Hà Nội

Mụn cóc ở tay chữa thế nào?

08-12-2024 07:28 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Mụn cóc ở tay là bệnh lý da liễu hay gặp do virus HPV (Human Papilloma Virus) gây ra. Mụn cóc gây ảnh hưởng xấu tới thẩm mỹ và làm suy giảm chất lượng cuộc sống.

Mụn cóc dễ lây lan

Mụn cóc là hậu quả của việc tăng sinh quá mức các tế bào dưới da do tác động của virus. Virus HPV được xem là nguyên nhân chính của tình trạng này. Virus HPV xâm nhập qua da từ những vết thương hở, chúng kích thích các tế bào dưới da phát triển và tạo thành những cục u nhỏ lành tính, có thể chất rắn.

Mặc dù mụn cóc ở tay thường không gây ra những biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe nhưng lại gây mất thẩm mỹ và tạo cảm giác khó chịu trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Ngoài ra, mụn cóc cũng dễ lây lan đến các vùng da khác trong cơ thể, hoặc lây từ người này qua người khác. Nếu bạn tiếp xúc trực tiếp với một người bị mụn cóc, bạn có thể bị lây bệnh. Những người làm nghề đánh móng chân, tay cũng dễ lây bệnh do tiếp xúc với nhiều người mà không có đồ bảo hộ.

Mụn cóc có thể xuất hiện và lan rộng từ mặt đến chân sau khi bị nhiễm bệnh. 

Mụn cóc ở tay chữa thế nào?- Ảnh 1.

Mụn cóc cũng dễ lây lan đến các vùng da khác trong thể.

Mụn cóc ở tay chữa cách nào?

Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ có thể chỉ định cho phù hợp. Để chữa mụn cóc ở tay có thể sẽ được chỉ định các biện pháp sau đây:

  • Dùng thuốc

Đối với mụn cóc có kích thước nhỏ dưới 5 mm, người bệnh có thể sử dụng dung dịch acid salicylic chấm vào nốt mụn. Acid salicylic vừa có tác dụng tiêu diệt virus HPV, vừa giúp lớp tế bào sừng đóng vảy nhanh chóng bong da và tái tạo làn da mới.

Thuốc acid salicylic có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên, hiệu quả của thuốc phải cần vài tuần mới phát huy được tác dụng.

Trước khi sử dụng, người bệnh làm sạch vùng da mụn bằng nước sạch. Sau đó, dùng tăm bông chấm một lượng thuốc vừa đủ lên vùng mụn. Ngoài ra, có thể sử dụng dũa móng tay hoặc đá bọt nhám chà nhẹ lên vùng mụn để các lớp tế bào sừng bong ra.

  • Chấm axit

Bên cạnh acid salicylic, hiện nay các bác sĩ da liễu cũng có thể cho bệnh nhân sử dụng acid trichloracetic để điều trị mụn cóc. Loại acid này gây bào mòn, khiến cho các nốt mụn tự bong ra sau khi đóng vẩy. Acid trichloracetic cũng được sử dụng tương tự như acid salicylic. Nên sử dụng từ 1-2 lần mỗi ngày cho đến khi các nốt mụn bong ra hoàn toàn.

  • Liệu pháp đóng băng (đông lạnh)

Liệu pháp đóng băng là phương pháp hữu hiệu nhất để điều trị mụn cóc ở tay. Đây được coi là lựa chọn ưu tiên nếu người bệnh muốn điều trị mụn cóc nhanh chóng. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này so với việc điều trị bằng thuốc là có thể gây đau, vì vậy không phù hợp với các đối tượng nhạy cảm với cơn đau như người già hoặc trẻ em.

Liệu pháp này được thực hiện tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế bởi các bác sĩ chuyên khoa. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ dùng một con dao nhỏ loại bỏ các nốt mụn, sau đó sẽ sử dụng nitơ lỏng hoặc hoặc các loại gel đóng băng bôi lên vị trí vừa xử lý. Vết cắt thường sẽ hết đau sau 1-3 ngày, và tỷ lệ để lại sẹo rất thấp. Một số trường hợp, tại vị trí phẫu thuật xuất hiện các vết phồng rộp và tự biến mất sau 2-3 ngày. Trường hợp các vết này gây đau đớn hoặc tiết nhiều dịch, người bệnh cần liên hệ lại với bác sĩ điều trị để được xử lý kịp thời.

  • Tiểu phẫu

Với các nốt mụn có kích thước lớn và ở các vị trí thuận lợi như bàn tay, cánh tay, người bệnh có thể lựa chọn tiểu phẫu để loại bỏ chúng nhanh chóng. Bác sĩ sẽ gây tê cục bộ khu vực có mụn, cắt bỏ chúng và khâu lại bằng chỉ tự tiêu. Phương pháp này khá đơn giản, vết thương mau lành và ít có nguy cơ nhiễm trùng. Tuy nhiên nó cũng có nhược điểm là gây đau và mụn dễ tái phát.

  • Sử dụng laser CO2

Laser Co2 được sử dụng cho những nốt mụn cứng đầu và diện tích lây lan lớn. Đây là công nghệ tiến tiến được chuyển giao từ Hoa Kỳ. Cơ chế của phương pháp này là sử dụng năng lượng nhiệt chiếu tới tận chân các nốt mụn, loại bỏ tận gốc các virus gây bệnh, đồng thời kích thích tăng sinh collagen và elastin, giúp nhanh chóng hình thành các lớp da mới thay thế tại vùng bị mụn. Do đó phương pháp này rất an toàn, không gây đau đớn, không cần nằm lại viện và chỉ thực hiện trong vòng vài phút.

Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh mụn cócCâu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh mụn cóc

SKĐS - Mụn cóc là những u nhỏ tăng sản lành tính của lớp thượng bì, bề mặt thường sần sùi, do Human Papilloma Virus (HPV) xâm nhập qua những vết trầy xước bên ngoài da và gây bệnh. Mụn cóc có thể “cứng đầu”, nhưng nhiều phương pháp điều trị có thể giúp loại bỏ chúng.

BS. Nguyễn Văn Thắng
Ý kiến của bạn