Mụn rộp sinh dục điều trị có khó?

08-05-2017 14:02 | Bệnh lây truyền
google news

SKĐS - Cháu bị mụn rộp sinh dục cứ thỉnh thoảng lại tái phát nên rất khó chịu. Cháu nghe nói bị bệnh này sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Xin bác sĩ cho cháu lời khuyên về cách điều trị và phòng ngừa?

Bùi Thị Thanh Hương (thanhhuong@gmail.com)

Mụn rộp sinh dục điều trị có khó?

Bệnh mụn rộp sinh dục hay còn gọi là Herpes sinh dục là do virut Herpes Simplex gây ra những mụn phỏng ở đường sinh dục. Các dấu hiệu khởi đầu của bệnh là đau và ngứa, thường xảy ra sau 2-7 ngày sau khi nhiễm virut. Vài giờ đến vài ngày sau, vết loét bắt đầu xuất hiện. Vết loét đầu tiên chỉ là một chỗ sưng đỏ nhỏ, mềm, đau, rồi trở nên mọng nước trong, sau đó chúng vỡ miệng ra trở thành vết loét, gây rỉ dịch hoặc chảy máu gây ngứa và rất đau. Ở nữ, vết loét có thể xuất hiện ở vùng âm đạo, cơ quan sinh dục ngoài, mông, hậu môn hoặc bên trong cổ tử cung. Ở nam, vết loét có thể ở dương vật, bìu, mông, hậu môn, đùi, niệu đạo,... Trong giai đoạn bộc phát, bệnh nhân có thể có các triệu chứng nhiễm virut thông thường giống bệnh cúm, gồm: sốt, nhức đầu và nổi hạch bẹn... Bệnh thường tự khỏi nhưng dễ tái phát. Hiện nay chưa có cách điều trị dứt điểm, có thể điều trị bệnh bằng các thuốc ức chế virut như acyclovir giúp vết loét lành nhanh hơn và hạn chế tái phát... Hơn nữa một khi bị mụn rộp sinh dục, người bệnh sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, kể cả HIV và AIDS. Để phòng tránh mụn rộp sinh dục, tốt nhất nên quan hệ tình dục lành mạnh, một vợ một chồng và dùng bao cao su thường xuyên. Trường hợp người đang bị mụn rộp sinh dục cần tránh lây lan cho bạn tình bằng cách: tránh quan hệ tình dục, tránh đụng chạm và giữ cho vết loét sạch sẽ và khô ráo, rửa tay kỹ sau khi tiếp xúc với vết loét.


BS. Vũ Ngọc Anh
Ý kiến của bạn