và khắc phục những nguyên nhân mà người bệnh muốn chết. Chứ chỉ đơn giản là “Ông muốn chết thì tôi giúp cho chết”, nhẹ cho ông và cũng nhẹ cho tôi thì... ai chả làm được!
Quyết định thì phụ thuộc nhiều vào cảm xúc, cảm xúc lại do tư duy điều khiển mà tư duy thì có thể tác động để thay đổi được theo hướng có lợi. Vì vậy, thay vì giúp bệnh nhân chết nhanh theo ý nguyện, có lẽ chúng ta nên dồn tâm sức vào việc thuyết phục, tạo điều kiện giúp đỡ cho họ thay đổi chính kiến. Điều đó tuy khó khăn nhưng nó thể hiện tính nhân văn, tính tâm linh, tôn trọng quy luật tự nhiên và thái độ có trách nhiệm của cộng đồng đối với từng cá thể. Hãy cứ để mọi thứ diễn ra theo đúng quy luật, kể cả cái chết. Việc của người khỏe mạnh chúng ta là giúp những người bệnh đang tuyệt vọng từ bỏ những quyết định tuyệt vọng mà vẫn sống vui tươi chứ không phải chấm dứt sự tuyệt vọng của họ bằng cái chết.
TS.BS. Vũ Đức Định
Mời tham gia Diễn đàn “Quyền được chết”
Việc Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đề xuất bổ sung “quyền được chết” vào Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi thu hút sự quan tâm của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Năm 2005, khi xây dựng Bộ luật Dân sự, có ý kiến đề nghị những người mắc bệnh hiểm nghèo, y học bó tay có thể có quyền được “an tử”. 10 năm sau, khi xây dựng Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, lại có những ý kiến đề xuất đưa “quyền được chết” vào Bộ luật Dân sự. Để rộng đường dư luận, báo Sức khỏe&Đời sống mở Diễn đàn “quyền được chết”, kính mời bạn đọc, các chuyên gia, các học giả tham gia đưa ý kiến của mình cho một đề xuất luật đầy tính nhân văn rất sát sườn người dân nhưng rất khó trong quản lý cũng như trong việc thay đổi quan niệm văn hóa này.
Bài viết đóng góp cho diễn đàn xin gửi về hòm thư: bandientuskds@gmail.com, banthukysk@gmail.com hoặc gửi theo đường bưu điện về báo Sức khỏe&Đời sống, Bộ Y tế, 138A Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội (ghi rõ bài tham gia diễn đàn “Quyền được chết”).