Mùa...“bắt chồng”

25-02-2015 14:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Trong hôn nhân của các cộng đồng người dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên nói chung, của người Kơ Ho ở Lâm Ðồng - nói riêng từ bao đời nay tồn tại tục “bắt chồng”.

Trong hôn nhân của các cộng đồng người dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây Nguyên nói chung, của người Kơ Ho ở Lâm Ðồng - nói riêng từ bao đời nay tồn tại tục “bắt chồng”. Mùa xuân cũng là mùa cưới rộn ràng của trai gái các tộc người Tây Nguyên; mùa “bắt chồng”của các thiếu nữ Kơ Ho...

Mùa xuân - mùa “bắt chồng”

Theo tục lệ của người Kơ Ho, khi con gái đến tuổi lấy chồng chủ động tìm hiểu người “bạn đời” và tự quyết định hôn nhân của mình. Chẳng biết từ bao giờ, tục bắt chồng trở thành quy tắc, luật tục bất di bất dịch và được truyền từ đời này qua đời khác trong cộng đồng người Kơ Ho ở Lâm Đồng. Theo tục lệ của người Kơ Ho, phụ nữ giữ vai trò trụ cột trong gia đình, quyết định những vấn đề hệ trọng, kể cả việc đi “bắt chồng” về chung sống với mình. Theo quan niệm của người Kơ Ho, con gái quý hơn con trai “con gái là hạt lúa, con trai chỉ là hạt gạo” nên con gái chủ động đi tìm và “bắt chồng”, còn con trai trở thành “dâu” của nhà... gái. Tuy nhiên, nếu không “ưng bụng”, thì người còn trai có quyền từ chối. Và đằng sau việc các “chàng dâu” từ chối người đi bắt mình làm chồng ấy cũng lắm điều nhiêu khê, hệ lụy phiền hà...

Biểu diễn cồng chiêng gắn liền đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.

Mỗi năm, khi cái nắng đầu mùa dát vàng choàng lên những sười đồi chín rực hoa dã quỳ vàng, trai gái trong các buôn làng Tây Nguyên rộn rực bước vào mùa cưới. Mùa yêu đương và mùa “bắt chồng” của thiếu nữ Kơ Ho đúng vào mùa xuân về nên đối với trai gái Kơ Ho, mùa xuân đem về cho họ niềm vui nhân đôi! Cuộc “bắt chồng” của thiếu nữ Kơ Ho thường bắt đầu diễn ra từ tháng giêng đến tháng tư âm lịch hàng năm. Thời điểm này trên những cánh đồng lúa đã gặt xong, thóc vàng được mang về chất đầy kho; những trái cà phê óng mật cuối mùa cũng đã được hái, phơi khô chất trong góc nhà chờ được giá để đổi bán thu tiền. Cùng với niềm vui dân làng mở hội mừng lúa mới, các cô gái chàng trai (đã rảnh rỗi) nên dành cho nhau những cuộc hẹn hò, tình tự...

Già làng K’Ghíu, thôn Đồng Đò, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh (Lâm Đồng) cho biết: “Sau mỗi mùa cà phê, các cô gái đến tuổi cặp kê rủ nhau đi làm đẹp, chỉnh trang thân hình, mua sắm trang phục và rủ nhau đi chơi cùng nhóm bạn trong buôn. Sau một vài lần hẹn hò, trò chuyện với các chàng trai và khi thấy “ưng bụng” người con trai nào đó, người con gái chủ động đòi cha mẹ đến nhà người mình yêu đặt vấn đề “bắt chồng”... Già làng K’Ghíu nhớ lại: Ngày trước trai gái không được tán tỉnh nhau, chỉ cần thấy ưng “cái bụng” anh chàng nào thì nhờ người biết cách ăn nói đến nhà trai hỏi xem họ có đồng ý lấy mình không? Đặc biệt, việc “bắt chồng” phải tiến hành vào ban đêm. Theo lý giải của người Kơ Ho, ban đêm là thời điểm gia đình nhà trai có mặt đầy đủ ở nhà mới nói chuyện được; mặt khác đi “bắt chồng” vào ban đêm để giữ danh dự cho cô gái; bởi nếu lỡ nhà trai không đồng ý (không cho bắt con trai), cô gái cũng đỡ xấu hổ với mọi người...

Nếu những cuộc “bắt chồng” thành công thì đám cưới sẽ diễn ra sau đó, có khi rất linh đình vui vẻ của cả họ hàng, gia tộc và buôn làng. Còn nếu cuộc cầu hôn “bắt chồng” mà “thất bại” thì phía sau nó có thể kéo theo nhiều tục lệ rườm rà tốn kém, những nghi thức phức tạp rắm rối; đặc biệt, tục “thách cưới” rất nặng nề...

Tục lệ “thách cưới”

Dù đã có nhiều thay đổi trong tư duy và lối sống, song trong tục lệ hôn nhân của người Kơ Ho ngày nay vẫn còn rất rườm rà, tốn kém tiền của gia đình có con gái kể cả gia đình có con trai. Không giống như người Kinh, khi bị từ chối việc cầu hôn tỏ ra tự ái bỏ về và thôi luôn, ngược lại người Kơ Ho vẫn hy vọng vào “lần sau” lại đến để thuyết phục nhà trai thêm lần nữa (hoặc nhiều lần). Bởi một quy tắc bất thành văn của người Kơ Ho là người con trai đang trong thời gian có người con gái săn “bắt” về làm chồng sẽ không được để ý đến người con gái khác; đồng thời cũng không cho phép bất cứ người con gái nào khác đặt vấn đề “bắt” người con trai này về làm chồng!

Thiếu nữ Kơ Ho, người quyết định hôn nhân của mình.

Tục “thách cưới” trong hôn nhân của người Kơ Ho thường có hai nguyên nhân: một là khi nhà trai không đồng ý “gả” con thì nhà trai thách cưới rất cao (đặt giá cao) cốt để nhà gái không đủ lễ vật (trâu, bò, lợn, gà, vòng đeo, chumg, chóe, tiền...) mà “rút lui”; hai là “thách cưới” cao để thu nhiều của cải cho gia đình nhà trai và họ hàng nhà trai. Các già làng người Kơ Ho ở huyện Di Linh (Lâm Đồng) cho biết, tục thách cưới của người Kơ Ho - nói riêng, các DTTS ở Tây Nguyên có tự ngàn xưa; nhưng ngày xưa người ta thách cưới chủ yếu theo phong tục. Nếu như trước kia, khi nhà gái đến xin “bắt chồng”, nhà trai thường thách cưới lễ vật là trâu, bò, lợn... ngày nay họ sẽ thách cưới bằng tiền và vàng. Muốn “bắt” được chồng, nhà gái phải có ít nhất hai cây vàng (chưa kể những lễ vật phụ khác). Gần đây, có nhiều thông tin rằng, ở huyện Di Linh, có gia đình người Kơ Ho có con trai đến tuổi được “bắt chồng” đã thách cưới số tiền cả trăm triệu đồng. Nếu chàng trai nào có học hành bằng cấp đàng hoàng thì “giá” càng cao hơn (!). Và, ngoài việc cha mẹ chồng được thách cưới, anh, em, cô, cậu, chú, bác của chàng trai cũng có quyền yêu cầu nhà gái phải tặng cho mình vật phẩm để tỏ sự hiếu thảo...

Còn đối với những cuộc “bắt chồng” không thành công, bị từ chối thì nhà trai coi như đã làm tổn thương danh dự nhà gái, buộc nhà trai phải bồi thường danh dự bằng tiền hoặc đồ vật có giá trị... Một thiếu nữ Ko Ho ở Di Linh tâm sự: “Có nhiều cuộc “bắt chồng” kéo dài đến mấy tháng trời mà vẫn không thành công. Sau những lần “bắt chồng” không thành, gia đình nhà trai tuy không bị mất con nhưng cũng thiệt hại nặng nề về tiền bạc và thời gian...”. Một thực tại đáng buồn xuất phát từ những tục lệ ràng buộc, rườm rà mang “hơi hướng thương mại” này mà nhiều cô gái Kơ Ho sau khi bắt được chồng về rồi thì trâu, bò, lợn, gà, chum chóe... hết sạch; kho chứa lúa, cà phê cũng rỗng không; có gia đình phải đi vay mượn để “nộp” cho nhà trai để rồi phải thiếu nợ kéo dài...

Trước đây, theo phong tục của người Kơ Ho, phụ nữ có quyền lực, được tôn trọng, “có giá” hơn nam giới; nhưng hiện nay, với tập tục thách cưới quá nặng nề, người ta lại cho rằng nam giới (con trai) “cao giá” hơn! Bởi vậy, để vừa tiếp tục giữ chế độ mẫu hệ vừa để “cân bằng” về mặt kinh tế, giờ đây nhiều gia đình người Kơ Ho ở Lâm Đồng muốn sinh cả con gái và con trai!

Phải xóa bỏ hủ tục

Đảng và Nhà nước ta đã có các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương về “thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”; tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan đi ngược xu thế thời đại trở thành “vật cản” trong chiến lược xây dựng và phát triển văn hóa. Luật tục “bắt chồng” tồn tại xưa nay trở thành nét văn hóa đặc trưng của người Kơ Ho ở Lâm Đồng - nói riêng, đối với một số đồng bào DTTS Tây Nguyên nói chung. Song, tục lệ “thách cưới” với những biến tướng mang yếu tố thương mại ít nhiều đã gây ra những hệ lụy nặng nề không thể chấp nhận, cần phải tuyên truyền, vận động xóa bỏ. Có như vậy, đời sống hôn nhân của người Kơ Ho và đồng bào các DTTS Tây Nguyên không trở thành nỗi “ám ảnh” không đáng có; xây dựng đời sống văn minh, lành mạnh phù hợp hài hòa giữa truyền thống văn hóa các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam với đạo đức xã hội...

Bài, ảnh: THANH DƯƠNG HỒNG

 

 


Ý kiến của bạn