Nhiều trường đại học công bố điểm sàn, cao nhất bao nhiêu điểm?
Sau khi Bộ GD&ĐT bố điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường đại học đã thông báo điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển, còn gọi là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Ghi nhận cho thấy, đến thời điểm này (ngày 23/7), Trường Đại học Ngoại thương đang lấy điểm sàn cao nhất là 23,5 điểm, áp dụng tại tất cả cơ sở, ngành và tổ hợp. Nếu không có điểm ưu tiên, trung bình thí sinh phải đạt gần 8 điểm một môn mới đủ điều kiện tham gia xét tuyển. Học viện Ngoại giao và Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội có nhiều ngành lấy điểm sàn từ 23 điểm.
Một số trường đại học có mức điểm sàn 20 như: Đại học Kinh tế quốc dân; Đại học Thương Mại; Học viện Kỹ thuật Mật mã; Trường Quốc tế, Đại học Luật, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội công bố điểm sàn dao động từ 18 - 21,5 điểm, cao nhất là Sư phạm Ngữ văn. Theo mức điểm sàn Đại học Sư phạm Hà Nội công bố, bốn ngành nhận hồ sơ xét tuyển từ 21 điểm là Sư phạm Toán, Tin, Lịch sử và Sư phạm Toán dạy bằng Tiếng Anh. Ngành Sư phạm Vật lý, Hóa học dạy bằng Tiếng Anh cùng lấy mức sàn 20,5. Trong khi đó, Sư phạm Mỹ thuật và Giáo dục thể chất có điểm sàn thấp nhất là 18.
Một số trường đại học, học viện có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào từ 15, 16 điểm là các trường đại học: Hà Nội, Giao thông vận tải, Công thương TP HCM, Hàng không Việt Nam, Công đoàn, Hoa Sen, Gia Định...
Điểm sàn các ngành thuộc khối Sức khỏe thế nào?
Các trường đại học được tự quyết định mức điểm sàn xét tuyển, trừ các ngành thuộc khối Sư phạm và Sức khỏe do Bộ GD&ĐT quy định. Theo đó, điểm sàn xét tuyển ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt là 22,5, cao hơn ba năm qua 0,5 điểm. Hai ngành Y học cổ truyền và Dược học có điểm sàn thấp hơn một chút, ở mức 21. Các ngành khác thuộc nhóm ngành Sức khỏe có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 19 điểm, gồm Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học và Kỹ thuật phục hồi chức năng.
Đối với Trường Đại học Y Hà Nội, dự đoán mức điểm sàn năm nay, PGS.TS Lê Đình Tùng - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo cho biết, dựa vào mức sàn do Bộ GD&ĐT quy định, Trường Đại học Y Hà Nội dự kiến điểm sàn ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt tối thiểu là 23, các ngành còn lại bằng mức Bộ đưa ra.
Về điểm chuẩn, theo PGS.TS Lê Đình Tùng cho biết điểm chuẩn của trường năm nay sẽ tăng nhẹ so với năm ngoái. Trong đó, ngành Y khoa của trường sẽ lấy ít nhất bằng năm ngoái, tức 28,15 hoặc có thể tăng nhẹ một chút. Điểm chuẩn các ngành lấy dưới 26 năm ngoái và các ngành đào tạo tại phân hiệu Thanh Hóa có thể cao hơn năm trước 0,5-1,25.
Hiện nay, toàn bộ phương thức xét tuyển của Trường Đại học Y Hà Nội có 2 phương thức gồm: Phương thức 1 (tuyển thẳng và xét tuyển thẳng) và Phương thức 2 (xét tuyển theo kết quả tốt nghiệp THPT).
Đối với Phương thức 2, áp dụng tổng điểm 3 môn tổ hợp Toán, Hóa , Sinh của khối B00. Ngoài ra, xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ áp dụng đối với 3 ngành bao gồm: ngành Y khoa, ngành Răng - Hàm - Mặt và ngành Điều Dưỡng đào tạo tại cơ sở chính.
Đối với ngành Y khoa và ngành Răng - Hàm - Mặt là chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế bao gồm cả Tiếng Anh và Tiếng Pháp. Trong đó, chứng chỉ Ngoại ngữ của Tiếng Anh tương đương IELTS 6,5 điểm trở lên.
Bên cạnh đó, ngành Điều dưỡng đào tạo theo chương trình quốc tế, chứng chỉ ngoại ngữ của Tiếng Anh tương đương IELTS 5 điểm trở lên.
Riêng đối với ngành Điều dưỡng phân hiệu Thanh Hóa, không đào tạo theo chương trình tiên tiến nên không áp dụng xét tuyển kết hợp chương trình Ngoại ngữ.
Đối với điểm IELTS, Trường Đại học Y Hà Nội quy định rất rõ và chỉ tiêu dành cho 2 phương thức là độc lập với nhau. Với phương thức 1 ngành Y khoa, trường ĐH Y Hà Nội dành 280 chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của 3 môn Toán - Hóa - Sinh. Phương thức 2, dành cho 120 chỉ tiêu áp dụng xét tuyển kết hợp chứng chỉ Ngoại ngữ. Đối với ngành Y khoa và ngành Răng - Hàm - Mặt điểm IELTS từ 6,5 điểm trở lên, điểm Tiếng Pháp - 400 điểm trở lên hoặc DELF B2.
Trường Đại học Y tế công cộng công bố mức điểm sàn năm 2023 từ 15 đến 19,5 điểm.
Trong số 51 ngành tuyển sinh năm nay của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, ngành Y khoa có mức sàn nhận hồ sơ cao nhất với 23 điểm. Ngành Dược học có mức điểm 21 điểm và các ngành Y học dự phòng, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật Phục hồi chức năng có mức điểm là 19 điểm.
Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng cũng vừa công bố ngưỡng điểm sàn năm 2023 dành cho khối ngành Sức khỏe. Theo đó, mức điểm sàn vào các ngành khối sức khỏe của trường này dao động từ 19 - 22,5 điểm. Ngành có điểm sàn cao nhất là Y đa khoa và Răng Hàm Mặt với 22,5 điểm. Các ngành Y học cổ truyền, Dược học có điểm sàn là 21 điểm. Các ngành Kỹ thuật xét nghiệm Y học, Điều Dưỡng - Hộ Sinh, Kỹ thuật phục hồi chức năng có điểm sàn là 19 điểm.
Theo quy định, nay cho đến 17h ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.
Từ ngày 12/8 đến 17h ngày 20/8, các cơ sở đào tạo phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát dữ liệu trên hệ thống, sau đó tải dữ liệu, thông tin xét tuyển để tổ chức xét tuyển nguyện vọng của thí sinh đã đăng ký.
Việc lọc ảo, xử lý nguyện vọng của thí sinh sẽ được thực hiện 6 lần trên hệ thống và kết thúc vào chiều 20/8.
Trước 17h ngày 22/8, các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn đại học 2023 và kết quả xét tuyển.
Thí sinh cần lưu ý để nhận kết quả trúng tuyển và nhập học trên hệ thống theo đúng thời gian quy định.