Hà Nội

Mừng, lo phim truyền hình Việt

05-01-2018 07:19 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - 2017 được xem là năm thành công của phim truyền hình Việt với những tác phẩm “gây bão” với khán giả như: Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng...

Tuy nhiên, trước sự bùng nổ từ các loại hình giải trí cùng xu thế người người xem trực tuyến qua mạng internet, nhiều ý kiến cho rằng để “người Việt xem phim truyền hình Việt” thì giới làm nghề cần có nhiều kịch bản hay, chất lượng phim phải nâng cao hơn nữa.

Chuyển mình mạnh mẽ

Phim truyền hình Việt đã và đang đem đến cho người xem hàng loạt “bom tấn” chất lượng, giàu tính nghệ thuật, sự khác lạ. Trong đó phải kể đến phim Ngược chiều nước mắt, Lặng yên dưới vực sâu, Giao mùa, Ghét thì yêu thôi, Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng..., cho đến các bộ phim “vắt” từ năm 2017 đến thời điểm hiện tại như Thương nhớ ở ai, Cả một đời ân oán. Mỗi khi một tập phim truyền hình kể trên khép lại luôn tạo ra sự háo hức chờ đợi, mong ngóng của khán giả ở tập tiếp theo. Bên cạnh đó, các bộ phim truyền hình này còn trở thành từ khóa “hot” được công chúng tìm kiếm nhiều trên các trang mạng.

Không khó để nhận thấy, Người phán xử và Sống chung với mẹ chồng là hai bộ phim truyền hình thu hút người xem nhất trong năm qua. Trước hết, cả hai bộ phim này quy tụ dàn diễn viên gạo cội và sáng giá, đặc biệt chính mỗi diễn viên đều tự làm mới mình và có bước đột phá trong diễn xuất. Trong Người phán xử, khán giả nhận thấy nét thâm trầm, trải nghiệm của NSND Hoàng Dũng khi hóa thân vào vai ông trùm rất thuyết phục, trong khi đó người chuyên vào vai khổ hạnh như NSƯT Trung Anh lại “lột xác” ngoạn mục khi vào nhân vật sát thủ giang hồ đa mưu. Hay trong Sống chung với mẹ chồng, NSND Lan Hương bấy lâu được biết đến với những vai diễn hiền lành, cam chịu, bỗng quay ngoắt trở thành bà mẹ chồng... ghê gớm chưa từng thấy.

Mừng, lo phim truyền hình ViệtThương nhớ ở ai - bộ phim truyền hình khắc họa số phận bi kịch của những người phụ nữ nông thôn thời hậu chiến đã và đang thu hút

Ngoài ra, phải thừa nhận nội dung phim truyền hình Việt thời gian qua đã trở nên thú vị và mới lạ. Người phán xử khai thác sâu tâm lý tội phạm, đặc biệt mạnh dạn đưa cái ác là tuyến nhân vật chính trong phim khác hẳn các series phim Cảnh sát hình sự đã từng đến với khán giả nước nhà. Sống chung với mẹ chồng lại làm quá lên những mâu thuẫn của mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu khiến người xem, đặc biệt là các khán giả nữ trẻ phải suy ngẫm. Phim Ghét thì yêu thôi đem đến không khí nhẹ nhàng, vui tươi nhưng đậm tình người, tình yêu thương trong gia đình. Đặc biệt Thương nhớ ở ai đã và đang được chiếu trên sóng truyền hình với đề tài nông thôn, khắc họa số phận bi kịch của những người phụ nữ nông thôn thời hậu chiến tạo ra nhiều xúc cảm với người xem, đồng thời phim có những cảnh quay trau chuốt, kỹ càng.

Nhiều khó khăn, thử thách

Tuy đã tạo ra cơn sốt phim truyền hình thời gian qua cũng như hiện tại, nhưng để “người Việt xem phim truyền hình Việt” thì nhiều ý kiến cho rằng giới làm nghề vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Một trong những nỗi lo của phim truyền hình, phim điện ảnh Việt thời gian qua là thiếu kịch bản hay, chất lượng và từ thực tế này khiến chúng ta phải mua bản quyền từ nước ngoài để Việt hóa phù hợp với điều kiện xã hội, văn hóa trong nước. Phim Người phán xử được mua kịch bản và chuyển thể từ  phim The Abitrator của Israel. Trong khi đó, Sống chung với mẹ chồng được chuyển thể từ tiểu thuyết của Trung Quốc, hay Cả một đời ân oán lại được chuyển thể từ bộ phim từng ăn khách khắp châu Á là Cô dâu triệu phú (2006) và Cô dâu bạc triệu (2014). “Phim truyền hình Việt hiện có cái khó là luôn thiếu kịch bản hay bởi công tác đào tạo viết kịch bản chuyên nghiệp của chúng ta chưa mạnh. Kịch bản Việt hóa là một lựa chọn tốt, tuy nhiên đôi khi rất mạo hiểm, bởi trên thực tế nhiều dự án phim mua bản quyền không thành công” - đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải cho biết.

Bên cạnh đó, phim truyền hình Việt hiện nay đang bị phân tán thị phần người xem bởi chịu sự cạnh tranh từ những bộ phim nước ngoài, các bộ phim chiếu online (trực tuyến) hay từ các chương trình, gameshow truyền hình thực tế. Ngoài ra, số liệu thống kê cho thấy, hiện nay Việt Nam có 92% người sử dụng internet và rất nhiều người xem video trực tuyến từ điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay... Điều này khẳng định, xem video trực tuyến đang trở thành xu hướng không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của người Việt, trong đó có khung giờ vàng từ 20-22h - thời điểm phim truyền hình Việt được các nhà đài trình chiếu. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng có kết nối internet, người xem giờ đây có thể chủ động tạo ra lịch xem cho riêng mình, chọn xem bất cứ chương trình, bộ phim truyền hình họ thích nên không còn bị động với lịch phát sóng cố định của các đài truyền hình nữa. Chính vì điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến lượng người xem, làm giảm doanh thu và tính hấp dẫn của phim truyền hình Việt.

Rõ ràng, trong thời đại công nghệ số cùng với sự thiếu vắng kịch bản hay, khó khăn với các nhà làm phim truyền hình Việt là nhãn tiền. Chính vì thế, làm cách nào để lôi kéo, đồng thời giữ được chân được khán giả là cả một bài toán khó và nhiều thách thức với các nhà sản xuất, nghệ sĩ làm phim truyền hình ở nước ta.

người xem.


Mai Tống
Ý kiến của bạn