Mức thuế 46% đối với Việt Nam của Mỹ gây bất ngờ

03-04-2025 14:43 | Thị trường
google news

SKĐS - Chuyên gia nhận định, mức thuế mà Mỹ vừa công bố có phần gây bất ngờ cho các nhà hoạch định chính sách. Song, Chính phủ cần có các giải pháp để giảm ảnh hưởng từ tình hình thuế quan lên nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam có một số chia sẻ với PV Sức khỏe & Đời sống liên quan vấn đề Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam. Theo đó, quyết định áp thuế mới của Mỹ lần này có phần cứng rắn hơn so với kỳ vọng của giới phân tích. Trước đó, các chuyên gia dự báo mức thuế sẽ dao động trong khoảng 20-30% đối với một số ngành hàng cụ thể, nhưng thực tế nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, phải đối mặt với mức thuế cao hơn dự kiến.

Mức thuế 46% đối với Việt Nam của Mỹ gây bất ngờ- Ảnh 1.

Chuyên gia Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam.

Điều này phản ánh chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Donal Trump theo hướng bảo hộ mạnh mẽ hơn, nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và gây áp lực lên các nước có thặng dư lớn với nền kinh tế Mỹ.

Việt Nam nằm trong nhóm bị ảnh hưởng lớn, bên cạnh các đối tác lớn khác của Mỹ như Trung Quốc, Mexico, và Liên minh châu Âu (EU).

Mức thuế 46% là rất cao và gây bất ngờ, bởi trước đó hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đều có mức thuế thấp hơn nhiều.

Điều này có thể khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn lớn, đặc biệt là các ngành như dệt may, da giày, gỗ, thép và điện tử – những lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ.

Đây cũng có thể là động thái gây áp lực để Việt Nam phải có sự điều chỉnh trong cán cân thương mại, đồng thời đẩy nhanh đàm phán song phương với Mỹ để tìm giải pháp.

Chuyên gia Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, tâm lý nhà đầu tư toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, vì quyết định này có thể làm trầm trọng hơn các căng thẳng thương mại và gia tăng lo ngại về sự bất ổn kinh tế toàn cầu.

Thị trường chứng khoán Mỹ có thể điều chỉnh, đặc biệt là cổ phiếu của các công ty đa quốc gia có chuỗi cung ứng phụ thuộc vào các nước bị áp thuế.

Ở Việt Nam, thị trường chứng khoán có thể phản ứng tiêu cực trong ngắn hạn, với áp lực bán mạnh ở các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, nếu Chính phủ có biện pháp đối phó phù hợp, tâm lý thị trường có thể ổn định dần.

Các nhóm ngành ảnh hưởng mạnh nhất từ việc áp thuế của Mỹ bao gồm: Dệt may, da giày: Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam. Gỗ,  nội thất: Nhiều sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất sang Mỹ, mức thuế cao sẽ ảnh hưởng mạnh đến lợi nhuận. Theo thống kê năm 2024, tỷ lệ xuất khẩu gỗ của Việt Nam tại thị trường Mỹ chiếm đến 56%. Ngành, thép: Ngành này đã từng bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, nay có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Điện tử và linh kiện: Các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử có nguy cơ bị gián đoạn xuất khẩu.

Ngành chịu tác động gián tiếp: Bất động sản khu công nghiệp: Nếu xuất khẩu giảm, nhu cầu mở rộng nhà máy có thể chậm lại, ảnh hưởng đến bất động sản công nghiệp. Ngân hàng: Khi doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn, nợ xấu có thể tăng lên, ảnh hưởng đến ngành ngân hàng. Logistics: Nếu thương mại giảm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng suy giảm theo.

Giải pháp để tháo gỡ, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước khi thuế quan tăng cao, chuyên gia Đỗ Bảo Ngọc đánh giá: Đàm phán với Mỹ - Chính phủ cần có các cuộc đàm phán song phương để tìm cách giảm mức thuế áp dụng, có thể thông qua việc ký kết các thỏa thuận thương mại hoặc cam kết về chính sách tiền tệ và cán cân thương mại.

Một trong những giải pháp để thúc đẩy kinh tế mà nhà nước cần triển khai là đẩy mạnh thị trường nội địa và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Nếu Mỹ siết chặt thương mại, Việt Nam cần tăng cường xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc thông qua các hiệp định thương mại như EVFTA, CPTPP.

Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu: Chính phủ có thể xem xét giảm thuế nội địa, hỗ trợ tín dụng, miễn giảm phí vận chuyển và logistics để giúp doanh nghiệp giảm chi phí.

Thúc đẩy chuỗi cung ứng nội địa: Nếu Mỹ đánh thuế cao vào các mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng sản xuất tại Việt Nam, Việt Nam cần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa để tránh rủi ro bị đánh thuế "né xuất xứ".

Về thị trường chứng khoán, chuyên gia Đỗ Bảo Ngọc khuyên nhà đầu tư không hoảng loạn và bán tháo. Dù thuế suất cao gây khó khăn, nhưng tác động thực sự đến doanh nghiệp cần thời gian để phản ánh vào kết quả kinh doanh.


Minh Tâm
Ý kiến của bạn