Mụn cóc: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

23-08-2024 15:07 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Mụn cóc là bệnh da liễu thường gặp gây ra bởi HPV (Human Papilloma Virus) – virus gây u nhú ở người. Virus HPV xâm nhập vào da qua những vết trầy xước bên ngoài, tạo thành những u nhỏ lành tính, bề mặt sần sùi, gọi là mụn cóc. Bệnh dễ lây lan và cần được điều trị đúng cách.

1. Bệnh mụn cóc là gì?

Mụn cóc là bệnh phổ biến, lành tính, do thượng bì nhiễm virus HPV qua vết thương hở hoặc vết trầy xước, làm kích thích tăng sinh tế bào nhanh chóng dẫn đến hình thành mụn cóc.

Mụn cóc có rất nhiều loại khác nhau, trong đó mụn cóc thông thường mọc ở bàn tay, cánh tay và cẳng chân, bàn chân.

Tuy không phải bệnh lý đặc biệt nghiêm trọng nhưng mụn cóc xuất hiện gây mất thẩm mỹ, làm người bệnh khó chịu do mất nhiều thời gian điều trị và nguy cơ lây nhiễm cao. Mụn cóc có thể phát triển rồi lây nhiễm cho người khác rất nhanh, hoặc tự lây lan trên bản thân người bệnh (từ vị trí ban đầu lan sang vùng da lân cận hay vùng da trực tiếp tiếp xúc do gãi, cào, chạm, sờ, cầm nắm,…).

Đây là bệnh phổ biến ở mọi lứa tuổi, cả nam và nữ. Tuy nhiên tỷ lệ trẻ em bị mụn cóc thường cao hơn do hay tiếp xúc với môi trường chứa nhiều HPV (nghịch đất, cát, cắn móng tay, không đi giày dép,…).

2. Các loại mụn cóc

Dựa vào khu vực nổi mụn và hình dạng của mụn, mụn cóc được chia làm nhiều loại:

Mụn cóc thông thường: Phát triển ở khu vực bàn tay, ngón tay, xung quanh móng. Mụn thường có hình dạng chấm nhỏ màu đen, sần sùi; thường xuất hiện ở những vùng da bị xước như do cắn móng tay hay cắt tỉa móng tay…

Mụn cóc dạng sợi mảnh: Là những nốt mụn dài và mảnh mọc trên da, thường ở xung quanh mắt, mũi, miệng và phát triển rất nhanh theo cấp số nhân. Đặc biệt với những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDDS, cơ thể bị suy giảm hệ miễn dịch, khả năng chống lại virus gây mụn cóc gần như không có.

Mụn cóc phẳng: Là những nốt mụn nhỏ (kích thước từ 1mm đến 5mm) và ít sần sùi hơn, nhìn và sờ kỹ mới phát hiện được. Mụn cóc dạng này có thể mọc ở bất cứ nơi nào, thường trẻ em bị nổi ngay trên mặt, nữ giới bị nổi ngay trên bàn chân và nam giới bị mọc mụn ở những khu vực mọc râu. Chúng thường lây lan nhanh, nhiều lúc có thể xuất hiện hàng chục nốt trên tay, có khi mọc thành vệt dài gọi là hiện tượng Koebner. Vị trí thường gặp ở lưng bàn tay, cẳng tay, mặt, cổ. Khi mụn cóc đã lây lan nhiều, phải điều trị nhiều lần trong thời gian dài.

Mụn cóc lòng bàn chân: Mụn nhỏ, rộp, sần sùi, có màu tương tự như màu da hoặc đen, nâu, nổi ở gót hoặc lòng bàn chân. Mụn cóc ở lòng bàn chân gây đau khiến việc đi lại gặp khó khăn. Mụn dễ vỡ do chịu lực ép của chân và mặt nền.

Mụn cóc sinh dục: Các nốt mụn nổi ở bộ phận sinh dục, hậu môn. Bệnh lây lan thông qua quan hệ tình dục, tiếp xúc với dịch tiết hoặc vùng da bị nhiễm bệnh. Phụ nữ mang thai có thể lây bệnh cho trẻ sơ sinh khi sinh con.

Mụn cóc: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.

Mụn cóc ở bàn tay.

3. Nguyên nhân bệnh mục cóc

Nguyên nhân gây mụn cóc bao gồm:

HPV xâm nhập vào cơ thể qua các vết trầy xước hay vết rách trên da. Khi vào trong cơ thể, các virus phát triển và kích thích các tế bào trên bề mặt da, gây ra mụn cóc.

Các nhà khoa học đã xác định được hơn 100 chủng (type) virus HPV khác nhau. Hầu hết chúng đều vô hại, không có triệu chứng và tự khỏi mà không cần điều trị.

Có hơn 40 chủng virus HPV có thể gây nhiễm trùng đường sinh dục và hậu môn. Trong số này, 15 chủng HPV nguy cơ cao (đáng ngại nhất là chủng 16 và 18), có khả năng gây ra các bệnh ung thư từ ung thư cổ tử cung, hậu môn đến các bộ phận sinh dục khác. Những chủng ít nguy hiểm hơn có thể gây ra mụn cóc ở bàn tay, bàn chân, mụn cóc sinh dục,… HPV gây mụn cóc ở tay, chân thường do chủng HPV 1,2,4,7,27 hoặc 57 gây ra, mụn cóc sinh dục thường do chủng HPV 6,11… gây ra.

4. Triệu chứng bệnh mục cóc

4.1. Những dấu hiệu của bệnh mụn cóc

Mụn cóc giống như một nốt sần sùi màu da hoặc xám trắng. Hình mụn cóc chúng đôi khi trông giống súp lơ nhiều nhú, có một số loại thì phẳng.

Một số loại mụn cóc rất nhỏ nhưng người bệnh vẫn cảm nhận hoặc nhìn thấy chúng. Đôi khi, mụn cóc sẽ tập hợp thành nhóm, có loại rất lớn có hình dạng giống như thân cây. Hầu hết, các mụn cóc bắt đầu dạng nốt mụn nhỏ, mềm và có khi người bệnh không để ý thấy.

Mụn cóc thường gây khó chịu trên da. Đôi khi mụn cóc gây chảy máu nếu mụn xuất hiện ở trên mặt hay đầu. Mụn cóc bàn chân thường rộp và sưng lên, có thể gây đau và dễ vỡ khi bước đi. Mụn cóc quanh móng chân có thể làm nứt nẻ và đau. Một số trường hợp mụn cóc bàn chân có thể tự biến mất sau nhiều tháng hay nhiều năm, nhưng đa số vẫn tồn tại, phát triển và lây lan trong thời gian dài.

Vì vậy, khi chúng phát triển nhiều, to, đau, chảy máu khi va chạm, làm khó chịu, mất thẩm mỹ thì cần phải điều trị ngay. Mụn cóc là những u sùi lành tính ngoài da, việc điều trị cũng phải lành tính, không gây hại cho bệnh nhân và giảm thiểu tối đa các tác dụng phụ.

4.2. Đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh mụn cóc

Lứa tuổi: Bệnh mụn cóc xuất hiện ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả nam và nữ. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh cao hơn vì môi trường vui chơi của các bé thường chứa nhiều virus HPV như: nghịch đất, cát, thói quen cắn móng tay, không mang giày dép,… Người cao tuổi có hệ miễn dịch suy yếu rất dễ bị nhiễm HPV gây bệnh mụn cóc.

Suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể: Những người có hệ miễn dịch suy yếu như: người bị nhiễm HIV/AIDS hoặc những người đã cấy ghép nội tạng, những người mắc bệnh tự miễn có nguy cơ cao bị mụn cóc.

Thói quen sinh hoạt: Những trường hợp sau tăng nguy cơ bị mụn cóc: Người đi lại bằng chân trần trên các bề mặt ẩm ướt như là phòng tắm và phòng thay đồ công cộng, hoặc các khu vực hồ bơi; Dùng chung khăn tắm, dao cạo râu, và các vật dụng cá nhân khác của người bị mụn cóc; Cắn móng tay hoặc lớp biểu bì; Việc mang giày chật gây ra tình trạng chảy mồ hôi ở chân.

4.3. Mụn cóc có nguy hiểm không? Biến chứng của bệnh mụn cóc

Mụn cóc là bệnh lành tính và không gây nguy hiểm. Đa số mụn cóc sẽ biến mất và không xảy ra bất kỳ vấn đề nào đáng kể sau khi được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, đôi khi mụn cóc vẫn có thể gây ra những triệu chứng nặng khác:

Biến dạng: Những người bệnh có hệ miễn dịch suy yếu, dễ nổi những mụn cóc biến dạng trên tay, mặt và cơ thể.

Nhiễm trùng: Nếu người bệnh tác động đến mụn cóc như cạy, cắt,… hình thành các vết nứt trên da tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, gây nhiễm trùng.

Đau: Thông thường mụn cóc không đau; tuy nhiên mụn cóc lòng bàn chân khiến người bệnh đau đớn khi di chuyển và sẽ cảm thấy như có viên sỏi dưới bàn da chân.

Ung thư: HPV và mụn cóc sinh dục có thể liên quan đến một số bệnh ung thư khác nhau gồm ung thư hậu môn, ung thư cổ tử cung, ung thư vòm họng (hầu họng).

4.4. Chẩn đoán bệnh

Chẩn đoán mụn cóc dựa vào các triệu chứng lâm sàng của mụn cóc gồm: Một vết sưng nhỏ, nổi lên trên da; Kích thước trung bình dao động từ 1- 10mm; Mụn có bề mặt sần sùi hoặc nhẵn nhụi; Mụn cóc xuất hiện đơn lẻ hoặc theo cụm.

Các bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh bằng những thông tin thu thập được từ việc: Kiểm tra các tổn thương; Cắt lấy một phần ở chỗ thương tổn bằng dao mổ và kiểm tra các dấu hiệu xem có chấm đen – mạch máu nhỏ bị vón cục; Cạo sinh thiết và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích (bằng kính hiển vi).

4.5. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu nhận thấy xuất hiện những triệu chứng sau đây, người bệnh cần đi gặp bác sĩ để có phương án điều trị thích hợp trước khi tình trạng bệnh trở nên tệ hơn:

  • Người bệnh nhận thấy có mụn cóc xuất hiện trên mặt, miệng, mũi, thân mình hoặc bộ phận khác trên cơ thể như bộ phận sinh dục.
  • Người bệnh thấy có dấu hiệu chảy máu, nhiễm trùng như có mủ, đóng vảy xung quanh mụn cóc.
  • Mụn cóc khiến người bệnh đau đớn
  • Người bị mụn cóc đi kèm với bệnh khác như tiểu đường, suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS.

5. Bệnh mụn cóc có lây không?

Mụn cóc là bệnh có thể lây truyền qua việc tiếp xúc trực tiếp với da. Mụn cóc thể lây lan từ bộ phận này sang bộ phận khác trên cơ thể người bệnh hay từ người bệnh này sang người khác. Việc cào và nặn mụn có thể làm lây lan mụn cóc. Da ẩm do ngâm nước hay có vết trầy xước, vết cắt thường trở nên dễ bị nhiễm trùng và hình thành mụn cóc. Thông thường, mụn cóc phải qua khoảng vài tháng để phát triển kích thước và xuất hiện trên da nên hầu như không ai phát hiện ra mụn cóc đang mọc trên cơ thể mình.

Bệnh mụn cóc còn có thể lây lan trong các trường hợp sau: Tiếp xúc trực tiếp với mụn cóc; Dùng chung các vật dụng vệ sinh cá nhân như khăn tắm, dao cạo râu… Quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm mụn cóc (mụn cóc sinh dục); Cắn móng tay và cạy lớp biểu bì; Cạo râu.

6. Cách điều trị mụn cóc

Khi bị mụn cóc, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn những phương pháp điều trị phù hợp. Đôi khi, mụn cóc có thể tự biến mất nhưng rất hiếm. Có những trường hợp, người bệnh tự chữa tại nhà và bị biến chứng nặng nề. Dưới đây là các phương pháp trị mụn cóc:

6.1. Điều trị mụn cóc bằng thuốc

Acid salicylic

Acid salicylic là thuốc được lựa chọn điều trị phổ biến. Trước khi thoa acid salicylic, nên ngâm mụn cóc trong nước ấm, lau khô sau đó bôi thuốc trực tiếp lên vị trí tổn thương. Tuyệt đối không để acid lan sang vùng da xung quanh. Không sử dụng acid salicylic cho bệnh nhân đái tháo đường, tim mạch hay mụn cóc nhiễm trùng,… Dùng thuốc đều đặn trong thời gian dài để đạt hiệu quả điều trị.

Thuốc bôi imiquimod (là thuốc trị ung thư da) lên mụn cóc sẽ làm mụn từ từ rụng đi, nhất là mụn cóc phẳng hay mụn cóc vùng sinh dục.

Thuốc bôi podofilox trực tiếp vào mụn cóc khiến mụn rụng đi từ từ.

Thuốc bôi 5-fluorouracil (5-FU) thường được dùng cho điều trị mụn cóc ở trẻ em.

Tiêm thuốc bleomycin (là thuốc hóa trị chữa ung thư) trực tiếp vào mụn cóc. Tiêm thuốc này chỉ dành cho trường hợp mụn cóc không hiệu quả với các cách khác.

Mụn cóc: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Bôi thuốc lên mụn cóc.

6.2. Các phương pháp điều trị mụn cóc

Áp lạnh

Phương pháp áp lạnh trong điều trị mụn cóc phải thực hiện nhiều lần. Mỗi lần, bác sĩ sẽ phun nitơ lỏng vào mụn cóc, lúc này 1 vết phồng rộp sẽ hình thành. Sau 1 thời gian, vết phồng rộp và mụn cóc sẽ tự bong tróc.

Áp lạnh bằng nitơ lỏng có thể gây sẹo, tê, không có cảm giác tạm thời hoặc mất sắc tố da vĩnh viễn. Kỹ thuật này có thể gây đau nên không được dùng để điều trị mụn cóc ở trẻ nhỏ.

Tiểu phẫu cắt bỏ mụn cóc

Phương pháp này áp dụng với mụn cóc có đường kính dưới 2cm, mọc ở vị trí bằng phẳng. Bác sĩ sẽ sử dụng dao mổ để cạo hoặc cắt bỏ mụn cóc.

Đốt điện

Biện pháp đốt bằng dòng điện cao tần được chỉ định với mụn cóc đường kính dưới 1cm, ở vị trí khó tiểu phẫu (kẽ ngón chân, tay…), khó áp dụng biện pháp khác.

Laser

Thường sử dụng laser xung nhuộm hoặc laser carbon dioxide. Phương pháp này áp dụng cho bệnh nhân có mụn cóc nặng nhằm loại bỏ triệt để nốt sần sùi trên da, ngăn chặn quá trình lây lan sang vùng da xung quanh. Kỹ thuật này có thể gây đau và để lại sẹo.

Liệu pháp miễn dịch

Với những mụn cóc cứng đầu, không đáp ứng các phương pháp điều trị phổ biến, liệu pháp miễn dịch sẽ tác động vào virus gây bệnh, cải thiện tình trạng bệnh. Bác sĩ sẽ sử dụng một số hóa chất, chẳng hạn như diphencyprone (DCP) làm mụn cóc biến mất.

7. Cách phòng bệnh mụn cóc

7.1. Chế độ sinh hoạt phù hợp giúp hạn chế sự lây lan của mụn cóc

Để tránh lây nhiễm mụn cóc hoặc khi bị mụn cóc cần tránh lây lan sang vị trí khác và cho người khác, thì cần áp dụng các cách như sau:

  • Không tỉa, cắt hoặc cạo khu vực có mụn để tránh lây lan virus;
  • Không chạm vào mụn cóc của người khác;
  • Không sử dụng cùng dụng cụ móng tay cắt trên mụn cóc rồi sử dụng trên móng tay khỏe mạnh;
  • Không cắn móng tay nếu có mụn gần các móng;
  • Giữ bàn tay khô ráo nhất có thể, vì da ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho mụn cóc phát triển nhiều hơn;
  • Rửa tay cẩn thận sau khi chạm vào mụn cóc;
  • Sử dụng dép tắm và đồ dùng riêng để không lây bệnh cho người xung quanh;
  • Nên chọn giày dép thích hợp, vừa vặn, không chật hay rộng quá;
  • Thay đổi giày và vớ hàng ngày và để giày khô giữa mỗi lần đi. Không nên đi giày hoặc vớ của người khác, kể cả với những người bạn gần gũi;
  • Dùng các miếng đế lót, đệm lót (trong giày dép) ở vị trí có các mụn cóc để giảm đau hay khó chịu.
  • Ngoài ra, có thể dùng đá bọt nhám khi tắm chà lên bề mặt mụn để giảm bớt kích thước và độ sần sùi.

Đặc biệt, hiện nay có một số loại vaccine có thể dùng để phòng ngừa một số chủng virus HPV gây ra mụn cóc sinh dục và ung thư cổ tử cung dành cho phái nữ. Mọi người (ở lứa tuổi phù hợp) nên chủ động tiêm phòng HPV để ngừa nguy cơ nhiễm bệnh.

7.2. Chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể

Người bị bệnh mụn cóc cần có chế độ ăn uống lành mạnh để tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, giảm thiểu sự lây lan của các nốt mụn, giúp mụn mau lành. Người bệnh cần bổ sung trái cây tươi, rau và ngũ cốc. Tập thể dục thường xuyên để duy trì sức khỏe. Nghỉ ngơi đầy đủ nhất là vào buổi tối để thúc đẩy chức năng miễn dịch và phục hồi.


BS. Nông Đức Thông
Khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bưu điện
Ý kiến của bạn