Mực tàu có chữa được bệnh giời leo?

20-08-2012 18:08 | Y học cổ truyền
google news

Mực tàu, còn gọi là mực tầu, là một loại mực màu đen được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước phương Đông và một vài nước khác như Ai Cập, Anh... trong quá khứ để viết, in và vẽ.

(SKDS) - Mực tàu, còn gọi là mực tầu, là một loại mực màu đen được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước phương Đông và một vài nước khác như Ai Cập, Anh... trong quá khứ để viết, in và vẽ. Tuy nhiên nguồn gốc chính xác của nó thì cho đến nay vẫn chưa rõ ràng, chỉ biết rằng, các chuyên luận sớm nhất về nghệ thuật có nói đến mực tàu do người Trung Quốc và Ấn Độ cổ đại sản xuất ra. Nền tảng của mực này là chất màu cacbon đen pha trong chất keo lỏng hay các môi trường gắn kết khác. Theo cổ thư Trung Quốc, mực tàu được làm từ muội than của nhựa hoặc gỗ cây thông bị đốt cháy rồi hoà với chất keo và hương liệu. Tuy nhiên, muội than của các dạng gỗ khác nhau cũng được sử dụng và sẽ tạo ra các loại mực có tông màu khác nhau.

Trong các dược thư cổ, mực tàu được gọi bằng nhiều tên khác nhau như ô kim, trần hương, huyền hương...và được dùng làm thuốc với vị cay, tính bình, không độc, vào được các đường kinh Tâm, Can và Thận, có công dụng chỉ huyết (cầm máu) và tiêu thũng (làm hết phù nề), được dùng để chữa các chứng bệnh như thổ huyết (nôn ra máu), nục huyết (chảy máu cam), băng huyết, huyết lỵ (kiết lỵ phân có lẫn máu), ung thũng phát bối (nhọt độc ở vùng gáy, lưng)... Theo sách Cương mục, mực tàu có tác dụng lợi tiểu tiện, điều hoà kinh nguyệt ; sách Khai ngọc bản thảo cho rằng mực tàu có khả năng chỉ huyết, sinh cơ phu; theo sách Bản thảo tái tân, loại mực này có công năng bình can thanh phế, trừ phong nhiệt, chỉ khái thấu, sinh tân giải khát.

 Theo tài liệu cổ mực tàu chữa được nhiều bệnh.

Về cách dùng: nên chọn loại mực để càng lâu thì càng tốt, nếu uống trong thì lấy 1 đến 3 tiền mài uống hoặc tán bột trộn với các vị thuốc khác để làm thuốc hoàn tán, nếu dùng ngoài thì mài với nước để bôi xoa.

Để chữa nôn ra máu nhiều dùng bột mực tàu 2 tiền hoà với nước a giao uống; để chữa chứng chảy máu cam nặng lấy nước mực tầu đặc nhỏ vào lỗ mũi; để trị băng huyết dùng bột mực tầu 1 thìa uống; để chữa chứng xích bạch lỵ (kiết lỵ đi ngoài phân có máu hoặc nhầy mũi) dùng can khương và mực tàu, mỗi thứ 2 lạng hoà với dấm làm thành viên hoàn to bằng hạt ngô đồng, mỗi ngày uống vài lần, mỗi lần 30 viên với nước cơm; để trị nhọt độc ở lưng dùng mực tàu mài với dấm xoa xung quanh tổn thương, ở giữa lấy mật lợn bôi...

Như vậy, có thể thấy, trong y dược học cổ truyền mực tàu được dùng để chữa khá nhiều mặt bệnh khác nhau. Song muốn điều trị an toàn hiệu quả các bài thuốc phải do các bác sĩ, lương y có kinh nghiệm kê đơn. Vừa qua, có nhiều độc giả hỏi mực tàu có chữa được bệnh giời leo không. Tuy nhiên, với những tài liệu, sách vở có dưới tay và tham khảo kinh nghiệm của nhiều lương y, chúng tôi chưa thấy việc dùng mực tàu để chữa bệnh giời leo bao giờ. Có thể đây là kinh nghiệm dân gian của một vài địa phương hoặc lương y nào đó mà chúng tôi chưa biết được. Chúng tôi sẽ cố gắng tiếp tục tìm hiểu và phúc đáp lại độc giả trong thời gian sớm nhất.

   Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn


Ý kiến của bạn