Mức sinh thấp ở một số vùng miền, vì đâu nên nỗi?

15-12-2022 17:25 | Xã hội

SKĐS - Ngại sinh con, hoặc sinh chỉ 1 đứa con đang là thực trạng khá phổ biến tại một số thành phố lớn, các khu vực kinh tế phát triển. Nguyên nhân do đâu, vì sao lại có trình trạng này?

Theo quyết định mới nhất của Bộ Y tế công bố danh sách tỉnh, thành phố được phân chia theo các vùng mức sinh thấp, mức sinh cao và mức sinh thay thế. Có tới 21 tỉnh có mức sinh thấp nhất cả nước, gồm: TP.HCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.

Nghịch lý ở nơi có điều kiện kinh tế lại sinh con ít

Trong số các địa phương này thi Tp. Hồ Chí Minh thuộc nhóm có mức sinh thấp nhất. Hiện nay tổng tỉ suất sinh của TP.HCM chỉ là 1,39 con, đang ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế trên toàn quốc là 2,09 con. Tình trạng này không phải là mới, mà diễn ra vài năm trở lại đây. Không chỉ nhiều cặp vợ chồng trẻ không có nhu cầu mà nhiều cặp đôi cũng chưa muốn sinh con đầu dù đã lấy nhau vài năm.

Theo chia sẻ cũng cán bộ dân số thuộc Chi cục Dân số KHHGĐ TP Hồ Chí Minh, khi cán bộ dân số đi vận động người dân sinh đủ 2 con, nhiều cặp vợ chồng đã thẳng thắn cho biết, họ ngại sinh con thứ hai vì áp lực kinh tế, việc làm và nhà ở.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, 31 tuổi ở Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh cho biết, chị đã lấy chồng được 4 năm tuy nhiên chưa muốn sinh con vì lo sẽ không chăm lo được tốt cho con. Nếu sinh con ra thì 1 người phải nghỉ việc ở nhà trông con, chỉ 1 người đi làm nuôi cả gia đình.

"Chúng tôi ở bắc vào nam lập nghiệp, ông bà nội ngoại đều ở bắc nếu sinh con ra cũng không có ông bà trợ giúp, hơn nữa vợ chồng tôi còn đang đi thuê nhà nên hai vợ chồng tính khi nào an cư thì mới tính đến chuyện sinh con. Bây giờ mà sinh thì cả nhà chết đói' - chị Thủy nói.

Cùng suy nghĩ như chị Thủy, chị Nguyễn Thị Điệu ở quận Gò Vấp hiện đang làm nghề tự do chia sẻ quan điểm, chị đã sinh được 1 cháu, năm nay cháu học lớp 5 nhưng vợ chồng chị chưa có ý định sinh thêm đứa thứ 2 vì tập trung nuôi nấng 1 đứa cho đàng hoàng, tạo điều kiện tốt nhất cho con, nếu đẻ thêm thì sẽ rất vất vả, vì kinh tế 2 vợ chồng thuộc diện trung bình chứ không phải khá giả gì. Sinh con và nuôi con ở thành phố tốn kém nên khi chưa vững chắc về tài chính thì không nên sinh thêm.

Trường hợp của chị Thủy và chị Điều hiện nay không phải là hiếm, chúng ta không khó để bắt gặp những tình huống này, họ đều quan niệm, công việc làm không ổn định nên chỉ "dừng lại một con là đủ". Thậm chí, có những cặp vợ chồng kết hôn đã 3-4 năm vẫn chưa sinh con đầu lòng vì chưa có nhà ở, đi làm ở khu công nghiệp bấp bênh, đặc biệt là dịch COVID-19 năm nay đã khiến họ phải nghỉ việc dài ngày.

Mức sinh thấp ở một số vùng miền, vì đâu nên nỗi? - Ảnh 1.

Ở các thành phố lớn mức sinh thấp vì nhiều nguyên nhân, trong đó chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con (ảnh Tư liệu)


Vì đâu nên nỗi?

Mức sinh thấp là một thực tế đáng buồn hiện nay, một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng này ngày càng đáng lo ngại, theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, ĐH Kinh tế Quốc dân là do phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội, bận rộn công việc, muốn dành nhiều thời gian cho bản thân hơn nên không muốn sinh nhiều con, thậm chí không lấy chồng, chỉ kiếm một đứa con để nuôi. Lại có nhiều cặp vợ chồng kinh tế khó khăn, tự thấy không nuôi được 2 con đầy đủ nên chỉ sinh 1 con.

GS.TS Nguyễn Đình Cử cũng chỉ ra rằng nhiều yếu tố kinh tế - xã hội và suy giảm sức khỏe sinh sản đang là nguyên nhân kéo giảm mức sinh đi xuống.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy kinh tế càng phát triển thì mức sinh càng thấp, gia đình càng khá giả, càng đẻ ít con. Điều tra dân số năm 1994 ở độ tuổi 25 trở lên, phụ nữ chưa đi học có số con trung bình gấp 2 lần nhóm phụ nữ có trình độ THPT trở lên.

Đồng quan điểm trên, bác sĩ Vũ Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số, Tổng cục Dân số - KHHGĐ cũng cho hay, xu hướng kết hôn muộn, ly hôn, di dân, kết hôn với người nước ngoài, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa ngày càng cao đã khiến mức sinh thấp tại các vùng kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, tỉ lệ đô thị hóa tăng nhanh cùng với sự phát triển kinh tế dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cũng tăng cao điều nà khiến nhiều người trì hoãn hoặc lựa chọn sinh ít con hoặc không sinh con…

Mức sinh thấp kéo dài để lại những hệ lụy rất lớn cho xã hội như gây ra tình trạng suy giảm quy môn dân số, tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động. Hơn nữa, mức sinh thấp còn đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, gia tăng các dòng di cư do mức sinh thấp, lực lượng lao động thiếu hụt tác động đến các chính sách di cư làm tăng các dòng di cư, thu hút lao động nhập cư…Với những hệ lụy trên mức sinh thấp sẽ kéo theo hậu quả nghiêm trọng đến sự ổn định xã hội phát triển đất nước, làm phát sinh hàng loạt các vấn đề an sinh xã hội, trật tự an ninh quốc phòng…Do đó, cần phải có sự chuẩn bị để ứng phó với tương lai "toàn người già".

Phấn đấu giảm sinh để đạt và duy trì mức sinh thay thếPhấn đấu giảm sinh để đạt và duy trì mức sinh thay thế

SKĐS - Đó là mục tiêu của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và của các tỉnh có mức sinh cao nói chung. Để đạt được mục tiêu này, Thái Nguyên cần có chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm thực hiện thành công các mục tiêu trong công tác dân số của tỉnh, góp phần thực hiện mục tiêu Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.


Thiên Đức
Ý kiến của bạn