Ngày 14/1, ghi nhận của phóng viên, trong nhiều khu chợ dân sinh ở Hà Nội như khu vực ngã tư Hàng Chiếu - Nguyễn Thiện Thuật, chợ Hôm, chợ Mơ, chợ Nguyễn Đình Chiểu (Hoàn Kiếm, Hà Nội), chợ Hà Đông (Hà Đông)… cây mùi già bắt đầu được một vài tiểu thương bày bán, người mua đông tấp nập.
Chị Nguyễn Thị Hà - tiểu thương chợ Nguyễn Đình Chiểu (Hoàn Kiếm) cho biết, vì Tết Nguyên đán còn hơn 40 ngày nên hiện nay, chỉ có lác đác một vài tiểu thương bày bán mùi già sớm, chủ yếu để đun nước tắm.
Theo chị Hà, khoảng 1 – 2 tuần nữa, chắc chắn, mùi già sẽ "ngập" phố. Năm nào cũng vậy, đến thời điểm cận Tết Nguyên đán, mùi già rất đắt hàng vì loại cây này có mùi hương cay, ấm rất đặc biệt.
Hiện, do đầu mùa đên giá bán mùi giá đắt hơn, dao động từ 15.000 – 25.000 đồng/bó, tùy kích thước.
Cũng theo chị Hà, cây mùi già bán tại Hà Nội chủ yếu được nhập từ các huyện ngoại thành như khu vực xã Kim An (Thanh Oai), Đan Phượng và thường sẽ bán hết trong ngày.
Chị Lê Trần (ở thôn Hoạch An, xã Kim An, huyện Thanh Oai) cho biết, năm nay, trong thôn có khoảng 30 hộ canh tác mùi và chuẩn bị cho thu hoạch, giao cho các tiểu thương ở Hà Nội bán lẻ cho người tiêu dùng.
Theo chị Lê Trần, do thời gian cách Tết Nguyên đán khá nhiều ngày nên chưa nhiều tiểu thương nhập hàng, trong khi đó, có những diện tích canh tác đã đến thời điểm thu hoạch nên người dân đã đun, trưng cất mùi già thành dạng nước cô đặc để đóng vào chai.
Chị Lê Trần cho hay, với mức giá như hiện tại là khá cao nhưng đây là lứa mùi đầu mùa, lại cây già quả nên giá bán sẽ cao hơn so với dịp cuối năm.
Thường bà con sẽ chờ trước tết một, hai tuần mới cắt rồi bán rải rác cho đến tận chiều ngày 30 Tết là hết một mùa.
Thói quen tắm nước lá mùi già vào những ngày kết thúc năm cũ là một nét đẹp văn hóa phổ biến của người Việt Nam.
Cũng bởi là "thức quà" không thể thiếu dịp Tết đến xuân về, không ít người dân đã sử dụng nước mùi già để xông nhà cửa, bao sái ban thờ.