Trước thềm phiên họp, bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, đơn vị đã tiến hành khảo sát về mức sống tối thiểu.
Qua khảo sát, chi phí lương thực thực phẩm đã tăng, nên nếu lương không tăng, cuộc sống của công nhân lao động sẽ gặp khó khăn. Hiện nhiều người lao động có thu nhập không đảm bảo chi tiêu tối thiểu. Vì vậy, không ít người mong muốn được làm thêm giờ. Ngoài ra, còn muốn tìm kiếm một công việc bên ngoài giúp gia tăng thu nhập.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang thảo luận phương án điều chỉnh lương tối thiểu để vừa cải thiện đời sống của người lao động, vừa chia sẻ với doanh nghiệp, giúp ổn định nền kinh tế. "Qua khảo sát, mong muốn của người lao động lương tối thiểu tăng ít nhất 6-8%", bà Lan thông tin.
Trong khi đó, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia, cho biết, đến ngày cuối ngày 8/8, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chưa ký văn bản gửi phương án đề xuất mức tăng cụ thể sang Hội đồng tiền lương quốc gia như các năm trước đây.
Phía đại diện người lao động đã chuẩn bị tất cả số liệu, trong đó có công bố khảo sát tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023; lấy ý kiến của các chuyên gia, cán bộ công đoàn…
Theo ông Lê Đình Quảng, hiện nay, đời sống của người lao động còn nhiều khó khăn, tuy nhiên, doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn. Một trong những yếu tố để thương lượng tiền lương là khả năng chi trả của doanh nghiệp. Vì vậy, phải xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng một cách hài hòa, vừa động viên người lao động, tăng năng suất hiệu quả, vừa phù hợp với khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Liên quan đến ý kiến nhiều doanh nghiệp đề xuất lùi thời điểm tăng lương, ông Quảng cho rằng, đây cũng là nội dung các bên cần lưu tâm trong quá trình đàm phán.
Mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng là thực hiện theo Nghị định 38, có mức tăng 6% so với trước đó, áp dụng từ ngày 1/7/2022.