Muốn bền vững thì đừng “chộp giật”

29-05-2012 14:22 | Xã hội
google news

Là một hướng dẫn viên du lịch ngay trên đất Thủ đô, tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều khách du lịch ở khắp nơi trên thế giới và cũng được dịp chứng kiến không biết bao nhiêu mánh khóe “móc túi” khách ngoại của người dân làm dịch vụ, đặc biệt là khu vực nội thành.

Là một hướng dẫn viên du lịch ngay trên đất Thủ đô, tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều khách du lịch ở khắp nơi trên thế giới và cũng được dịp chứng kiến không biết bao nhiêu mánh khóe “móc túi” khách ngoại của người dân làm dịch vụ, đặc biệt là khu vực nội thành. Nhiều du khách đến Hà Nội sau khi muốn “du lịch tự túc”, không cần hướng dẫn viên đã tình cờ gặp tôi và cho biết, họ rất sợ bị bắt chẹt từ chủ phương tiện đến mua sắm. Các quán hàng rong, đặc biệt ở những nơi có nhiều du khách ngoại quốc, mọc lên như nấm để phục vụ khách, nhưng thực chất là để “chặt chém” du khách. Tâm lý của một chủ cửa hàng đồ mỹ nghệ, lưu niệm trên phố Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm có thể coi là tâm lý chung của đa số người làm dịch vụ cho khách du lịch nước ngoài: “Người nước ngoài thì phải nhiều tiền. Nhiều tiền mới đi du lịch, tiêu tiền “đô” thì mấy cái giá này có ăn thua gì”. Chính cách lý giải hết sức thiển cận mang tính “chộp giật” này của dân làm dịch vụ đã khiến nhiều du khách… không dám trở lại Việt Nam dù cho họ rất lấy làm thích thú cảnh quan môi trường ở đất nước ta. Một bức tranh thuê sinh viên chép lại cả công xá, nguyên liệu, mặt bằng chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng, bán với giá 6 - 7 triệu đồng, thậm chí là 10 triệu đồng nếu gặp “khách gà”. Một hộp sơn mài nếu mua tận gốc chỉ vài chục nghìn được hét lên tiền triệu. Chuyến xe ôm của một gã lái xe “chộp giật” từ Long Biên sang Hồ Hoàn Kiếm là 700.000 đồng. Taxi từ phố Hàng Gai đến Lăng Bác là 400.000 đồng. Rồi còn bao “mưu ma chước quỷ” như bật đồng hồ tính tiền mập mờ, chèo kéo, móc túi, bán hàng dởm… khiến nhiều khách phát khóc theo đúng nghĩa đen.

 Du khách nước ngoài tham dự Lễ hội Cầu Long Biên.  Ảnh: Trần Minh
Một du khách Mỹ từng qua nhiều nước châu Á tâm sự: “Chúng tôi đã qua Singapore, Nhật Bản, Thái Lan… và hiếm khi bắt gặp tình trạng nâng giá, bắt chẹt đối với du khách nước ngoài. Ngược lại, các nước này còn giảm giá, miễn thuế, kèm theo ưu đãi cho những người trình hộ chiếu du lịch để họ có dịp tham quan cảnh đẹp, tận hưởng mua sắm để quảng bá cho bạn bè, người thân. Theo tôi, những địa điểm tập trung khách du lịch đến tham quan nên có những bản chỉ dẫn đường từ địa điểm đó đến các địa danh lân cận, khoảng cách, cập nhật giá xe taxi, giá vé các chương trình du lịch tham quan cụ thể, dễ nhìn, đặt ở vị trí thuận tiện cho khách du lịch”.

Theo chính quyền địa phương, những địa bàn tập trung đông khách du lịch như Lý Thái Tổ, Hàng Gai, Hàng Bông… rất ít khi họ nhận được phản ánh của khách du lịch về tình trạng nâng giá taxi, chặt chém, tính tiền sai quy định… Thực ra, nguyên nhân là do khách du lịch ngại phiền phức, mất thời gian của chuyến đi và số tiền “bị chém” cứ rải rác, không lớn hẳn ở một mối nên chẳng muốn làm to chuyện. Hơn nữa, do ngôn ngữ bất đồng nên nhiều khi khách nước ngoài cũng đành bỏ qua, bởi họ không biết tìm đến đâu để trình báo và nhận được sự giúp đỡ… Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc điều tra, xử lý các đối tượng lái xe có hành vi lừa dối khách hàng.

Kinh nghiệm lâu năm trong nghề, tôi biết phần đông khách du lịch nước ngoài coi du lịch là một phần của cuộc sống. Họ không chờ đợi khi túi tiền căng phồng và thời gian nghỉ ngơi dài mới du lịch, mà có thể đi bất cứ lúc nào với chi phí vừa đủ mà họ ước tính. Thêm vào đó, không phải “ông Tây, bà đầm” nào cũng nhiều tiền cả. Họ nhiều khi chỉ là những người hưu trí và nếu có là khách “sộp” đi chăng nữa, người nước ngoài có thói quen rất sòng phẳng và rõ ràng, chẳng ai muốn chi một khoản tiền với mức giá chênh lệch quá lớn theo kiểu “bắt ép, bị lừa” như vậy.

Để phát triển du lịch lâu dài, bền vững cần có cơ chế, văn bản pháp luật đủ mạnh, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan. Song song với đó là chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe với những hành vi đeo bám và “chặt chém”, thậm chí có thể truy tố nếu đủ dấu hiệu vi phạm hình sự. Đối với những lái xe taxi chặt chém, lừa đảo du khách, cần sớm lập hồ sơ và làm thẻ cho từng cá nhân. Qua đó, các cơ quan chức năng dễ dàng xử lý những lái xe taxi giả hoặc lái xe có hành vi chèn ép du khách. Ngoài ra, các công ty du lịch khi đưa khách đến Hà Nội cũng phải có trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho du khách trong suốt quá trình lưu trú, tham quan.

Mạnh Hoàng


Ý kiến của bạn