“Có gì không”, “nghe như có mùi”, thậm chí “bán bao nhiêu tiền”… hàng loạt câu hỏi đặt ra từ dư luận khi trận đấu giữa Việt Nam và Malaysia ở bán kết lượt về coi được định đoạt ngay từ hiệp 1. Cũng chẳng trách được khi đến chính ông Chủ tịch VFF còn nghi ngờ cho dù mới hôm trước, ông còn hỉ hả, kề vai sát cánh cùng các tuyển thủ.
Hoảng loạn sau mỗi trận thua
BĐVN đã mất niềm tin quá nghiêm trọng. Đến mức nhìn đâu người ta cũng thấy vi trùng, khi thắng thì không sao nhưng cứ thua là bị nghĩ ngay đến chuyện cá độ, bán độ, nhất là cái cách thua không thể lý giải nổi như ĐTVN đã thể hiện ở trận bán kết lượt về. Giới chuyên môn hiểu chuyện thì bảo các cầu thủ ĐTVN hôm ấy nếu có bán độ thì bán kiểu gì, bán cho ai? Một trận đấu mà nhà cái châu Á trên các trang mạng cá cược bóng đá ra kèo ĐTVN chấp Malaysia đến 3/4 , nghĩa là nếu có “làm banh” thì chỉ cần một kết quả hòa thì họ cũng đã “ăn đủ mâm” chứ ai lại đi giao chiến thắng cho đối thủ ngay từ hiệp 1. Tất nhiên đó chỉ là suy đoán vì như ông Chủ tịch VFF đã phát biểu rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng ngay sau khi kết thúc trận đấu rằng VFF đã nhờ cơ quan chức năng vào cuộc và có tiêu cực hay không, cứ chờ đấy.
Nhiều CĐV đã khóc khi ĐTVN để thua một cách khó hiểu
Khổ nỗi, BĐVN luôn thế, sau mỗi thất bại luôn là sự hoảng loạn, chỉ trích và thậm chí xúc phạm nhau thay vì tìm cách giải quyết vết thương, cải thiện tình hình cho tương lai. Thực tế thì tiêu cực trong bóng đá Việt không phải là không có, khi thực tế đã xảy ra rồi và nếu nghi ngờ thì phải làm quyết liệt. Thế nhưng từ vụ Ninh Bình rồi đến vụ Đồng Nai, sự quyết liệt ấy đến đâu thì ai cũng rõ. Thế nên nghi ngờ, đổi lỗi cũng chỉ là một cái cớ để… né trách nhiệm.
Thái Lan sau 4 kỳ thua liên tiếp, họ đâu chỉ trích, nghi ngờ cầu thủ mình tiêu cực? Singapore hay Malaysia cũng thế, mỗi thất bại của các đội bóng này ai bảo NHM của họ không đau nhưng mấy khi chúng ta nghe họ nghi ngờ cầu thủ mình tiêu cực. Cho dù thực tế là ở cái ao bóng đá ĐNÁ này, tiêu cực đã là vấn nạn nên BTC AFF tại giải này thậm chí còn mời một công ty chuyên giám sát ở Thụy Sĩ giám sát toàn bộ giải đấu… Phải chăng vì cách tiếp nhận thất bại như thế nên đến thời điểm này, Thái Lan, Singapore hay Malaysia luôn thành công hơn ta?!
Chính những nghi ngờ ấy đã xóa sạch những nỗ lực đáng ghi nhận của các cầu thủ U23 ở ASIAD, của các nhân tố trẻ trong màu áo ĐTQG tại AFF Cup này. Chính họ mới là tương lai gần của BĐVN và nếu được tin tưởng, với những gì đã thể hiện, họ có thể là sự hy vọng. Nhưng không, sự nghi ngờ đó đã bóp chết niềm tin ấy.
Thế nên BĐVN cứ mãi hoang mang với một thứ niềm tin rất mong manh, gần như không có. Mà đã không có thì lấy gì để… mất, cũng đừng bảo rằng “mất niềm tin”.
Và “cái chết”... có mùi
Thế nhưng NHM lại hoàn toàn có quyền nghi ngờ rằng đội quân đã thảm bại, đã thua theo cách không ai ngờ tới trên sân nhà ấy… tiêu cực. Bởi không chỉ trận đấu giống như một cơn ác mộng ấy ở Mỹ Đình mà trong quá khứ, bóng đá Việt Nam đã nhiều lần “chết ở cửa thiên đường”. Điểm chung những trận đấu như thế là đều rất khó lý giải về chuyên môn và bắt buộc người ta phải hoang mang.
Trận chung kết Tiger Cup 1998 tại sân Hàng Đẫy, ĐTVN thua 0-1 bởi cái lưng của Sasi Kumar. Đó là trận đấu để lại rất nhiều hồ nghi, đặc biệt là câu chuyện HLV Rided nổi cáu, túm lấy cổ áo của một vài cầu thủ và cả chuyện các cầu thủ suýt nói chuyện bằng tay chân vì nghi lẫn nhau.
Đến chung kết SEA Games 2009, lại một sai lầm nữa và U23 VN gục ngã trước Malaysia. Một bàn thua theo kiểu “tự sát” và những hồ nghi lại xuất hiện bởi sai lầm khó chấp nhận.
Thất bại sốc trước Malaysia ở Mỹ Đình lại là hàng thủ, những pha bóng “tự sát” và bóng ma ám ảnh lại xuất hiện. Thậm chí, đến cả Chủ tịch VFF còn đề nghị công an vào cuộc.
Không biết câu chuyện về 90 phút ác mộng ở Mỹ Đình sẽ đi đến đâu nhưng từ những lần chết tức tưởi ở cửa thiên đường và điểm chung giống nhau là đều “tự sát” khiến người ta không thể không nghĩ và yêu cầu về một lời giải đáp.
Làm rõ để nếu không phải là như thế, cầu thủ cũng thanh thản để không phải sống trong sự nghi hoặc. Và làm rõ để nếu tâm lý, bản lĩnh là điều giết chết chúng ta ở những trận cầu lớn thì cần thẳng thắn đối diện và giải quyết khi nó là vấn đề của một nền bóng đá.
Sao chỉ có thầy trò HLV Miura xin lỗi?
Sau trận thua Malaysia 2-4 và bị đánh bật khỏi trận chung kết một cách đau đớn, bằng những cách khác nhau, thầy trò HLV Toshiya Miura ở ĐTVN đều lên tiếng xin lỗi NHM bóng đá nước nhà.
Chưa biết những lời xin lỗi này của thầy trò HLV Miura có được người yêu bóng đá Việt Nam đón nhận hay không nhưng với hành động này, ít ra ông Miura và học trò đã chứng minh được mình là những người văn minh, có lòng tự trọng.
Khác hẳn với thầy trò ông Miura, những “người lớn” và được xem là có trách nhiệm thì chẳng thấy nói năng gì. Chẳng những thế lại còn quay sang chỉ trích, trách móc và thậm tệ hơn là nghi kỵ “có gì không” và mời cơ quan điều tra vào cuộc.
Khó hiểu thật, chẳng nhẽ thất bại muối mặt vừa rồi của ĐTVN trước Malaysia là lỗi của thầy trò HLV Miura vì họ là những người trực tiếp thi đấu trên sân nên họ phải có trách nhiệm xin lỗi trước NHM, trong khi các chú, các bác không vào sân, không đá bóng nên vô can?
Nói về thất bại của ĐTVN trước Malaysia, trả lời báo chí, Chủ tịch Lê Hùng Dũng thừa nhận: “Thật sự VFF và cá nhân tôi có lỗi khi để xảy ra sự việc như hôm qua. Chúng tôi đã bị men say chiến thắng làm mất tập trung, thiếu cảnh giác…”.
Có lỗi thì phải nhận lỗi bằng một hành động cụ thể chứ không thể nói như “cho có nói” như vậy được. Hành động như thế, thái độ như thế, chả trách…
Bóng đá Việt Nam vẫn là như vậy, xoay quanh một vòng tròn luẩn quẩn và chưa bao giờ tìm ra được một lối ra mang tính đột phá thực sự, từ tư duy cho đến cách làm, từ cơ quan quản lý đầu não cho đến những người làm trực tiếp, kể cả HLV hay cầu thủ.
Và thất bại bẽ bàng tại AFF Cup lần này một lần nữa lại khiến cái vòng ấy thêm rối tít mù mà không biết bắt đầu lại từ đâu.
“Mục tiêu của ĐTVN là lọt vào tới trận chung kết và đã ở rất gần với cơ hội thuận lợi nhưng để vuột mất một cách đáng tiếc, thậm chí là đáng trách. Tới đây, ngành thể thao sẽ cùng VFF tổng kết nghiêm túc để rút ra những bài học, nhất là thất bại ở trận bán kết lượt về mà nếu nhìn ở cả quá trình thì không phải là lần đầu tiên. Chúng tôi cũng yêu cầu VFF làm báo cáo kỹ lưỡng về cả chiến dịch AFF Cup của đội, đặc biệt là trận bán kết lượt về.
Cá nhân tôi cho rằng, thất bại của ĐTVN trước Malaysia ở Mỹ Đình xuất phát từ các lý do chuyên môn. Chúng ta đã đánh giá đối thủ và chính mình không đúng dẫn đến cách tiếp cận sai, phải trả giá đắt khi đối thủ chơi quyết tâm, có sự thay đổi chiến thuật hợp lý, sớm có bàn thắng. Ở đây là cả điểm yếu tâm lý của các cầu thủ, một vấn đề chung của thể thao Việt Nam lâu nay vẫn được xem là một “tử huyệt”, nhất là khi đặt vào tình huống cân não phải vượt qua.
Ngành thể thao đánh giá rất cao khả năng, tâm huyết, sự phù hợp với BĐVN của HLV sau những gì thể hiện, dù mới chỉ sau khoảng thời gian 6 tháng làm việc. Ông thầy người Nhật đã giúp cho các cầu thủ tiến bộ rất nhiều về mặt thể lực, tính chuyên nghiệp và quan trọng hơn là cách làm bài bản với nền tảng lâu dài”.
Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT
Xuyến Chi