Mức sinh xuống thấp và hệ lụy đến… đời con cháu

01-12-2021 05:50 | Xã hội
google news

SKĐS - Tác động, hệ lụy của vấn đề dân số rất lâu dài, hàng thập kỷ sau mới thấy. Tương lai của thế hệ con cái chúng ta sẽ được hưởng thành quả trái ngọt hoặc vị đắng chát từ chính sách của chúng ta hôm nay.

Dù nước ta đã duy trì mức sinh thay thế trong 15 năm qua nhưng lại đang phải đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh đáng kể giữa các vùng. Hiện nay, cả nước có 33 tỉnh/thành có mức sinh cao, 21 tỉnh/thành có mức sinh thấp và 9 địa phương đạt mức sinh thay thế.

Trong đó, đáng chú ý, xu hướng không muốn hoặc sinh rất ít con đã xuất hiện ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế phát triển. Một số tỉnh/thành phố tại vùng Đông Nam Bộ, Đồng Bằng Sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung mức sinh xuống thấp, đáng báo động. Trong khi đó, tại những nơi điều kiện kinh tế chưa phát triển, như Bắc Trung bộ, miền núi phía Bắc, mức sinh lại rất cao, có nơi trên 2,5 -2,8 con/phụ nữ.

PGS.TS Nguyễn Đức Vinh, Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cho hay, Việt Nam trong nửa thế kỷ qua trải qua quá độ dân số trong đó mức sinh giảm mạnh từ khoảng trên 5 con/người vào những năm 1970 giảm xuống còn 2 con/người, gần với mức sinh thay thế. Thậm chí ở một số vùng như Đông Nam Bộ mức sinh còn giảm xuống thấp hơn nữa, khoảng 1,5-1,8, thấp hơn cả mức sinh thay thế.

Mức sinh xuống thấp và hệ lụy đến… đời con cháu - Ảnh 1.

Chúng ta được biết những năm 90 trở về trước mức sinh cao, gia đình đông con, phụ nữ và xã hội phải dành rất nhiều thời gian để chăm sóc và nuôi dạy trẻ. Mức sinh quá cao là sự cản trở rất lớn về sự phát triển kinh tế, xã hội. Chính vì thế trong những năm vừa qua Việt Nam đã có những chính sách rất quyết liệt để mức sinh giảm xuống.

Ngược lại, mức sinh thấp, các gia đình có ít con, thậm chí dưới 2 con có nhiều điều kiện, thời gian, thu nhập trung bình sẽ cao hơn, đầu tư cho việc học hành và sự nghiệp sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên, về lâu dài thì lại có tác động tiêu cực, bởi mức sinh quá thấp sẽ dẫn đến tình trạng già hóa dân số quá nhanh, tỷ lệ lao động trong tương lai sẽ giảm sút và tỷ lệ người già sẽ tăng. Rất nhiều vấn đề về an sinh xã hội sẽ phát sinh, thiếu lực lượng lao động, không có nguồn lực chăm sóc người cao tuổi, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội.

Đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam mà là vấn đề của nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Tây Âu... Mức sinh giảm trong thời gian kéo dài dẫn đến nhiều nước thiếu nguồn lực lao động, tốc độ tăng trưởng kinh tế không đáng kể trong những năm qua.

Tuy nhiên, hầu hết những nước này khi mức sinh mới giảm, họ đã trở thành nước phát triển nên họ có sự tích lũy, nên hậu quả không nặng nề lắm. Trong khi, Việt Nam chưa thành nước công nghiệp phát triển, nhưng dân số đã già nên sẽ để lại hậu quả nặng nề về phát triển kinh tế, xã hội.

Đồng quan điểm, ThS Lương Quang Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế cho rằng, tác động, hệ lụy của vấn đề dân số rất lâu dài, hàng thập kỷ sau mới thấy, thậm chí là cả một thế hệ. Tương lai của thế hệ con cái chúng ta được sinh ra hôm nay sẽ được hưởng thành quả trái ngọt hoặc vị đắng chát từ chính sách của chúng ta hôm nay. Ngay cả việc để đạt được mức sinh thay thế chúng ta cũng phải trải qua 3-4 thế hệ sinh đẻ.

Chính bởi vậy, công tác dân số cần sự kiên trì, bền bỉ nhưng rất cần sự quyết liệt ngay từ đầu, ngay từ lúc này. Tất nhiên là tư duy lâu dài, tầm nhìn chiến lược thì ngành, lĩnh vực nào cũng có, nhất là ngành dân số.

Hệ lụy của mức sinh thấp trong dân số được thể hiện ở những điểm lớn sau: Một là sự thiếu hụt nhóm dân số trong độ tuổi lao động trong tương lai; hai là gia tăng tốc độ già hóa, số lượng và tỷ trọng người cao tuổi; ba là làm suy giảm quy mô dân số càng ngày càng nhỏ lại và tăng trưởng âm về dân số.

Đó là đối với dân số, còn chưa nói đến những tác động đối với kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh. Ví dụ, thiếu dân số trong độ tuổi lao động tức là thiếu hụt lực lượng lao động, thiếu hụt lực lượng lao động thì chi phí lao động tăng, chi phí lao động tăng thì tác động đến chính sách thu hút đầu tư, đầu tư nước ngoài, thay đổi chính sách nhập cư để hút lao động nước ngoài. Di cư quốc tế mang theo cả những khác biệt về văn hóa, lối sống, kỷ luật, thậm chí cả những vấn đề về đức tin, sắc tộc. Khi đó lại là các bài toán về quản trị lao động di cư nước ngoài.

Về vấn đề khó khăn, thách thức của già hóa dân số thì chúng ta nói nhiều rồi và ai cũng biết Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh, trước thực trạng mức sinh nước ta đang ở mức thấp, ngày 28 tháng 4 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030 với mục tiêu cụ thể là tăng 10% mức sinh ở tỉnh/thành có mức sinh thấp, giảm 10% mức sinh ở tỉnh/thành có mức sinh cao và duy trì kết quả ở tỉnh/thành mức sinh thay thế.

Ngay sau đó, ngày 05 tháng 6 năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2324/QĐ-BYT về kế hoạch hành động thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong kế hoạch của Bộ Y tế đã nêu rõ các biện pháp can thiệp từ truyền thông vận động, cung cấp dịch vụ đến các chính sách hỗ trợ bà mẹ, trẻ em, gia đình, môi trường làm việc, sinh sống… Nhiều địa phương đã đưa ra những chính sách mới mang tính thí điểm, thăm dò.

Với những chủ trương đường lối và chính sách trên, hy vọng nước ta duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19


T.H
Ý kiến của bạn