Hà Nội

Mụn, nhọt: Không thể chủ quan

04-11-2019 13:49 | Thẩm mỹ
google news

SKĐS - Mụn nhọt là do nhiễm trùng ở các nang lông trước, sau đó tổn thương viêm lan rộng ra xung quanh.

Đa phần bệnh có thể tự giới hạn và tự khỏi khi mụn nhọt bị vỡ mủ, thời gian này kéo dài khoảng 1-2 tuần. Tuy nhiên, nếu như mắc phải vi khuẩn độc lực cao hoặc người bệnh có cơ địa suy giảm miễn dịch, bệnh nhân có thể sốt cao, nhiễm trùng huyết và có thể tử vong.

Cần phân biệt nhọt với mụn

Mụn và nhọt là hai bệnh lý khác nhau. Các loại mụn thường là mụn trứng cá, bọc trứng cá hay sần trứng cá hay gặp ở những thanh niên dậy thì. Mụn cũng có thể có mủ.

Riêng nhọt là những khối viêm cấp tính do liên cầu, tụ cầu, có khối trắng ở giữa (mủ). Nhọt có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, song vẫn hay gặp nhất ở trẻ em, người già, người có cơ địa nhạy cảm và một số bệnh nhân tiểu đường. Đánh giá về mức độ nguy hiểm của hai bệnh ngoài da này, nhọt cấp tính và nguy hiểm hơn mụn rất nhiều.

Riêng mụn cũng có những bọc mủ nhưng thường là bệnh mạn tính, ít nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, không ít trường hợp mụn bị nhiễm trùng, bội nhiễm thành nhọt. Trong quá trình nặn mụn nếu không cẩn thận sẽ dễ bị nhọt. Nhọt có thể lây sang các vùng da lân cận hoặc người khác nếu nặn, gãi hoặc chạm vào chỗ bị nhiễm trùng; mặc quần áo, dùng khăn, quần áo mà người bị nhiễm trùng da đã sử dụng,...

Nhọt cấp tính nguy hiểm hơn mụn rất nhiều.

Nhọt cấp tính nguy hiểm hơn mụn rất nhiều.

Nguyên nhân phát sinh mụn, nhọt

Mụn nhọt là tình trạng nhiễm trùng ở các nang lông sau đó tổn thương viêm lan rộng ra xung quanh. Các tổn thương to dần lên trong 2 - 4 ngày. Nguyên nhân là do:

Do chế độ ăn uống: ăn ít rau, trái cây, ít chất xơ, làm cho gan phải làm việc nhiều hơn nhằm loại thải các chất có hại ra khỏi cơ thể. Ăn nhiều thịt và các loại chất đạm khác quá, hoặc uống ít nước quá... Bên cạnh đó sử dụng các chất kích thích rượu, bia khiến gan hoạt động quá tải dẫn đến tình trạng phát mụn nhọt để đẩy độc tố ra khỏi cơ thể; chế độ sinh hoạt không hợp lý thức khuya, mất ngủ. Việc này không chỉ gây mụn mà còn làm cho da chúng ta xấu đi; Do stress: Nếu bạn đang tức giận hay bị stress đó là tâm bạn không tốt thì chức năng thận và gan sẽ bị yếu đi; Do thời tiết: mụn nhọt thường gặp vào những ngày hè nắng nóng rất dễ làm mụn nhọt phát sinh và gây mẩn ngứa. Ngoài ra môi trường nhiều khí bụi khói độc cũng sẽ làm tăng nguy cơ bị mụn nhọt; Do bị bệnh: bệnh đái tháo đường, bệnh truyền nhiễm, bệnh về gan... cũng rất dễ phát sinh mụn nhọt. Ngoài ra việc sử dụng nhiều thuốc kháng sinh, các loại thuốc trong một thời gian dài gây nên tình trạng mụn nhọt.

Có thể gây nhiễm trùng máu

Khi cơ thể yếu, sức đề kháng kém, lao động nặng nhọc, ra mồ hôi nhiều, da bị xước do gãi, thì tụ cầu, liên cầu sẽ có cơ hội xâm nhập cơ thể, gây hoại tử lỗ chân lông, tạo ra mụn nhọt. Biểu hiện ban đầu là những nốt đỏ nổi trên da rồi lan rộng dần. Chỗ mọc nhọt da nóng, đỏ, sưng và đau. Vài ngày sau, trên nốt đỏ có đốm vàng, khi đốm vỡ có mủ chảy ra, ở giữa có ngòi. Đôi khi có hiện tượng viêm mạch bạch huyết hoặc nổi hạch xung quanh khu vực nhọt. Kích thước của nhọt thường bằng hạt ngô, hạt đỗ, quả mận và có khi còn bằng quả trứng gà, trong có nhiều mủ. Vị trí nhọt ở khắp nơi trên cơ thể như đầu, mặt, tay, chân, bụng, ngực, mông. Với mụn nhọt ở một vài vị trí đặc biệt thì phải chú ý, như đinh râu, hậu bối (bệnh than ngoài da), vì chúng dễ gây ra biến chứng nguy hiểm.

Khi bị mụn nhọt không nên tự ý chữa bệnh đắp lá theo kinh nghiệm truyền miệng, vì như vậy có thể khiến vết thương viêm nhiễm lan rộng hơn hoặc từ không viêm nhiễm trở nên viêm nhiễm. Nếu không được điều trị kịp thời dẫn đến nhiễm trùng máu, gây ra viêm mủ màng tim, áp-xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm xương tủy xương, thậm chí tử vong.

Trị mụn nhọt thế nào?

Đa số mụn nhọt sẽ tự khỏi và có thể tác động để đẩy nhanh quá trình bằng cách đặt một cái khăn ấm sạch lên trên mụn nhọt trong vài phút rồi lặp lại 3-4 lần trong ngày.

Khi mụn, nhọt mưng mủ, nên lau sạch và vệ sinh bằng chất khử trùng như betadine rồi dùng gạc vô trùng băng lại. Vệ sinh sạch sẽ và tránh không để dính sang những bộ phận khác của cơ thể. Để ngăn chặn tình trạng lây lan của mụn nhọt, cần thay băng thường xuyên và bỏ vào thùng rác ngay sau khi dùng xong.

Vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau khi chạm vào mụn nhọt, nhất là khi mụn nhọt bị vỡ ra. Cho người bệnh dùng khăn lau mặt riêng, đồng thời thường xuyên giặt khăn lau mặt, khăn tắm ở nhiệt độ cao. Nếu tình trạng mụn nhọt không có dấu hiệu cải thiện trong vòng 2 tuần, nên đi khám tại cơ sở y tế để có hướng điều trị thích hợp.

Lời khuyên của thầy thuốc

Đề phòng mụn nhọt, trước hết cần giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Thay đổi chế độ ăn của mình: ăn nhiều rau, trái cây có nhiều vitamin C, E (cam, bưởi, bơ...), hạn chế ăn chất nóng: vải, sầu riêng, chôm chôm... Ăn ít đồ ăn có chứa nhiều mỡ, đường, cay, nóng. Không ăn đồ ăn có chứa chất bảo quản, phẩm màu, đồ uống có chứa nhiều gas, chất phụ gia tạo mầu, tạo mùi... Uống nhiều nước. Hạn chế uống bia rượu, nếu người nào đã có tiền sử bị bệnh gan, nên bỏ rượu, bia vì chúng sẽ làm cho bạn suy yếu đi rất nhanh không những bị mụn mà còn bị xơ gan, ung thư gan... Nói không với thuốc lá. Tránh tức giận, stress. Điều chỉnh chế độ sinh hoạt hợp lý không thức khuya, thể dục vừa sức để nâng cao đề kháng...

BS. Nguyễn Lan Anh
Ý kiến của bạn