Mùa xuân là mùa của hạnh phúc, mùa của cây trái đâm chồi nảy lộc, các loại hoa đua nhau khoe sắc, tỏa hương. Thế nhưng với những người có cơ địa dị ứng thì mùa xuân trở thành “khắc tinh”. Dị ứng phấn hoa, dị ứng với mỹ phẩm, viêm mũi - họng dị ứng... là những bệnh thường gặp mỗi khi xuân về.
Dị ứng phấn hoa: Như đã nói, hoa thường tập trung nở vào mùa xuân và nơi có khí hậu lạnh. Bệnh dị ứng phấn hoa không gây chết người nhưng khiến bạn khó chịu. Phấn hoa bay vào mũi khi ta hít thở không khí, kháng thể chống lại và cơ thể tiết ra histamin. Hóa chất này gây ra những triệu chứng của dị ứng như: mắt bị ngứa, chảy nước mũi, thường xuyên bị hắt hơi, mũi bạn đỏ như một quả cà chua nhìn rất gây cười. Những người bị dị ứng nặng thì có cảm giác nóng bỏng nơi cổ họng, mắt và bệnh nặng hơn vào buổi sáng. Để phòng bệnh dị ứng phấn hoa, trước hết bạn cần vệ sinh nơi ở, có thể trừ bằng cách tránh trồng các loại hoa xung quanh nhà, đeo khẩu trang mỗi khi ra đường vì ngoài phấn hoa thì bụi cũng là tác nhân gây dị ứng. Trong khoảng thời gian này cần tránh tối đa việc đi ra ngoài trời; đóng cửa nhà và cửa xe, dùng máy điều hòa không khí. Nên phơi quần áo trong nhà để tránh phấn hoa vướng vào gây dị ứng. Nếu bạn bị dị ứng nặng, hãy tới bác sĩ chuyên khoa để khám và thử các test nhằm phân loại bạn bị dị ứng phấn hoa nào để được điều trị và dùng thuốc đúng.
Dị ứng mỹ phẩm: Tết đến, mọi người sẽ tự thưởng cho mình những ngày nghỉ ngơi, đi du lịch và thăm viếng bạn bè nhiều hơn, rộng rãi hơn và tất nhiên, nếu bạn trang điểm một chút thì gương mặt sẽ trở nên hồng hào, xinh xắn và quyến rũ. Tuy nhiên, mỹ phẩm là con dao hai lưỡi, nếu như bạn không biết cách sử dụng và dùng nó tùy tiện. Theo các bác sĩ da liễu, “mùa” dị ứng thường là mùa cưới và sau Tết, lúc này bệnh nhân bị dị ứng mỹ phẩm tăng cao với rất nhiều nguyên nhân như làm đẹp cấp tốc (tẩy da trắng, xăm thẩm mỹ), dị ứng với mỹ phẩm trang điểm, nước hoa... mà chủ yếu có nguồn gốc không rõ ràng. Tuy nhiên không phải dùng mỹ phẩm xịn là không bị dị ứng bởi vì vẫn có những ca bệnh bị nhiễm khuẩn da hay bị dị ứng khi dùng mỹ phẩm của các hãng cao cấp do mỹ phẩm đó không thích hợp với cơ địa của bạn hoặc do bạn thiếu hiểu biết về cách sử dụng mỹ phẩm đó. Khi thấy các triệu chứng đau rát, ngứa từ ít chuyển sang nhiều rồi xuất hiện các ban đỏ, mụn nước, da mặt sưng... khi bạn sử dụng mỹ phẩm thì lúc đó có thể bạn đã bị dị ứng. Lúc này, hãy ngưng sử dụng mỹ phẩm đó ngay và tới bác sĩ chuyên khoa da liễu khám, tư vấn và sử dụng thuốc đúng. Để hạn chế bị dị ứng, tốt nhất nên sử dụng các loại mỹ phẩm chính hãng, có xuất xứ rõ ràng và được các chuyên gia tư vấn phù hợp với cơ địa của mình hay không. Đối với những người có cơ địa dị ứng, có tiền sử mắc các bệnh về da như nấm, á sừng, mày đay... thì rất dễ bị dị ứng mỹ phẩm vì thế nên dùng thử vào tay sau 1 ngày nếu vùng da đó không bị kích ứng mới nên thoa vào mặt hay các bộ phận khác. Để hạn chế, bạn không nên dùng mỹ phẩm quá cũ, đã đổi màu hay có mùi lạ; các dụng cụ như chổi phấn, chổi kẻ môi, mắt cũng phải thường xuyên được vệ sinh, lau chùi, giặt để vi khuẩn không phát triển. Dị ứng thực phẩm: vào những ngày Tết, bạn và gia đình thường tổ chức những bữa ăn ngon, với những thực phẩm ngon, lạ mà ngày thường ít sử dụng. Đó cũng là nguyên nhân khiến bạn và gia đình bị dị ứng thực phẩm mà nặng hơn chính là ngộ độc thực phẩm.
Dị ứng thức ăn: Là do dị ứng với một loại protein trong thức ăn đó. Khi vào hệ tiêu hóa, chúng sẽ được vận chuyển vào máu. Nếu cơ thể không thích nghi nó sẽ gây ra dị ứng mà chúng ta gọi là dị ứng thức ăn. Khi có các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, đau bụng, da nổi ban đỏ, khó thở... là bạn đã bị dị ứng thức ăn. Khó có thể loại trừ các thức ăn mà bạn ăn vào bị dị ứng vì có thể với người khác thì không bị nhưng với cơ địa của bạn thì lại mắc phải, chỉ có cách tốt nhất là chính bạn tự loại trừ, không ăn các thực phẩm mà mình bị dị ứng. Theo nghiên cứu thì các loại thực phẩm rất dễ bị dị ứng như hải sản, lạc, sữa, nấm... Đối với trẻ nhỏ, sự thay đổi thực phẩm sớm có thể gây ra dị ứng bởi cơ thể của trẻ không sẵn sàng đồng hóa mọi loại thức ăn. Vì vậy nên chú ý đến các phản ứng nhẹ nhất đầu tiên xuất hiện ở trẻ và nhanh chóng cho trẻ đi khám, bạn sẽ tránh được phần lớn các ca dị ứng nặng hơn. Hãy nói với bác sĩ thành phần thức ăn của con bạn để từ đó bác sĩ có những chẩn đoán và điều trị đúng.
TS. Nguyễn Thu Cúc