Hà Nội

Muỗi vằn ở Nha Trang không làm phát sinh virut Zika

11-03-2016 07:12 | Thời sự
google news

SKĐS - Đó là khẳng định của BS. Lê Tấn Phùng - Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa trả lời báo Sức khỏe&Đời sống trước thông tin muỗi vằn Aedes aegypti mang loại vi khuẩn Wolbachia...

Đó là khẳng định của BS. Lê Tấn Phùng - Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa trả lời báo Sức khỏe&Đời sống trước thông tin muỗi vằn Aedes aegypti mang loại vi khuẩn Wolbachia, có thể là trung gian truyền virut Zika. Để tìm hiểu thực hư của sự việc, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với BS. Phùng xung quanh vấn đề này.

BS. Lê Tấn Phùng.

PV: Thưa BS, gần đây, trên một trang báo cho rằng loại muỗi Aedes aegypti mang loại vi khuẩn có tác nhân sinh học Wolbachia để loại trừ bệnh sốt xuất huyết (SXH) - đang triển khai ở đảo Trí Nguyên, TP. Nha Trang có thể mang virut Zika gây bệnh teo não ở người, xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

BS. Lê Tấn Phùng: Trước hết, có thể khẳng định rằng cho đến thời điểm hiện nay chủng muỗi Aedes aegypti mang loại vi khuẩn Wolbachia để loại trừ bệnh SXH đang triển khai ở đảo Trí Nguyên, TP. Nha Trang không mang virut Zika và cũng không thể làm phát sinh virut Zika. Bản thân con muỗi Aedes aegypti không thể phát sinh virut Zika khi không có bệnh nhân mắc Zika vì muỗi chỉ là vật trung gian truyền bệnh.

Cũng cần nói thêm rằng muỗi Aedes aegypti (còn gọi là muỗi vằn) là loài muỗi lưu hành tại nhiều địa phương trong cả nước, phổ biến ở miền Trung và miền Nam chứ không riêng gì ở đảo Trí Nguyên, Nha Trang. Loại muỗi mang vi khuẩn Wolbachia hiện nay tại đảo Trí Nguyên chính là muỗi vằn sinh trưởng tự nhiên ở đảo này được cho nhiễm vi khuẩn Wolbachia nhằm làm mất khả năng truyền bệnh SXH cho người. Do đó, không thể cho rằng “Việt Nam từng chủ động nuôi chủng muỗi Aedes, trung gian truyền bệnh virut Zika” như tít bài báo đặt ra. Công văn số 248 ngày 3/3/2016 của Viện Vệ sinh dịch tễ TW - cơ quan được Bộ Y tế giao nhiệm vụ chủ trì triển khai dự án “Hướng tới loại trừ SXH tại Việt Nam” đã khẳng định điều này.

PV: Muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia sử dụng tại đảo Trí Nguyên trong khuôn khổ Dự án “Hướng tới loại trừ SXH tại Việt Nam”, vậy tại đảo Trí Nguyên, dự án này đã thành công trong việc không để xảy ra bệnh SXH từ khi thực hiện dự án đến nay?

BS. Lê Tấn Phùng: Muỗi Aedes aegypti mang chủng vi khuẩn Wolbachia được thả vào đảo Trí Nguyên từ cuối năm 2013 và hiện nay vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kết quả. Do đó, chưa đủ cơ sở để khẳng định sự thành công của dự án này. Tuy nhiên, qua thống kê số mắc SXH trong 4 năm tại đảo Trí Nguyên, từ 2012-2015 (trước và sau khi thả muỗi), số mắc SXH tại đảo này trong 4 năm lần lượt là 3, 7, 0 và 1. Sơ bộ có thể thấy số mắc SXH đã giảm trong năm 2014 và 2015. Đặc biệt, trong năm 2015, trong tình hình SXH tăng rất cao trong toàn tỉnh Khánh Hòa (9.165 ca) và dịch xảy ra ở 4/8 huyện, thị xã, thành phố thì đảo Trí Nguyên chỉ mắc 1 ca.

Giám sát quần thể muỗi tại đảo Trí Nguyên Nha Trang (ảnh dự án hướng tới loại trừ SXH tại Việt Nam).

PV: Quay sang chủ đề về bệnh SXH tại địa phương, xin bác sĩ  cho biết, tình hình bệnh SXH trên địa bàn Khánh Hòa hiện nay? Những dự báo về bệnh SXH trong thời gian tới. Ngành y tế Khánh Hòa đã triển khai các biện pháp nào để đối phó?

BS. Lê Tấn Phùng: Cho đến hết tuần thứ 10 của năm 2016, toàn tỉnh đã ghi nhận 2.787 ca SXH Dengue. Tuy nhiên, ca bệnh đã giảm rõ rệt từ tuần thứ 6 trở đi và thời gian tới sẽ tiếp tục giảm.

Tuy nhiên, Khánh Hòa không chủ quan với diễn biến tích cực này mà vẫn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế thực hiện thường xuyên, liên tục các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất chủ động diệt muỗi trưởng thành theo phương thức: Có địa chỉ cụ thể đến từng thôn, tổ dân phố, có đánh giá hiệu quả và có báo cáo ban chỉ đạo địa phương. Sở Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND các địa phương trong việc huy động người dân, các ban ngành đoàn thể cùng với ngành y tế triển khai các hoạt động diệt bọ gậy hàng tuần ở những địa phương có nguy cơ cao, 2 tuần/lần ở những nơi có chỉ số côn trùng cao và 1 tháng/lần ở những khu vực còn lại. Song song đó, Sở Y tế cũng yêu cầu các cơ sở điều trị duy trì các biện pháp thu dung, chẩn đoán và xử trí các trường hợp SXH nhập viện trên cơ sở chuẩn bị đủ thuốc, dịch truyền và các trang thiết bị phục vụ cấp cứu và điều trị bệnh nhân SXH.

PV: Trân trọng cảm ơn bác sĩ!


Nguyễn Hồng (thực hiện)
Ý kiến của bạn