Để phòng chống sốt xuất huyết, một trong những biện pháp được quan tâm là giảm nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh. Thực tế ghi nhận muỗi có thể sinh sản, đẻ trứng ở những vị trí không ngờ là bể phốt và hố thấm nước dùng để xử lý nước thải tại những khu vực không được chú ý.
Bể phốt chứa nước thải
Qua khảo sát của các nhà khoa học ở những khu vực có bệnh sốt xuất huyết lưu hành, tại đây không có hệ thống thoát nước bằng đường ống thoát nên người dân thường xây dựng các bể phốt dùng để xử lý nước thải. Bể phốt này chứa chất thải do nước xả chảy đến qua các ống xả nước ngắn. Ở bên trong bể phốt, chất thải được chia tách ra làm hai loại là chất cặn bã và chất lỏng; sau một thời gian khi chứa đầy, bã chất thải sẽ được lấy ra khỏi bể phốt. Thông thường nước thải sẽ chảy ra khỏi bể phốt bằng ống dẫn vào các hố ngầm hoặc mương thoát nước. Trong một số trường hợp nước chảy tràn nhiều khi tạo thành các vũng nước đọng và muỗi có thể đẻ trứng được vào đó. Theo quan niệm bể phốt là hệ thống được xây khá kín nhưng có khi không ngờ rằng đây là chỗ quan trọng tạo điều kiện cho muỗi Culex sinh sản nhưng cũng có khả năng muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết bay vào đẻ trứng trong bể phốt. Thực tế ghi nhận muỗi có thể chui vào bể phốt qua đường thông hơi hoặc ống thoát nước. Ngoài ra, các vết nứt hoặc những khoảng hở khác trên nắp bể có thể tạo ra khi phải mở nắp bể để kiểm tra hoặc nạo vét cặn bã chất thải đã đầy; vì vậy cần phải gắn kín lại ngay nếu phát hiện.
Bể phốt chứa nước thải và hố thấm nước thải là chỗ không ngờ muỗi sinh sản (ảnh minh họa).
Biện pháp khắc phục để ngăn ngừa nơi sinh sản của muỗi là phải phủ ống thông hơi bể phốt bằng lưới nhôm hoặc thép không rỉ. Đồng thời phải bảo đảm rằng nắp bể phốt đã được gắn chặt kín, một giải pháp thiết thực là có thể phủ kín cát lên nắp và nhét bọt cao su vào các kẽ hở lớn; đậy ống thoát nước bằng loại vật liệu dễ tháo để kiểm tra. Ngoài ra có thể dùng dầu, hóa chất hoặc hạt polysyrene diệt ấu trùng muỗi nếu các biện pháp trên không thể thực hiện được. Nếu dùng hạt polystyrene cần chắn ống thoát nước để hạt không bị trôi đi.
Hố thấm nước thải
Đối với những vùng phát triển đô thị nhanh nhưng không có quy hoạch thiết kế cụ thể sẽ có rất ít hệ thống cơ sở xử lý nước thải. Trong điều kiện và hoàn cảnh như vậy, các hộ gia đình của dân cư thường đào hố trên nền đất hoặc gần chỗ đất nhà ở của họ để làm hệ thống thoát nước. Nước được thải ra ở các hố ngầm dễ bị ứ lại và có thể trở thành những nơi sinh sản của các loài muỗi Culex, kể cả muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết.
Biện pháp để ngăn chặn muỗi truyền bệnh có thể sinh sản, đẻ trứng tại các hố chứa nước thải là thả đá nhỏ xuống hố; nếu hố không bị tràn nước thường xuyên có thể thả hạt polystyrene diệt ấu trùng muỗi vào hố. Ngoài ra có thể đổ dầu hoặc hóa chất lên trên mặt nước để diệt ngay ấu trùng muỗi nhằm đạt được hiệu quả trước mắt.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng chống bệnh sốt xuất huyết do muỗi truyền đạt được hiệu quả tốt; ngoài các biện pháp ngăn chặn các nơi sinh sản, đẻ trứng của muỗi ở trong nhà và quanh nhà ở, các điểm ngoài nhà ở, điểm sinh sản cố định... đã được đề cập đến nhiều; các nhà khoa học đã khuyến cáo cũng nên xem xét những chỗ sinh sản, đẻ trứng của muỗi ở những vị trí không ngờ đến là bể phốt chứa nước thải và hố thấm nước thải như đã nêu ở trên. Mặc dù bể phốt chứa nước thải, hố thấm nước thải được xem là loại nước bị ô nhiễm chỉ thích hợp để các loài muỗi Culex sinh sản truyền một số bệnh quan trọng như muỗi Culex quinquefasciatus truyền bệnh giun chỉ bạch huyết, muỗi Culex gelidus truyền bệnh viêm não Nhật Bản ở Đông Nam Á nhưng trên thực tế khảo sát một số nơi, các nhà khoa học đã phát hiện được ngay cả sự có mặt của ấu trùng muỗi Aedes aegypty và Aedes albopictus truyền bệnh sốt xuất huyết. Thực tiễn đã ghi nhận những điều không ngờ là các vấn đề có thể có khả năng xảy ra, vì vậy không nên chủ quan khi tác động đầy đủ biện pháp phòng ngừa.
TTƯT.BS. Nguyễn Võ Hinh