Trong số 59 loài muỗi Anopheles có mặt ở Việt Nam, 15 loài đã được xác định là muỗi sốt rét truyền bệnh chính, truyền bệnh phụ và nghi ngờ truyền bệnh. Muỗi truyền bệnh chính bao gồm Anopheles minimus ở vùng rừng núi trên toàn quốc, Anopheles dirus ở vùng rừng núi từ 20 độ vĩ Bắc trở vào Nam và Anopheles sundaicus ở vùng ven biển nước lợ Nam Bộ. Hiện nay các nhà khoa học đã xác định lại chính Anopheles epiroticus là loài muỗi truyền bệnh ở vùng ven biển nước lợ từ Phan Thiết trở vào.
Anopheles epiroticus được xác định là loài muỗi truyền bệnh sốt rét chính phân bố ở vùng ven biển nước lợ từ TP. Phan Thiết trở vào miền Nam nước ta. Loài muỗi này có tập tính ưa vật chủ, chúng hút cả máu người và máu động vật. Tập tính ưa thích đốt máu vật chủ của loài muỗi Anopheles epiroticus thay đổi đáng kể theo vùng địa lý. Ở nước ta, muỗi Anopheles epiroticus được xác định là loài muỗi ưa đốt máu người.
Muỗi Anopheles epiroticus truyền bệnh sốt rét ở vùng nước lợ. |
Muỗi Anopheles epiroticus có đặc điểm đốt máu người cả trong nhà, ngoài nhà và hoạt động đốt máu người xảy ra suốt đêm. Một nghiên cứu đã tiến hành tại xã An Trạch, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu trong giai đoạn từ năm 1998 - 2000 ghi nhận ở đây mật độ hoạt động của muỗi Anopheles epiroticus tương đối cao và hoạt động đốt máu người diễn ra suốt đêm mà không có đỉnh cao rõ ràng.
Ở nước ta, loài muỗi Anopheles epiroticus được xác định có tập tính trú đậu trong nhà ban ngày. Tuy vậy, dưới áp lực của biện pháp dùng hóa chất diệt côn trùng sử dụng trong phòng chống muỗi truyền bệnh sốt rét, đã có một tỷ lệ đáng kể loài muỗi Anopheles epiroticus thay đổi tập tính, chuyển ra trú ẩn ở ngoài nhà.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu tại 2 xã Long Hựu Đông và Long Hựu Tây thuộc huyện Cần Đước, tỉnh Long An từ năm 2006 - 2008 về một số đặc điểm của muỗi Anopheles epiroticus ở vùng mới mặn hóa ghi nhận quần thể muỗi này ở cả vùng nuôi tôm - lúa và vùng nuôi tôm nước lợ đều có đặc tính ưa đốt máu người, có tập tính hoạt động đốt máu người suốt đêm nhưng mật độ hoạt động cao từ 20 giờ tối đến 2 giờ sáng hôm sau. Muỗi cũng hoạt động cả trong nhà và ngoài nhà nhưng mật độ đốt máu người ở trong nhà cao hơn. Mật độ muỗi hoạt động ở vùng nuôi tôm nước lợ cao gấp 2 lần mật độ hoạt động ở vùng nuôi tôm - lúa. Ngoài ra, nghiên cứu cũng ghi nhận quần thể muỗi Anopheles epiroticus có tập tính trú đậu và thực hiện việc tiêu sinh máu ở trong nhà. Đặc biệt tại điểm nghiên cứu đã phát hiện loài muỗi này có tỷ lệ kháng cao với hai loại hóa chất diệt muỗi đang được sử dụng trong công tác phòng chống sốt rét hiện nay là alphacypermethrin (thương phẩm là fendona) và lambdacyhalothrin (thương phẩm là icon). Đây là một trong những khó khăn về chuyên môn kỹ thuật phòng chống sốt rét tại các vùng ven biển nước lợ có loài muỗi Anopheles epiroticus này hoạt động.
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh