Hà Nội

Mụn nhọt không đơn giản như bạn thường nghĩ

03-08-2021 15:39 | Khỏe - Đẹp

SKĐS - Mụn nhọt dễ gặp vào thời tiết nóng, do cơ thể tiết nhiều mồ hôi hoặc tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm… Chúng thường xuất hiện khi làn da bị nhiễm trùng do vi khuẩn tấn công hay do viêm nang lông diện rộng. Mụn nhọt gây đau nhức dữ dội hơn các loại mụn khác, đặc biệt nếu xuất hiện ở vị trí kín đáo.

Mụn nhọt do nhiễm khuẩn

Vì sao bị mụn nhọt?

Mụn nhọt là nhiễm khuẩn mủ cấp và gây hoại tử tổ chức ở nang lông do tụ cầu vàng. Biểu hiện đầu tiên của bệnh là sẩn màu đỏ xuất hiện cấp tính ở nang lông rồi sưng to dần lên và xuất hiện ngòi mủ. Lúc bắt đầu, vùng da nhỏ nhiễm trùng bị đỏ và một u mụn cứng lớn dần. Sau 4 đến 7 ngày, dịch mủ hình thành dưới da. Đỉnh nhọt có đầu nhân mủ nhỏ màu vàng, trắng. Sau một thời gian, đầu nhân mủ này vỡ và dịch thoát ra ngoài. Một số người bệnh còn bị sốt và mệt toàn thân khi mắc bệnh hậu bối (nhọt cụm). Vị trí thường gặp nhất của nhọt là mặt, cổ, nách, vai và mông.

Hầu hết nhọt có tác nhân gây bệnh (tụ cầu khuẩn). Vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua các vết cắt nhỏ hoặc lần mò vào lỗ chân lông theo sợi lông. Một số bệnh lý khiến người mắc có nguy cơ bị nhiễm trùng da cao hơn như: Hệ miễn dịch suy yếu; Tiểu đường; Thiếu dinh dưỡng; Vệ sinh cá nhân kém; Phơi nhiễm với hóa chất độc hại làm tổn thương da.

Mụn nhọt dễ tái phát

Mụn nhọt không đơn giản như bạn thường nghĩ - Ảnh 2.

Hầu hết mụn nhọt đều có tác nhân gây bệnh

 Mụn nhọt  rất hay bị tái phát. Nhiều người bệnh bị mụn nhọt tái phát quá 3 lần trong một năm. Nhọt tái phát lan nhanh hơn và dễ dàng hơn, đặc biệt với những thành viên trong gia đình. Nhiễm trùng thứ phát do nhọt không quá phổ biến, nhưng có thể dẫn đến nhiễm trùng máu khi vi khuẩn xâm nhập vào máu.

Khi thấy các triệu chứng nhiễm trùng nghiêm trọng như: Vùng da quanh nhọt bị nhiễm trùng, có màu đỏ, nóng, sưng và đau; Nhiều nhọt mọc lên quanh nhọt đầu tiên; Sốt; nổi hạch…kèm với nhọt thì cần đến ngay phòng cấp cứu để xử trí kịp thời.

Nguyên tắc ngừa mụn nhọt

Nguyên tắc đầu tiên là làm sạch da, loại bỏ bụi bẩn và các tế bào chết thường xuyên. Không để da quá khô, mặt khác cần hạn chế, hoặc giảm hoạt động của tuyến bã nhờn bằng cách cân bằng độ pH để giảm bít tắc và tăng cường lớp bảo vệ trên da. 

Có thể ức chế hệ miễn dịch quá nhạy cảm bằng cách sử dụng các thành phần có khả năng chống oxy hóa, ngăn ngừa viêm như vitamin C, A, E, hoặc các chất kiềm chế hệ miễn dịch như: kẽm, Vitamin C, Vitamin E.

Ngoài ra, có thể tiêu diệt vi khuẩn mụn P.acnes tại chỗ bằng cách bôi mỡ kháng sinh; sử dụng ánh sáng xanh; hoặc sử dụng những nguyên liệu từ thiên nhiên có tính chống oxy hóa như: mật ong tươi, nha đam, tràm trà, sữa ong chúa,...

Tuyệt đối không nặn, bóp dịch mủ ra ngoài khi nhọt chưa lành hẳn. Vì sẽ khiến vi khuẩn phát tán theo vết thương hở và lan đến khu vực lân cận. Không sờ tay lên mặt, nhất là các vết mụn, nếu cần thì phải rửa tay thật sạch.

Phòng ngừa mụn nhọt mùa hè

Đề phòng mụn nhọt ngày hè - Ảnh 3.

Nên ăn các loại quả thanh mát.

Để phòng mụn nhọt, cần giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ như thay quần áo hằng ngày, thường xuyên tắm rửa, đặc biệt là về mùa hè, sau khi lao động nơi bụi bẩn; Nên rèn luyện thân thể, ăn uống đủ chất để nâng cao sức đề kháng. Đặc biêt, không được gãi và nặn mụn nhọt, nhất là đinh râu vì khi nặn sẽ sẽ tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào máu và gây  nhiễm khuẩn huyết rất nguy hiểm.

Về mùa hè không nên ăn uống đồ cay nóng, kích thích như uống rượu, hút thuốc, ăn ớt, hạt tiêu, hành tỏi sống, cà phê, uống nhiều nước đá. Nên tăng cường ăn nhiều rau quả có tính mát như dưa hấu, dưa chuột, bí đao, rau đay, mồng tơi, cua đồng, mướp đắng, chanh, cam, thanh long…

Phân biệt bênh tay chân miệng và Thủy đậu ở trẻ em

BS Lan Anh
Ý kiến của bạn