Có được đến đây mởi cảm, mới thấu và mới lại thấy yêu hơn những mảnh đất nhỏ thiêng liêng giữa biển khơi quê mình và lại càng trân trọng, yêu quý hơn những người lính đang ngày đêm canh giữ trên những hòn đảo – một phần máu thịt của tổ quốc. Với tôi được đến đảo Ngọc Vừng gặp gỡ các anh bộ đội đang làm nhiệm vụ trên đảo trong mùa xuân này đã là một niềm hạnh phúc và may mắn hơn rất nhiều đồng nghiệp.
Ngọc Vừng là một hòn đảo xinh đẹp có diện tích 45km vuông. Đảo có vị trí đặc biệt quan trọng bởi chính nơi này, năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng về thăm quân và dân xã đảo với mong muốn xây dựng đảo trở thành đảo giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh.
Một góc đảo Ngọc Vừng nhìn từ hầm pháo
Tiểu đoàn đảo Ngọc Vừng
Đảo Ngọc Vừng được nhìn từ Đồn biên phòng Ngọc Vừng
Chúng tôi mất hơn 2 tiếng để di chuyển từ cảng Cái Rồng đến đảo Ngọc Vừng, mặc dù phải trải qua hành trình dài và chuyển tàu, xe nhưng ai cũng quên hết mệt nhọc bởi tinh thần háo hức sắp được gặp những người lính đảo.
Đón chúng tôi vào một buổi chiều ở đảo đủ nắng, đủ gió và đủ cả hương vị tết riêng của đảo, Đại uý Đỗ Gia Hải, Chính trị viên phó, Tiểu đoàn đảo Ngọc Vừng, Lữ đoàn 242, Quân khu 3 và các chiến sĩ với nụ cười thân thiện tưởng như đón những người bạn cũ lâu ngày gặp lại. Có lẽ cả các anh và chúng tôi đều có chung một cảm nhận, giữa muôn trùng khơi chỉ có gió, có cát và sóng biển ấy nhưng hơi ấm từ đất liền và tình yêu với biển đảo cứ tự nhiên“bắt sóng” đến lạ thường.
Đoàn bác sĩ Hà Nội cùng các chiến sĩ Tiểu đoàn đảo Ngọc Vừng
Đại uý Đỗ Gia Hải cho biết, anh gắn bó với đảo này đã được 9 năm, khi ấy đảo còn chưa có điện, đường đi lại cũng khó khăn thế nhưng giờ đây đã thay đổi rất nhiều. Qua lời anh kể, tôi có thể hiểu được tình quân dân ở đây gắn bó như thế nào, bởi dọc đường đi anh thuộc tên chào hỏi từng người mà chúng tôi gặp. Đại uý Hải cũng là người có “thâm niên” đón tết trên đảo.
Tết trên đảo cũng có bánh chưng, có giò, có thịt, cũng có những buổi liên hoan văn nghệ, trò chơi dân gian, thậm chí “giàu hơn” ở đất liền là có sóng biển, có rừng phi lao hát đêm ngày…nhưng ở đảo vẫn có cái đặc biệt mà tôi gọi là hương vị têt riêng của lính ấy là “luôn sẵn sàng nhiệm vụ”…
Cháu ở đất liền ra thăm chú bộ đội trên đảo Ngọc Vừng
Các cháu học sinh trường PTCS - TH xã Ngọc Vừng tham gia chơi trò chơi cùng chiến sĩ Tiểu đoàn Đảo Ngọc Vừng, Lữ đoàn 242, Quân khu 3
Giáo viên và học sinh Trường PTCS - Tiểu học xã Ngọc Vừng tặng bánh chưng và hoa mai tự làm cho cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn Ngọc Vừng, Lữ đoàn 242, Quân khu 3
Tạm biệt những chiến sĩ của Tiểu đoàn đảo Ngọc Vừng chúng tôi di chuyển đến Đồn biên phòng Ngọc Vừng, vẫn là những cái bắt tay thân thiết, chân thành và mộc mạc đậm chất lính. Trung tá Nguyễn Công Hưng, Chính trị viên phó Đồn biên phòng Ngọc Vừng kể cho chúng tôi nghe về kế hoạch đón tết ở đảo cho chiến sĩ với tinh thần "vui xuân mới, không quên nhiệm vụ”.
Cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Ngọc Vừng, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh
Quà của đảo
Tôi vẫn luôn khẳng định một điều, giữa mênh mông biển cả tình cảm đất liền với đảo luôn nồng ấm yêu thương. Đặc biệt hơn ở buổi gặp gỡ này tình cảm quân – y lại càng thêm bền chặt. Các anh là những người lính mang chiếc áo màu xanh còn chúng tôi là những người chiến sĩ áo trắng, tất cả cùng nỗ lực vì sức khoẻ của nhân dân và vì chủ quyền lãnh thổ cũng như sự bình yêu của cuộc sống. Chẳng thế mà chúng tôi và các anh lần đầu gặp mặt mà "cứ ngỡ như quen từ thủa nào".
Tạm biệt các anh - những người lính đảo, trong mỗi chúng tôi có thêm một trải nghiệm, một nghĩ suy cho riêng mình, có người trầm ngâm, có người khoé mặt như đọng lại những giọt vui khó tả …Xa xa đâu đó đài phát thanh của ngư dân vẳng lên câu hát:
Cho tôi ca bài ca vềngười chiến sĩ nơi tuyến đầu.
Nơi biên cường rừng sâu anh âm thầm chịu đựng gió sương.
Dẫu có những gian lao dẫu có những nhọc nhằn, mang trong trái tim anh trọn niềm tin!
Ghi nhận một một số hình ảnh các chiến sĩ Đồn biên phòng Ngọc Vừng và Tiểu đoàn đảo Ngọc Vừng
Chiến sĩ Tiểu đoàn đảo Ngọc Vừng chăm sóc vườn rau của đơn vị
Vườn rau cải của các chiến sĩ Tiểu đội đảo Ngọc Vừng, Lữ đoàn 242, Quân khu 3
Một góc vường rau của Đồn biên phòng Ngọc Vừng, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh