Muỗi con vật nhỏ, kẻ thù lớn

19-07-2020 16:54 | Y học 360
google news

SKĐS - Là sinh vật thuộc loài côn trùng, kích thước nhỏ, tuổi thọ ngắn nhưng muỗi lại rất nguy hiểm. Muỗi lan truyền nhiều bệnh có tỷ lệ tử vong cao, như sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não Nhật Bản, muỗi cũng là vector truyền bệnh cho sự lây nhiễm của Virus Zika.

Theo Bách khoa thư mở, muỗi thuộc nhóm sinh vật dạng côn trùng họ Culicidae, bộ hai cánh (Diptera), có đôi cánh vảy, một đôi cánh cứng, thân mỏng và các chân dài. Muỗi hút nhựa cây và hoa quả để sống, riêng muỗi cái còn hút thêm máu người và động vật. Kích thước đa dạng, khi trưởng thành dài hơn vài mm, nặng 2 đến 2,5 mg, tốc độ bay 1,5 đến 2,5 km/h. Muỗi đã tồn tại trên hành tinh của chúng ta khoảng 170 triệu năm.

Muỗi - Con vật nhỏ

Muỗi sinh trưởng chủ yếu trong các đầm lầy, ao hồ hoặc các vũng nước đọng, các vùng ẩm ướt. Chúng đẻ trứng xuống nước, trứng nở thành ấu trùng gọi là bọ gậy hay lăng quăng. Bọ gậy sống trong nước một thời gian, sau phát triển thành nhộng, rồi biến thái thành muỗi trưởng thành, bay lên khỏi mặt nước. Nhiệt độ thích hợp cho muỗi sinh trưởng và phát triển là khoảng 20 đến 25 độ C. Vì vậy chúng xuất hiện ở các nước nhiệt đới, trong đó có Việt Nam.

Muỗi cái có vòi dạng đặc biệt có thể xuyên thủng da người và động vật để hút máu. Muỗi cái cần hút thêm máu để có nguồn protein để sản sinh ra trứng. Thức ăn bình thường của muỗi là nhựa cây và hoa quả, không chứa đủ protein cho muỗi cái. Muỗi đực không có vòi thích hợp để hút máu, và chỉ ăn nhựa cây và hoa quả. Cũng có một nhánh muỗi, tên là Toxorhynchites, không hút máu. Muỗi cái xác định mục tiêu hút máu qua mùi vị và cảm nhận nhiệt. Chúng đặc biệt nhạy cảm với cacbon điôxit trong hơi thở động vật và một số mùi trong mồ hôi. Muỗi cảm nhận được tia hồng ngoại phát ra từ vật có thân nhiệt cao, nên dễ tìm được đến động vật và chim máu nóng.

Muỗi con vật nhỏ, kẻ thù lớn

Các biện pháp diệt bọ gậy muỗi truyền bệnh không làm giảm ngay số lượng muỗi đốt, có khi phải mất vài ngày hoặc vài tuần mới giảm được số lượng muỗi đốt. Diệt bọ gậy muỗi truyền bệnh bao gồm các biện pháp khác nhau như thau vét bọ gậy, làm thay đổi nơi sinh sản của muỗi, làm cho bọ gậy không sinh sôi, nảy nở được. Khống chế không cho muỗi trưởng thành đến được nơi sinh sản. Thả cá và các loài sinh vật ăn bọ gậy khác vào những nơi có bọ gậy muỗi. Đồng thời có thể dùng các loại hóa chất diệt bọ gậy. Các biện pháp can thiệp này nhắm tới mục đích là giảm nguồn truyền

Mối nguy hiểm lớn

Không phải hổ, báo, cá mập, sư tử hay rắn độc mà chính là muỗi, côn trùng nhỏ bé nhưng lại nguy hiểm, động vật gây tàn phá nhất trái đất, trừ Nam Cực. Theo tạp chí trực tuyến Mỹ Ripleys (RC), lý do đơn giản, muỗi (mosquito) là công cụ truyền bệnh rất nhanh và nguy hiểm, chúng mang theo nhiều bệnh nan y. Muỗi còn đóng vai trò như là những mạch máu bệnh tật, truyền từ người này sang người kia hoặc từ động vật sang cho người.

Bản thân muỗi không có bệnh đe dọa con người, nhưng do hút máu nhiễm bệnh nên mang bệnh sang cho con người. Phổ biến nhất có các chi muỗi Aedes (truyền bệnh sốt xuất huyết và sốt vàng), chi Anopholes (truyền bệnh sốt rét và bệnh ký sinh trùng sống trong tim chó), chi muỗi Culex (truyền bệnh virus West Nile, viêm não và sốt rét châu Á).

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), muỗi là thủ phạm làm cho hơn 1 triệu người tử vong mỗi năm, nên được xếp là động vật nguy hiểm nhất hành tinh. Muỗi cần protein trong máu người hay máu động vật để đẻ trứng. Điều này có nghĩa, chỉ có những con muỗi cái cần máu còn muỗi đực thì sống bằng mật hoa thực vật. Cách mà muỗi cái đốt người rất đơn giản, chúng dùng vòi sắc nhọn như kim cắm sâu vào da thịt  và hút máu ra. Trong khi hút, muỗi dùng một chút nước bọt để chống đông máu, đây chính là môi chất có chứa vi-rút và ký sinh trùng gây bệnh. Những căn bệnh này có thể gây tử vong, nhưng lại không truyền bệnh giữa người sang cho người.

Muỗi con vật nhỏ, kẻ thù lớnÁp dụng các biện pháp diệt muỗi là biện pháp hữu hiệu phòng ngừa nhiều bệnh nguy hiểm

Muỗi có nhiều cách để nhận biết con mồi sống. Đầu tiên là khả năng cảm quan hóa học. Nói cụ thể hơn muỗi có thể phát hiện nhanh CO2 trong không khí ở cách xa 100 feet (30,5 m), đây là khí con người và động vật thở ra. Ngoài ra, muỗi còn có thể phát hiện nhiệt và có khả năng cảm biến hình ảnh rất tuyệt vời, phát hiện sự tương phản và chuyển động của màu sắc.

Ba căn bệnh nguy hiểm do muỗi gây ra ở nước ta

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có gần 800.000 người trên toàn cầu tử vong do các căn bệnh truyền từ muỗi như như sốt xuất huyết, sốt rét, sốt vàng da, nhiễm virus West Nile, sốt Rift Valley, viêm não Murray Valley, sốt Chikungunya, viêm não Nhật Bản, viêm não ngựa (WEE)… Tại Việt Nam, có ba căn bệnh nguy hiểm phổ biến do muỗi mang lại là sốt xuất huyết, sốt rét, và viêm não Nhật Bản.

Sốt xuất huyết (SXH) chủ yếu xuất hiện ở những vùng có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới ẩm ướt như Việt Nam. Đây là căn bệnh do muỗi gây ra có tốc độ lan nhanh nhất thế giới với 40% dân số toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ mắc bệnh. Hàng năm, có khoảng 50 đến 100 triệu người mắc phải căn bệnh này. Khi mắc bệnh, người bệnh có cảm thấy đau đớn như thể xương bị gãy. SXH là một nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em ở một số nước Mỹ La-tinh và châu Á.

Sốt rét, căn bệnh từ việc muỗi cái Anopheles truyền ký sinh trùng Plasmodium trong vết cắn gây ra khiến người bệnh sốt cao, ớn lạnh, và các triệu chứng như bị cúm nặng. Bệnh có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Về phòng ngừa, nên mắc màn khi ngủ, sử dụng thuốc chống côn trùng và mặc áo dài tay.

Muỗi con vật nhỏ, kẻ thù lớnMuỗi, loài động vật trung gian gây lây truyền nhiều căn bệnh nguy hiểm

Viêm não Nhật Bản là bệnh gây ảnh hưởng đến não do lây nhiễm từ vết muỗi cắn. SXH là bệnh phổ biến ở châu Á, New Guinea và phía bắc Queensland (Úc). Người bệnh thường có một số triệu chứng như nhiệt độ cao, co giật, hôn mê và đau đầu dữ dội. Mặc dù không lây lan giữa người với người song bệnh viêm não Nhật Bản lại có thể lây từ động vật sang người do trung gian là muỗi. Viêm não NB là thủ phạm gây ra khoảng 10.000 ca tử vong mỗi năm, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi. Hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị nhưng viêm não Nhật Bản đã có vắc xin phòng bệnh hiệu quả.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), để hạn chế muỗi cắn, mọi người có thể áp dụng các biên pháp như mặc quần dài, áo dài tay và ngủ trong màn…. Sử dụng thuốc diệt muỗi có chứa DEET, hạn chế ra ngoài trời vào lúc bình minh, hoàng hôn, hoặc tối muộn. Loại bỏ nước tù đọng bởi đây là nơi thu hút muỗi sinh sống và đẻ trứng. Nếu có các bể chứa nước nên thả cá để chúng tiêu diệt ấu trùng của muỗi.


DS. TRANG NHUNG
Ý kiến của bạn