Hà Nội

Mụn cóc - Chữa thế nào?

11-09-2018 13:45 | Dược
google news

SKĐS - Khi bị mụn cóc (mụn cơm) nhiều người đã mách nhau đến với các phương pháp: cạo gọt, bôi acid, thuốc tím, iod nồng độ cao...

Khi bị mụn cóc (mụn cơm) nhiều người đã mách nhau đến với các phương pháp: cạo gọt, bôi acid, thuốc tím, iod nồng độ cao... Đây là những cách điều trị không đúng, bệnh sẽ không khỏi, có khi gây tổn thương làm lây nhiễm thêm bệnh...

Khi bị mụn cóc có thể dùng các thuốc gây hủy mục cóc. Đây là phương pháp đơn giản, có thể dùng tại nhà sau khi thầy thuốc da liễu hướng dẫn và cấp thuốc (đúng loại và nồng độ).

Chấm acid tricloracetic: Acid này là chất tiêu sừng (keratolitic) rất mạnh, thường có nồng độ tương đối cao. Dùng cọ chấm thuốc lên mụn cóc thật khéo, không làm dây thuốc ra vùng da lành xung quanh. Mỗi ngày chỉ chấm lên mụm cóc 1 lần.

Chấm Podophyllum (pasafilin, condyline, podofilox, vartec): Là nhựa cây Podophyllum pelatum Berberidaceae, có chứa độc tố Podophyllotoxin, có tính chống phân bào (chống mụn cóc và một số carcinom), gây kích ứng da và niêm mạc. Thường pha ở nồng độ 3,5 - 30%, tùy theo hàm lượng Podophyllotoxin trong nhựa). Dùng chữa mụn cóc ở gan bàn chân, vùng hậu môn, sinh dục, không dùng chữa mụn cóc trên mặt. Phải bôi rất khéo lên mụn cóc, không làm dây ra vùng da lành xung quanh. Mỗi ngày bôi 2 lần, mỗi đợt bôi khoảng 3 ngày. Chậm nhất là 6 giờ (tính từ sau khi bôi) phải rửa sạnh.

Bôi Collomac (hay collo max): Thuốc dùng ngoài, thành phần gồm: acid lactic, salicylic, polidocanol. Cần bôi rất khéo lên mụn cóc, không làm dây ra vùng da lành xung quanh. Không được dùng thuốc này chữa chàm, mụn cóc có lông ở bộ phận sinh dục hay mụn cóc trên mặt.

Bôi Duofilm: Thuốc dùng ngoài, thành phần cũng gồm: acid lactic, salicylic nhưng có nồng độ cao hơn trong Colomax... Cần bôi rất khéo lên mụn cóc, không làm dây ra vùng da lành xung quanh. Không được dùng thuốc này chữa mụn cóc trên mặt, ở bộ phận sinh dục, chữa vết chai, bớt vùng da, nốt ruồi.

Song song với việc dùng thuốc cần không dùng chung quần áo, khăn mặt nhằm tránh lây nhiễm từ người có mụn cóc vào mình hay lây nhiễm mụn cóc từ mình cho người khác.

Ngoài thuốc còn có các phương pháp khác cũng cho hiệu quả tốt, nhanh nhưng chỉ những tuyến có kỹ thuật cao mới thực hiện được như: Hủy mụn cóc bằng tia laser (chiếu chùm tia laser có cường độ nhất định lên mụn cóc, nhiệt do tia laser phát ra sẽ đốt mụn cóc), chấm azot lỏng, hay tuyết carbonic (phương pháp này cho kết quả chậm hơn và cần phải chấm nhiều lần), đốt điện (hủy được mụn cóc nhanh nhưng lâu lành vết thương. Dĩ nhiên về mặt kỹ thuật là dùng dòng điện có cường độ nhất định chứ không dùng điện bừa bãi).

Không nên dùng thuốc tím có nồng độ cao, các acid vô cơ mạnh vì dễ gây loét cho tổn thương và còn gây loét ra những vùng xung quanh (nếu để dây thuốc). Không được dùng dao sắc, kim nhọn cậy bỏ... vì làm cách này sẽ không sạch, dễ gây nhiễm khuẩn, làm cho virut trên mụn cóc dây ra, lây mụn cóc sang vùng da lành.


DS. Bùi Văn Uy
Ý kiến của bạn