Mục tiêu của Chương trình Sức khỏe Việt Nam

01-03-2019 14:18 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - 3 mục tiêu lớn của chương tình

Giới thiệu Chương trình Sức khỏe Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để thực hiện Nghị quyết Trung ương số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và Nghị quyết Trung ương số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới đi vào cuộc sống; nhằm nâng cao sức khỏe, nâng cao tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống và tuổi thọ người dân, tại Quyết định số 1092/QĐ-TTg ngày 2/9/2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam với những mục tiêu chính như sau: Thứ nhất, bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân, với các nhóm giải pháp: bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường vận động thể lực.

Bộ trưởng Bộ Y tế cùng các đại biểu trong Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Ảnh: TM

Bộ trưởng Bộ Y tế cùng các đại biểu trong Chương trình Sức khỏe Việt Nam. Ảnh: TM

Tiếp đến, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân và cộng đồng để chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sức khỏe nhằm phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng với các nhóm giải pháp: phòng chống tác hại của thuốc lá, phòng chống tác hại của rượu, bia, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

Thứ ba là thực hiện quản lý, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài tại tuyến y tế cơ sở để góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân với các nhóm giải pháp: phát hiện sớm và quản lý một số bệnh không lây nhiễm, chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân tại cộng đồng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, sức khỏe người lao động.

“Hướng đến mục tiêu sức khỏe cho mỗi người dân Việt Nam, để Chương trình Sức khỏe Việt Nam đạt hiệu quả thiết thực, rất cần sự chung tay, góp sức của mỗi người dân và toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị và mọi tổ chức chính trị - xã hội, để từng bước đưa các mục tiêu của chương trình hiện thực hóa và bền vững trong cuộc sống và sức khỏe. Chúng tôi mong muốn và kêu gọi mỗi người dân hãy chủ động, tự nguyện và hiểu biết trong chăm sóc sức khỏe của chính mình, thực hiện các khuyến cáo chăm sóc sức khỏe cho bản thân như đảm bảo dinh dưỡng hợp lý; tăng cường vận động thể lực: đi bộ 10.000 bước mỗi ngày, tập thể dục giữa giờ trong công việc, học tập; không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia; tiêm chủng đầy đủ theo đúng lịch; đặc biệt cần chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm, điều trị sớm, giảm bệnh tật, tử vong, nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống” - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Để Chương trình Sức khỏe Việt Nam được triển khai đồng bộ, đạt được hiệu quả thiết thực và bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chia sẻ cần có sự đầu tư nguồn lực thích đáng, được huy động từ ngân sách nhà nước, từ viện trợ, từ các nhà hảo tâm, doanh nghiệp cũng như sự tham gia, đóng góp của mỗi cá nhân và cộng đồng xã hội. Đồng thời hy vọng Chương trình Sức khỏe Việt Nam sớm trở thành hiện thực, đạt được các mục tiêu đề ra để trong tương lai không xa, người dân Việt Nam có tầm vóc, thể lực, sức khỏe tốt hơn, chất lượng cuộc sống, tuổi thọ cao hơn, góp phần xây dựng đất nước ta phồn vinh, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Việt Nam đã gia nhập nhóm các quốc gia tiên phong về nâng cao sức khỏe

Tại chương trình, TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam khẳng định, với việc khởi động triển khai chương trình này, Việt Nam đã gia nhập nhóm các quốc gia tiên phong về nâng cao sức khỏe, ví dụ như Nhật Bản, Mỹ, Australia, Singapore và Thái Lan, tất cả đều có các chương trình nâng cao sức khỏe dài hạn. Sự khởi động của Chương trình Sức khỏe Việt Nam cũng là một ví dụ về đáp ứng cụ thể của Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. “WHO sẵn sàng tiếp tục phối hợp với Chính phủ Việt Nam nhằm góp phần hỗ trợ thực hiện Chương trình Sức khỏe Việt Nam” - TS. Kidong Park nhấn mạnh.

TS. Kidong Park nêu rõ, trong nhiều chỉ số khác nhau của chương trình, việc toàn dân thực hiện hàng ngày các hành vi nâng cao sức khỏe như chế độ ăn uống hợp lý, hoạt động thể lực đều đặn, không hút thuốc lá và hạn chế tối đa sử dụng rượu bia chính là chìa khóa thành công của Chương trình Sức khỏe Việt Nam.

Với vai trò là đại sứ thiện chí của Chương trình Sức khỏe Việt Nam, ông Park Hang-seo - Huấn luyện viên trưởng Đội tuyển Bóng đá Việt Nam đã chia sẻ những thông tin hữu ích cho người dân về vai trò của việc rèn luyện thể lực, chế độ ăn với phát triển thể lực nói chung và với tập luyện thể thao, bóng đá nói riêng.

Ông Park cho biết, 40 năm trước, Hàn Quốc cũng đang trong bối cảnh tương tự như Việt Nam hôm nay, chúng tôi đã có những cuộc trỗi dậy nhanh chóng về kinh tế để đạt vị thế trong nhóm các nước phát triển như ngày hôm nay. Trong tiến trình này, Hàn Quốc đã luôn luôn chú trọng vai trò nâng cao sức khỏe, đảm bảo nguồn nhân lực có sức khỏe, có chất lượng để duy trì sự tăng trưởng mạnh, bền vững.

“Với cuộc phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam hôm nay, tôi có cảm nhận các bạn đang đi rất đúng hướng. Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn trong những năm qua với mức tăng trưởng kinh tế cao và thành tích xóa đói, giảm nghèo. Với việc phát động Chương trình Sức khỏe Việt Nam, các bạn đã thể hiện sự quan tâm cần thiết để đảm bảo nguồn nhân lực có sức khỏe có chất lượng, để duy trì phát triển kinh tế bền vững” - ông Park Hang-seo nói.

Trong khuôn khổ lễ phát động có nhiều hoạt động ý nghĩa: Màn tập thể dục nâng cao thể lực được phát trực tuyến tới 700 điểm cầu; tư vấn khám sức khỏe, đo huyết áp tối thiểu 6 tháng 1 lần, đo chức năng hô hấp, xét nghiệm đường máu..., diễu hành cổ động toàn dân tham gia hưởng ứng chương trình, tuyên truyền cho người dân quan tâm phát hiện sớm bệnh tật.

Thái Bình
Ý kiến của bạn