Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh

24-01-2021 22:13 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Mùa xuân đầu tiên, là mùa xuân của người Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh không còn chiến tranh, không còn tiếng súng bom, “... với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông, một trưa nắng vui cho bao tâm hồn”, là “...người mẹ nhìn đàn con nay đã về... nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh...”, là hạnh phúc của những người vợ không còn cảnh bồng con chờ chồng như huyền thoại “vọng phu” ngàn đời của nước Việt, “...hạnh phúc trong tay anh đầu tiên, một cuộc tình êm ấm...”.

Để rồi “từ đây người biết quê người, từ đây người biết thương người, từ đây người biết yêu người...”. Một khung cảnh hạnh phúc, giản dị mà êm đềm, ấm áp.

Giai điệu tràn ngập vui tươi trong ca khúc Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Văn Cao lần đầu vào xuân 1976 đã vang lên và cũng từ đó như một giai điệu đẹp báo hiệu mùa xuân về trên TP. Hồ Chí Minh. Ca khúc này suốt 20 năm nay đã như bản nhạc “hiệu” mùa xuân khắp trong Nam ngoài Bắc và mỗi khi giai điệu vang lên là lòng người cũng như bồi hồi. Ca khúc chỉ có 177 từ, nhưng như gói tất cả tình cảm của mọi người trong niềm hạnh phúc của hòa bình, thống nhất, sum họp...

Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh hình như “ăn” Tết sớm nhất, ngay từ Lễ Giáng sinh, Tết Tây, không khí Tết đã tràn ngập. Khí trời hanh heo khô mát như tiếp sức cho các loài hoa, trái ươm nụ, nảy chồi chuẩn bị cho cuộc phô diễn khoe sắc màu xuân, cống hiến vẻ đẹp của thiên nhiên vào không khí Tết. Nhưng “ăn” Tết đầu tiên có lẽ là những cựu chiến binh của thành phố, họ đến với Tết bằng những hồi ức, kỷ niệm, hoài niệm về những ngày chiến trận, binh nghiệp, về những đồng đội còn, mất... từ những cuộc gặp mặt truyền thống từ những ngày cuối năm cũ dương lịch, sang đến gần Tết Nguyên đán. Những thư mời họp mặt được thông tin trên các phương tiện truyền thông, như cánh thiệp đầu xuân của tình đồng đội, đồng chí.

Những ngày này, đường phố Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh ngoài dòng người ngược xuôi với những “mode” thời trang mới lạ, thì chen vào đó có những tốp người, quân phục xanh, hay lễ phục trắng, ngực gắn đầy huân chương, tóc bạc trắng, nhưng nét mặt hồ hởi đi trên phố một cách đường hoàng, đầu ngẩng cao... Họ là những “cựu chiến binh”, những “anh hùng” đã từng gửi lại cả tuổi xuân vì sự nghiệp độc lập, tự do, giải phóng, thống nhất đất nước, góp một phần cho “mùa xuân đầu tiên”, mùa xuân vĩnh cửu trên thành phố mang tên Bác được sống trong hòa bình, hạnh phúc...

Người Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh “ăn” Tết cũng nhiều phong vị hương sắc “lạ”, vừa mang nét truyền thống Việt, vừa có chút lai các nền văn hóa vùng miền khác, vừa có cả phong cách Tây Âu chen vào vài chấm phá từ các quốc gia lân bang khu vực châu Á. Và đó chính là nét đặc trưng của Tết Sài Gòn - xuân TP. Hồ Chí Minh tạo nên sự hấp dẫn, quyến rũ đầy cá tính của thành phố hơn 320 năm này.

Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh 20 năm trở lại đây không chỉ “ăn” Tết mà còn “chơi” Tết. Có lẽ là vì sự du nhập của nhiều luồng văn hóa khác nhau do tính chất địa lý và lịch sử, 3 ngày Tết là 3 ngày mọi người mặc sức vui chơi, ăn uống thoải mái, không phải gò bó trong những tục lệ truyền thống thuần Việt. Những lễ nghi gia đình được thực hiện ngay trong đêm giao thừa, sang tới mùng 1, 2, 3 là ai thích gì chơi đó, ai muốn đi đâu, kể cả đi du lịch xa thì tự nhiên “xuất hành”. Như mọi thành phố lớn khác, sáng mùng 1 Tết, đường phố gần như rất ít người đi. Có một thú vị là phần lớn du khách chơi xuân ở Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh là người của các tỉnh thành lân cận và khách du lịch ngoại quốc.

Tết Sài Gòn - xuân TP. Hồ Chí Minh còn có kiểu du xuân rất khác, là một phong tục đẹp, một kiểu “chơi” xuân mang đậm chất văn hóa tín ngưỡng và văn hóa truyền thống dân tộc. Ngày mùng 1 Tết, gần như mọi người đều xuất hành đầu năm bằng cuộc viếng thăm các chùa trong thành phố, hoặc những ngôi chùa cổ nổi tiếng ở các vùng xung quanh như Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh... Rồi sau đó là đi thăm mộ người thân ở các nghĩa trang, đặc biệt là nghĩa trang liệt sĩ, thắp nhang cho vong linh được ấm cúng, nhất là với những liệt sĩ vô danh.

Ngoài ra, ngày Tết ở thành phố phương Nam này còn có một phong tục cổ của người Hoa, nhưng đã được Việt hóa, từng đoàn lân, sư nhỏ với vài người cầm phèng la, chũm chọe đi tới những nhà mặt tiền trên phố, chúc phúc lộc gia chủ bằng mấy câu thơ, vè dân gian, xua đuổi những xui rủi năm cũ, mang điều may mắn tới... Gia chủ tùy tâm gửi tặng bao lì xì cho lân, sư. Với họ, đó là điều tốt lành trong năm mới, nhất là các gia chủ làm nghề kinh doanh buôn bán.

Mùa xuân Tân Sửu 2021 này là năm thứ 18, đường hoa Nguyễn Huệ trở thành một nét chơi Tết của người Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh. Năm Tân Sửu 2021 lấy chủ đề “TP. Hồ Chí Minh - Văn minh - Hiện đại - Nghĩa tình”, ngoài những sắp đặt các loại kỳ hoa dị thảo của cả nước còn có những hoạt động như trình diễn nghệ thuật cắm hoa, sắp đặt, cắt tỉa rau củ quả nghệ thuật; tổ chức các gian hàng ẩm thực; biểu diễn nghệ thuật phục vụ người dân tham gia sự kiện và một cuộc triển lãm 2.200 phướn chào xuân trên các tuyến đường khu vực trung tâm.

Tết không chỉ là niềm vui của người thành phố, mà kể từ mùa xuân 1975, khi xuân về, là cả nước có niềm vui chung một nước Việt Nam thống nhất, độc lập, tự do, hòa bình. Không mùa xuân nào, kể từ mùa xuân 1976 mà không nhắc đến “mùa xuân đầu tiên”, để khóc, để cười, để hạnh phúc đến trong từng ngôi nhà, để rồi cả Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh cùng nắm chặt tay nhau, đồng lòng, chung sức, đi tới trong niềm tin vào sự  vững mạnh của thành phố, sự trường tồn của đất nước.

Kể từ năm 1975 thì mai - đào là hai loài hoa “chủ” của mùa xuân - Tết, luôn đứng sóng cặp bên nhau, một mạnh mẽ phóng khoáng với màu vàng của nắng gió kết tinh, một mềm mại duyên dáng trong sắc hồng thanh khiết yêu kiều, nét đẹp của thần tiên, như một đôi tình nhân Nam - Bắc gắn kết trong tình yêu tuyệt đẹp. Ðặc biệt, những “mỹ vị” nhân gian của khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam được dịp “sum họp” trong một “mâm cỗ” lớn ngày Tết, với đầy đủ sản vật đa dạng sắc thái hòa quyện như một bản giao hưởng của hương vị trong văn hóa ẩm thực Việt.

Diệu Hà
Ý kiến của bạn