Hà Nội

Mũi nhọn điền kinh và bộ ba xe pháo mã

17-05-2015 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ðiền kinh đã trở thành tâm điểm của đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) vừa được thành lập gồm 570 thành viên (392 tuyển thủ của 33 ÐTQG) do Phó Tổng cục TDTT Trần Ðức Phấn làm Trưởng đoàn.

Ðiền kinh đã trở thành tâm điểm của đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) vừa được thành lập gồm 570 thành viên (392 tuyển thủ của 33 ÐTQG) do Phó Tổng cục TDTT Trần Ðức Phấn làm Trưởng đoàn. Với 48 tuyển thủ, mục tiêu của điền kinh Việt Nam nhắm tới là 11-12 HCV, chiếm 1/6 chỉ tiêu của cả đoàn.

Ðiền kinh, bơi, thể dục là chủ lực

Vài kỳ SEA Game hay ASIAD gần đây, điền kinh đều đông quân nhất nhưng chưa bao giờ áp đảo như lần này với 48 tuyển thủ - một con số quá ấn tượng so với tổng số 392 VĐV của cả đoàn. Họ trải ra ở tất cả các nội dung với mục tiêu tối thiểu cũng tranh chấp HCĐ. Riêng chỉ tiêu HCV được đặt ra để phấn đấu là 11-12 chiếc, vượt qua kỳ tích 10 HCV cách đây 2 năm.

Môn điền kinh sẽ gánh vác 11 -12 HCV cho đoàn TTVN tại SEA Games 28.

Dù vắng 2 ngôi sao Vũ Thị Hương (ĐKVĐ 100 - 200m), Phạm Thị Bình (ĐKVĐ marathon nữ), ĐTVN vẫn dư sức vượt thành tích cũ với sự trưởng thành của những tài năng trẻ như Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Huyền (400m, 400m rào) hay các nhân tố mới như Quách Công Lịch (400 và 400m rào), Lê Trọng Hinh (100 - 200m)…

Điền kinh sẽ cùng với 2 bơi và thể dục dụng cụ (TDDC) tạo ra bộ ba xe pháo mã đảm bảo phân nửa chỉ tiêu 60-65 HCV của đoàn. Với siêu kình ngư Ánh Viên, bơi đang tràn đầy tự tin đoạt từ 8 HCV trở lên. Riêng Ánh Viên đủ khả năng đoạt ít nhất 6 HCV. Trong khi đó, theo đánh giá thì TDDC với Hà Thanh và Phước Hưng làm mũi nhọn có thể sẽ mang về hơn từ 2-3 HCV so với định mức 5-6 chiếc như dự kiến.

Chỉ điền kinh, bơi, TDDC sẽ đóng góp cho TTVN không dưới 25 HCV, gần một nửa số HCV mà Đoàn TTVN đề ra.

Màn ra mắt của tuyển thủ Việt kiều Linda Trương

Trong danh sách Đoàn TTVN dự SEA Games 28, Linda Trương chính là tuyển thủ đặc biệt nhất. VĐV có bố mẹ người Hà Nội với tên Việt đầy đủ Trương Mai Nhật Linh này sẽ có màn ra mắt chính thức trong màu áo ĐTQG ở một cuộc đấu quốc tế theo thể thức Đại hội. Kể từ 2006, VĐV thể dục nghệ thuật đang sống cùng gia đình tại Ukraine này đều tự bỏ tiền ra để về nước tham dự giải VĐQG hàng năm và chủ động đăng ký tham dự các cuộc đấu quốc tế với tư cách đại diện cho Việt Nam.

Chính từ sự tâm huyết của Linda Trương, ngành thể thao đã quyết định tái lập lại Đội tuyển Quốc gia thể dục nghệ thuật vốn vắng bóng tại các giải quốc tế từ 2005. Thể dục nghệ thuật cũng là đội tuyển có số lượng VĐV khiêm tốn nhất của đoàn, 2 tuyển thủ (Linda Trương và Trần Thị Thanh Thanh của TP.HCM). Rất tiếc, do Thể dục nghệ thuật chỉ tổ chức 2 nội dung (toàn năng và đồng đội) nên cơ hội tranh chấp huy chương của Linda Trương không cao. Tuy nhiên, sự xuất hiện của VĐV Việt kiều này sẽ tạo ra bước đột phá mới cho TTVN trong việc thu hút, sử dụng nguồn nhân lực là các tài năng thể thao gốc Việt đang ở nước ngoài.

Nhức nhối bóng bàn

Cũng hệt như cách đây 2 năm, bóng bàn lại nổi sóng ngay trước thềm SEA Games 28 xung quanh việc tuyển chọn đội hình chính thức. Bi hài hơn bởi lần này, người viết đơn là tay vợt Đào Duy Hoàng mà giới chuyên môn đánh giá là thua kém hẳn về trình độ với các đồng đội được chọn.

Thế nhưng, chỉ với một lá đơn, 16 tuyển thủ nam, nữ đã phải thi đấu nội bộ để chọn người thắng đi dự SEA Games. ĐTQG ở thời điểm đáng ra phải tập trung chuẩn bị kỹ chiến thuật, nghiên cứu đối thủ lại phải căng sức ra thi đấu phân tài cao thấp - rất vô nghĩa lý.

Một lần nữa lại thấy rõ cách làm tệ hại cùng sự yếu kém của những người có trách nhiệm. Trong tư cách lãnh đạo đội và phụ trách cao nhất về chuyên môn, Trưởng bộ môn kiêm HLV trưởng Nguyễn Đức Long bất lực trong xây dựng, triển khai kế hoạch chuẩn bị của đội cũng như xác định tiêu chí và tuyển chọn lực lượng. Bi hài, ông Long vừa mới lên danh sách dự kiến đã có ngay khiếu nại và không có đủ uy tín, bản lĩnh cần thiết để bảo vệ quyền hạn, trọng trách của mình cũng như các học trò khiến cho cả đội rối tung.

Vụ lùm xùm mới nhất của bóng bàn thực ra cũng chỉ là một minh chứng cho yếu kém của cả hệ thống lâu nay không có giải pháp nào để cứu vãn.

Từ lâu, những đòi hỏi bức bách về việc phải cải tổ mạnh mẽ bóng bàn đã xuất hiện khi liên tục để xảy ra các sự cố với đỉnh điểm là vụ 2 tay vợt đánh nhau tại giải vô địch Đông Nam Á 2013. Lạ ở chỗ, mọi chuyện đâu rồi lại vào đấy. Ông Trưởng bộ môn vẫn tại vị và thậm chí còn làm luôn HLV trưởng ĐTQG.  Ông Tổng thư ký cũng tái cử ở khóa mới của Liên đoàn. Một số tay vợt vi phạm nghiêm trọng vẫn được trọng dụng, không bị xử lý nên tiếp tục trở thành trung tâm của rắc rối.

Rất khó tin bởi có những việc quan trọng cần và có thể làm ngay, lãnh đạo bóng bàn Việt Nam cũng không chịu làm. Đơn cử việc xác lập một tiêu chí tuyển chọn thống nhất trước các giải đấu hay thuê một chuyên gia nước ngoài cho ĐTQG. Nếu như bóng bàn Việt Nam có một chuyên gia ngoại cầm trịch toàn bộ về chuyên môn, chắc hẳn những tranh cãi xung quanh danh sách của đội đã không thể xảy ra.            

* Có 4 môn tham dự SEA Games theo phương thức xã hội hóa là golf, bowling, bóng rổ và bơi nghệ thuật. Lễ xuất quân của đoàn TTVN sẽ diễn ra vào 20h00 ngày 19/5 tới tại Trung tâm HLQG Hà Nội. Dù đưa ra chỉ tiêu từ 60-65 HCV, song về thứ hạng toàn đoàn, lãnh đạo TTVN cũng mới chỉ xác định một vị trí nằm trong tốp đầu với tiêu chí an toàn.

* Khác với thông lệ các kỳ Ðại hội trước luôn tổ chức vào cuối năm, SEA Games 28 do Singapore đăng cai sẽ diễn ra sớm, ngay vào tháng 6 tới. Ðại hội sẽ khai mạc vào 5/6 và kết thúc vào 16/6, gồm 36 môn thi với 402 nội dung thi đấu. Riêng môn bóng đá nam sẽ khởi tranh sớm, vào 28/5. Ðội U23 Việt Nam sẽ đấu trận đầu tiên vòng bảng  với Brunei vào 29/5.

Xuyến Chi

 

 


Ý kiến của bạn