1. Herpes sinh dục là gì, lây truyền như thế nào?
Virus Herpes Simplex gây bệnh Herpes sinh dục có 2 chủng chủ yếu: Virus Herpes Simplex type 1 (HSV-1) và Virus Herpes Simplex type 2 (HSV-2). HSV-1 gây bệnh vùng mặt và HSV-2 gây nhiễm trùng sinh dục.
Herpes sinh dục lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn gồm:
- Quan hệ tình dục qua đường dương vật - âm đạo.
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
- Bất kỳ hoạt động nào khác liên quan đến sự tiếp xúc giữa các bộ phận sinh dục.
- Có thể nhiễm Herpes sinh dục khi quan hệ tình dục bằng miệng. Mụn rộp miệng có thể lây lan sang vùng sinh dục, hậu môn và ngược lại.
Dù HSV thường lây truyền qua tiếp xúc da kề da nhưng virus này cũng được tìm thấy trong tinh dịch, nước bọt và dịch tiết âm đạo của người bệnh.
HSV-1 chủ yếu lây truyền qua đường tiếp xúc từ miệng sang miệng gây nhiễm trùng trong hoặc xung quanh miệng (Herpes miệng). Tuy nhiên, HSV-1 cũng có thể lây truyền qua tiếp xúc miệng - sinh dục gây nhiễm trùng trong hoặc xung quanh vùng sinh dục (mụn rộp sinh dục).
HSV-2 hầu như chỉ lây truyền qua tiếp xúc giữa bộ phận sinh dục với bộ phận sinh dục khi quan hệ tình dục, gây nhiễm trùng ở vùng sinh dục hoặc hậu môn (mụn rộp sinh dục). Nhiễm HSV-2 làm tăng nguy cơ nhiễm và lây truyền HIV.
Cả nhiễm trùng Herpes miệng và nhiễm trùng Herpes sinh dục hầu hết không có triệu chứng hoặc không được phát hiện, nhưng có thể gây ra các triệu chứng mụn nước hoặc vết loét đau đớn tại vị trí nhiễm trùng, từ nhẹ đến nặng. Vì vậy, trường hợp nhiễm virus thường khó phát hiện và dễ lây lan khi người đó có quan hệ tình dục.
2. Triệu chứng bệnh Herpes sinh dục
2.1.Thời gian ủ bệnh
Sau khi nhiễm virus, thời gian ủ bệnh từ 2–20 ngày mới bắt đầu xuất hiện triệu chứng, tuy nhiên cũng có thể mất nhiều năm để xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên.
Theo thống kê cho thấy có khoảng hơn 10% người bệnh có virus HSV trong cơ thể nhưng không thành bệnh, không có biểu hiện bị bệnh. Nếu có, phổ biến nhất là vết loét ở bộ phận sinh dục hoặc ở miệng. Tuy nhiên khi gặp các điều kiện thuận lợi: sức đề kháng suy giảm, cơ thể suy nhược, có bệnh mạn tính, trầm cảm, phẫu thuật, quan hệ tình dục thô bạo hoặc với tần suất cao... thì các virus này mới bùng phát gây ra bệnh.
Khi các vết loét lành trở lại nhưng virus Herpes vẫn ở trong cơ thể người bệnh và có thể tái phát bất cứ lúc nào. Cách duy nhất để nhận biết và xác định bệnh là đến khám bác sĩ da liễu. Bác sĩ có thể kiểm tra các vết loét để có hướng điều trị hoặc chỉ định thêm xét nghiệm để chẩn đoán bệnh.
2.2. Triệu chứng bệnh Herpes sinh dục thường gặp
Khi bị Herpes sinh dục, người bệnh sẽ có những dấu hiệu sau ở cơ quan sinh dục:
Với nam giới, những nốt mụn đỏ nhỏ giống như mụn nước hay mụn đỏ sẽ xuất hiện ở bao quy đầu, rãnh quy đầu, lỗ niệu đạo hay cả dọc thân dương vật (nếu là nam) sau thời gian nhiễm bệnh là khoảng 2 - 7 ngày (hoặc hơn). Vùng da bị bệnh rất đau rát. Nếu không được phát hiện và xử trí sớm, những nốt đỏ này sẽ tạo thành từng cụm hoặc cũng có thể tạo thành từng mảng hình tròn hay hình cầu. Những nốt màu đỏ sẽ chuyển thành màu trắng hay vàng. Khi những nốt mụn này vỡ ra, người bệnh sẽ có cảm giác rất đau đớn. Ở nữ giới sẽ xuất hiện những vết tấy đỏ nhỏ cùng với cảm giác đau, ngứa ở bộ phận sinh dục như âm đạo, âm hộ, môi nhỏ, niệu đạo, cổ tử cung...
Các nốt mụn này sẽ phát triển thành mủ và sẽ vỡ ra tạo thành các ổ viêm loét, do đó gây cảm giác đau đớn cho người bệnh. Vài ngày sau các ổ loét này sẽ đóng vảy và tự khỏi, tuy nhiên triệu chứng có thể sẽ lặp lại khi tái phát bệnh.
Các triệu chứng khác:
- Mụn rộp xuất hiện trong miệng, trên môi, mặt và bất kỳ nơi nào khác tiếp xúc với vùng da nhiễm bệnh.
- Các tuyến bạch huyết bị sưng lên. Các tuyến bạch huyết này có tác dụng chống nhiễm trùng và viêm nhiễm trong cơ thể.
- Herpes sinh dục gây đau đầu, đau nhức cơ thể và sốt.
2.3. Bệnh Herpes sinh dục dễ tái phát
Herpes sinh dục là bệnh dễ tái phát. Herpes sinh dục gây bùng phát mụn nước hoặc vết loét trên bộ phận sinh dục và hậu môn. Bệnh thường tái phát/tái nhiễm thành nhiều đợt trong suốt cuộc đời, nhất là khi sức đề kháng giảm (lo lắng, mất ngủ, ăn uống không đủ chất…)
Dấu hiệu Herpes sinh dục tái phát: Phát ban, nổi mụn thường đi sau cảm giác nóng bỏng tại tổn thương. Cảm giác ngứa và những mụn nước nhỏ chứa dịch mọc thành chùm sau đó hóa đục và vỡ đóng mài tròn. Sau 1 tuần tự biến mất và không để lại sẹo.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khiến bệnh Herpes sinh dục tái phát: Người bệnh bị stress; Người đang mắc bệnh khác khiến cơ thể yếu hoặc vừa trải qua phẫu thuật; Người bị suy nhược cơ thể; Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt; Người dị ứng da; Quan hệ tình dục quá mạnh... Một số trường hợp tái phát không bởi lý do gì.
2.4. Bệnh Herpes sinh dục có nguy hiểm không? Biến chứng thế nào?
Người trưởng thành khi bị Herpes sinh dục, ngoài các vết loét trên da, bệnh không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu và đau nhói nhiều ở các vết loét cho đến khi trị dứt điểm mụn rộp. Bệnh nhân mắc Herpes sinh dục thường gặp vấn đề về sức khỏe tổng thể, đời sống tình dục cũng như các mối quan hệ. Một số người cảm thấy tự ti, mặc cảm với tình trạng bệnh của mình.
Biến chứng thường thấy nhất của Herpes sinh dục là các vết loét gây đau đớn dai dẳng, đặc biệt với những người bị suy giảm hệ miễn dịch. Mụn rộp sinh dục gây đau rát khi quan hệ tình dục, giảm khoái cảm, bên cạnh đó còn ảnh hưởng đến việc tiểu tiện như tiểu dắt nhiều lần trong ngày, tiểu buốt. Khi ổ loét vỡ nước thì người bệnh có thể đi tiểu ra dịch mủ hoặc máu. Herpes sinh dục có thể biến chứng gây viêm đường tiết niệu: viêm bàng quang, viêm niệu đạo…
Phụ nữ đang mang thai bị Herpes sinh dục, khi vết loét bị vỡ nước có thể lây cho con lúc sinh bằng đường âm đạo. Trong trường hợp này, Herpes sinh dục có thể gây tổn thương não, mờ mắt hoặc thậm chí có thể khiến trẻ tử vong. Bên cạnh đó, mụn rộp nguyên phát và mụn rộp ở cổ tử cung còn có thể gây ra tình trạng sẩy thai hoặc đẻ non.
Trong đợt bùng phát, bệnh Herpes sinh dục rất dễ lây nhiễm cho đến khi các vùng bị tổn thương lành hoàn toàn. Sử dụng bao cao su vẫn có khả năng bị lây nhiễm qua da khi mụn rộp mọc ở vùng xung quanh bộ phận sinh dục.
3. Bệnh Herpes sinh dục có lây truyền không?
Herpes sinh dục là bệnh dễ lây truyền, lây nhiễm chủ yếu qua đường tình dục. Virus HSV dễ lây lan nhất thông qua mụn rộp hoặc vết loét nhưng vẫn lây truyền ngay cả khi người bệnh không có mụn rộp, vết loét hoặc các triệu chứng khác.
HSV lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với vết loét herpes, thường là trong quan hệ tình dục qua đường âm đạo, miệng hoặc hậu môn. HSV cũng có thể xuất hiện trên da ngay cả khi không có vết loét. Nếu một người tiếp xúc với virus trên da người bị nhiễm bệnh, thì người đó cũng có thể bị nhiễm bệnh.
Sau khi một người bị nhiễm lần đầu, virus HSV ở lại trong cơ thể. Nó di chuyển đến các tế bào thần kinh gần cột sống và lưu trú ở đó cho đến khi hệ miễn dịch của cơ thể có sơ xuất nó bắt đầu trở lại hoạt động. Khi điều này xảy ra, virus sau đó di chuyển dọc theo các dây thần kinh, trở lại nơi đầu tiên xâm nhập vào cơ thể và gây ra sự bùng phát mới của vết loét và mụn nước. Đây là tình trạng tái phát. Virus có thể được truyền cho người khác trong quá trình tái phát.
Herpes sinh dục không lây lan thông qua việc ôm, sử dụng chung bể bơi hoặc cùng tiếp xúc bệ ngồi trong nhà vệ sinh.
Yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng nhiễm bệnh Herpes sinh dục:
- Tiếp xúc với bộ phận sinh dục qua quan hệ tình dục bằng miệng, âm đạo hoặc hậu môn không sử dụng biện pháp an toàn. Phụ nữ có nguy cơ mắc mụn rộp sinh dục cao hơn. Virus lây lan dễ dàng hơn từ nam sang nữ hơn từ nữ sang nam.
- Quan hệ tình dục với nhiều đối tác. Người có số lượng bạn tình càng nhiều sẽ có tỷ lệ mắc sinh dục càng cao.
- Có bạn tình mắc bệnh Herpes sinh dục nhưng không dùng thuốc điều trị.
4. Điều trị bệnh Herpes sinh dục
Khi có dấu hiệu bị Herpes sinh dục, người bệnh cần đi khám chuyên khoa da liễu để làm các xét nghiệm thăm dò cần thiết và có chỉ định điều trị cụ thể cho từng trường hợp.
Bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán Herpes sinh dục bằng cách kiểm tra trực quan các sang thương da. Dù không phải lúc nào cũng cần thiết nhưng bác sĩ có thể xác nhận kết quả chẩn đoán thông qua các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm (xét nghiệm PCR HSV).
Xét nghiệm máu có thể chẩn đoán HSV trước khi bùng phát. Tuy nhiên, nếu không có tiếp xúc với virus và không có triệu chứng nào hiển thị, không nhất thiết phải sàng lọc HSV-1 hoặc HSV-2.
Việc điều trị Herpes sinh dục ở cả nam và nữ với mục đích: Rút ngắn thời gian và độ nghiêm trọng khi bệnh bùng phát; Giảm số lần tái phát bệnh; Ngăn ngừa nguy cơ phát bệnh; Giảm nguy cơ lây lan cho người khác.
Hiện nay, chưa có liệu trình để điều trị dứt điểm Herpes sinh dục, vì chúng tồn tại trong cơ thể suốt đời. Khi mắc bệnh, có nhiều cách điều trị để hạn chế các đợt bùng phát, đó là sử dụng các loại thuốc ức chế virus như acyclovir, valacyclovir và famciclorvir. Các loại thuốc này giúp vết loét nhanh lành hơn, đồng thời hạn chế tái phát. Thuốc cũng có thể được dùng trong hoặc sau khi bệnh bộc phát.
Đối với những phụ nữ đã từng bị bệnh Herpes sinh dục, nếu muốn có thai phải thông báo tình trạng bệnh với bác sĩ để được điều trị đúng chuyên khoa, tránh nguy cơ lây nhiễm cho bé.
Cách điều trị thông thường là:
Cần vệ sinh vết loét bằng dung dịch sát khuẩn như betadine, milian hoặc kem bôi acyclovir khi mụn nước mới bắt đầu xuất hiện. Bôi acyclovir 3 giờ/1 lần, liên tục 7 ngày. Thuốc sẽ phát huy tác dụng với các trường hợp nhẹ.
Bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc uống kháng virus như famciclovir, valacyclovir, acyclovir,... để điều trị toàn thân
Trong trường hợp bệnh tái phát việc điều trị bệnh Herpes sinh dục cần phải thực hiện ngay khi triệu chứng xuất hiện. Càng để muộn thì việc điều trị càng kém hiệu quả, nguy cơ tái phát càng cao. Thuốc uống dùng để điều trị virus ở giai đoạn tái phát là acyclovir. Việc sử dụng thuốc cần có bác sĩ chuyên khoa kê đơn và hướng dẫn cụ thể.
Chăm sóc tại nhà
Người có bệnh Herpes sinh dục nên tắm trong nước ấm và sử dụng chất tẩy rửa nhẹ, không dùng những loại xà phòng có chứa chất tẩy rửa mạnh.
Luôn giữ cho vùng da bị bệnh khô ráo, sạch sẽ. Nên mặc những bộ đồ có tính thấm hút tốt, rộng rãi, giúp bạn cảm thấy thoải mái.
5. Cách phòng bệnh Herpes sinh dục
Herpes sinh dục có thể được điều trị bằng thuốc kháng virus. Một số loại thuốc kháng virus được sử dụng hiện nay có thể giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất của các triệu chứng Herpes sinh dục nhưng không thể chữa khỏi nhiễm trùng.
Những người nhiễm HSV sẽ mang virus trong suốt phần đời còn lại của họ. Ngay cả khi nó không biểu hiện các triệu chứng bệnh Herpes sinh dục, virus vẫn sẽ tiếp tục sống trong các tế bào thần kinh. Một số người có thể bị bùng phát thường xuyên. Những người khác sẽ chỉ trải qua một đợt bùng phát sau khi họ nhiễm virus, và sau đó virus có thể không hoạt động.
Mặc dù không có cách chữa khỏi bệnh Herpes sinh dục, nhưng bạn có thể thực hiện các biện pháp để tránh lây nhiễm virus hoặc ngăn truyền HSV sang người khác như.
Thực hành tình dục an toàn: Chung thủy với 1 bạn tình để tránh nguy cơ lây nhiễm mụn rộp sinh dục và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Sử dụng bao cao su phù hợp và đúng cách có thể giúp giảm nguy cơ lây lan Herpes sinh dục. Tuy nhiên, bao cao su chỉ bảo vệ một phần vì HSV có thể được tìm thấy ở những khu vực không được bao cao su che phủ.
Những người nhiễm HSV-2 nên tránh bất kỳ hình thức sinh hoạt tình dục nào với người khác trong thời gian bùng phát. Nếu bị bệnh cần thông báo tình trạng bệnh của mình cho bạn tình để tránh lây nhiễm virus sang cho người khác.
Phụ nữ mang thai có các triệu chứng của bệnh Herpes sinh dục nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Việc ngăn ngừa nhiễm Herpes sinh dục mới đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ trong giai đoạn cuối của thai kỳ vì đây là lúc nguy cơ mắc Herpes ở trẻ sơ sinh cao nhất. Phụ nữ mang thai được chẩn đoán nhiễm HSV có thể phải dùng thuốc để ngăn virus lây sang em bé.
Những người có các triệu chứng gợi ý nhiễm HSV cũng nên được làm xét nghiệm tầm soát HIV.
Nếu bạn đang trải qua đợt bùng phát HSV-1, hãy cân nhắc thực hiện một số bước phòng ngừa: Cố gắng tránh tiếp xúc trực tiếp với người khác. Không dùng chung bất kỳ vật dụng nào có thể truyền virus, chẳng hạn như cốc, khăn tắm, quần áo, đồ trang điểm hoặc son dưỡng môi. Không quan hệ tình dục bằng miệng, hôn hoặc bất kỳ loại hoạt động tình dục nào khác trong thời gian bùng phát bệnh Herpes sinh dục. Giữ cho vết loét sạch sẽ và khô ráo; Tránh đụng chạm đến vết loét, và rửa tay kỹ sau khi tiếp xúc với vết loét; Bôi thuốc bằng tăm bông để giảm tiếp xúc với vết loét.