Mụn trứng cá và cách khắc phục

11-02-2020 07:12 | Thẩm mỹ
google news

SKĐS - Trứng cá là bệnh da rất hay gặp khiến cho phái nữ lo lắng và mất tự tin khi giao tiếp. Đây là sự viêm nhiễm của nang lông tuyến bã.

Bệnh hay tái phát nhất là mùa hè nhiệt độ tăng quá cao khiến làn da có xu hướng bị kích ứng, tiết ra quá nhiều dầu.

Biểu hiện đa dạng

Mụn trứng cá có biểu hiện rất đa dạng, nếu mụn nổi do tăng tiết bã, còi mụn, kén nhỏ, sẩn đỏ, sẩn mụn mủ hay những nốt sâu có thể rò mủ ra, để lại sẹo mất thẩm mỹ. Mụn thường bộc phát sau khi ăn nhiều các loại quả ngọt chứa nhiều đường như: vải, nhãn, xoài…, đôi khi mụn cũng xuất hiện ở gần đầu các chu kỳ kinh nguyệt. Ở lứa tuổi dậy thì thông thường là các mụn trứng cá  đầu đen - đây là những chồi sừng nhỏ trong các lỗ của tuyến bã, có thể thoát ra ngoài tự nhiên. Ở một số bạn tuổi dậy thì, mụn trứng cá xuất hiện là những chấm nhỏ màu trắng thường thấy ở má, cằm và là những sang thương đầu tiên; có thể bị ngứa, đau khi ta lấy tay đè lên. Mụn mủ và các nang vỡ ra tự nhiên, chảy mủ hay máu, dịch chảy ra không mùi. Trên thực tế, mụn đầu trắng cũng có thể xuất hiện ở phụ nữ 30-40 tuổi do sự tăng kích tố nam ở buồng trứng hay tuyến thượng thận, thường là do bệnh đa nang buồng trứng (biểu hiện: rậm lông, không có kinh hay kinh ít, rụng tóc hoặc tăng cân...).

Tuy nhiên, mụn trứng cá có thể do vi khuẩn gây viêm Propionibacterium acnes và các yếu tố gây viêm khác làm hình thành các nhân mụn trứng cá. Khi đó, các mụn này thường để lại sẹo xấu, thường là sẹo lõm và một số trường hợp bị sẹo quá phát rất khó điều trị. Đó là loại mụn trứng cá bọc, trứng cá mạch lươn...

Để hạn chế mụn trứng cá, nên sử dụng nhiều rau xanh và trái cây để tăng cường vitamin, khoáng chất cho làn da.

Để hạn chế mụn trứng cá, nên sử dụng nhiều rau xanh và trái cây để tăng cường vitamin, khoáng chất cho làn da.


Không tự điều trị

Nhiều người, nhất là các trẻ gái đang ở tuổi dậy thì, khi bị mụn vì mặc cảm nên không tìm đến bác sĩ tư vấn và tự ý sử dụng kem trộn, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, tự đắp mặt nạ… dẫn đến nhiều biến chứng trên da (mụn nhiều hơn, để lại vết thâm, sẹo lồi, sẹo lõm hoặc gây viêm da… ).  Nhưng trên thực tế, thông thường ở tuổi dậy thì có đến 90% bị mụn trứng cá và có một số người lại quan niệm mụn trứng cá ở lứa tuổi này chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, không ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể lành tự nhiên nên có khuynh hướng coi nhẹ bệnh mụn. Chính vì thế, nhiều bệnh nhân tự chữa theo mách bảo khiến tình trạng mụn nặng thêm.

Mặt khác, còn có những trường hợp bị mụn trứng cá nặng như mụn trứng cá bọc (nhiều sẩn viêm, mụn mủ, nang và cục sưng to đau), mụn trứng cá cụm (mụn bít tắc, sẩn, mụn mủ, cục, áp-xe và sẹo), mụn trứng cá ác tính… không được khám và điều trị sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ và sức khỏe của bệnh nhân.

Cách chăm sóc da

Để hạn chế mọc mụn và viêm da, hàng ngày cần chăm sóc vệ sinh da sạch sẽ, đặc biệt cần thiết sau khi lao động, sau khi da bị bám bụi bẩn. Vệ sinh da bằng cách rửa mặt bằng nước sạch. Chỉ nên rửa mặt 2 lần trong ngày, không nên chà xát mạnh da mặt mà nên rửa mặt bằng tay, cùng lúc bạn có thể xoa bóp da mặt cho mạch máu lưu thông, tuyến bã đỡ bị bít tắc và cũng có tác dụng chống hình thành các vết nhăn, sau đó mới dùng khăn mềm để lau khô.

Đối với da bình thường thì không cần chăm sóc đặc biệt. Đối với da khô thì cần chú ý không nên dùng các chất tẩy mạnh, không nên dùng nước nóng. Sau khi rửa có thể thoa một chút kem dưỡng da hoặc kem làm ẩm da. Đối với da nhờn thì cần phải có chất tẩy rửa cho hết nhờn và có thể cần có sự trợ giúp của các loại sữa rửa mặt. Da hỗn hợp, với biểu hiện da bị nhờn vùng trán, mũi - quanh mũi cũng cần sữa rửa mặt để tẩy các chất bã vùng đó. Tẩy trang mặt và dụng cụ trang điểm... để hạn chế nguy cơ gây mụn và viêm da.

Tình trạng mụn trứng cá thường xuyên thay đổi, chị em nên tới thăm khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được điều trị đúng cách.

Làm gì để hạn chế mụn trứng cá?

Để hạn chế mụn trứng cá cần có chế độ ăn uống lành mạnh. Nên sử dụng nhiều rau xanh và trái cây để tăng cường vitamin, khoáng chất cho làn da. Uống đủ nước không những giúp thanh lọc cơ thể mà còn hạn chế mụn trứng cá. Thiếu nước sẽ gây nên tình trạng da khô, là điều kiện để mụn trứng cá sinh sôi. Trung bình mỗi ngày cơ thể cần khoảng 1,5 - 2 lít nước. Bên cạnh đó, hãy duy trì thói quen uống 1 cốc nước ấm khi mới thức dậy để đạt được hiệu quả thanh lọc cơ thể. Tập luyện giúp cơ thể săn chắc đồng thời cung cấp một lượng lớn oxy cho các lỗ chân lông, vì thế, lỗ chân lông sẽ được thông thoáng, không bị bít lại, giảm trừ nguy cơ gây mụn trứng cá.

Có thể sử dụng các loại hoa quả để đắp mặt. Các loại rau quả dưỡng da mà chủ yếu là đắp quả củ tươi như củ đậu, dưa chuột, bí đao, chanh cam, cà rốt vừa có tác dụng dưỡng da do rau quả có nhiều vitamin và làm da tươi mát, chống khô da, cho da một lượng nước và các chất khoáng. Nước gạo mới vo là một nguồn chất liệu giàu dinh dưỡng bao gồm cả protein, lipit, gluxit và các vitamin nhóm B, vitamin H, vitamin E. Nước gạo làm sạch da, dưỡng da mặt và làm trắng da do có tác dụng chống ôxy hóa, chống tia cực tím. Và còn nhiều phương pháp chăm sóc da mặt như xoa bóp da mặt vào buổi sáng và tối.

Khi ra đường, cần tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, chúng ta cần phải mặc quần áo và đeo khẩu trang cùng với bôi kem chống nắng hàng ngày kể cả ngày không có nắng vì tia cực tím UVA luôn luôn chiếu xuống trái đất với cường độ ít thay đổi theo thời tiết. Tránh các chất có hại cho da như các chất tẩy rửa, xà phòng... Nên đeo găng khi tiếp xúc các chất đó và sau khi làm việc phải chăm sóc bàn tay ngay.


BS. Nguyễn Hưng
Ý kiến của bạn