Những mốc son lịch sử trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc, đặc biệt là từ khi có Đảng, bao giờ cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho các sáng tạo văn chương - nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng...
Vỡ òa niềm vui chiến thắng
Những người có mặt trong cuộc tổng tiến công, tiến vào sào huyệt cuối cùng của Mỹ - ngụy đã chứng kiến một khí thế trào dâng như sóng cồn, thác lũ cuốn phăng đi quân xâm lược và bè lũ tay sai, nên không thể nào giấu nổi niềm hân hoan, vui sướng đến vỡ òa những tiếng cười lẫn trong nước mắt.
Nhà thơ Phạm Tiến Duật là người có mặt trong trận đánh lịch sử vĩ đại ấy đã hòa vào dòng người bất tận tiến vào mặt trận Sài Gòn cách đây gần 40 năm: Khi lên xe ta chưa quen nhau/ Lúc xuống xe ta đã thành bè bạn/ Ta tựa lưng vào bốn năm tấn đạn/ Chúng ta đi đường dài/ Mấy trăm xe và mấy trăm người/ Nhằm mặt trận tiến vào như cơn lốc/ Những trái tim xếp theo hàng dọc/ Suốt đường dài hồi hộp biết bao nhiêu. (Chim Lạc bay).
Ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng giải phóng tiến vào dinh Độc Lập tại thành phố Sài Gòn báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới và tay sai ở miền Nam Việt Nam.
Quả thật đây là bản anh hùng ca chiến thắng có một không hai trong lịch sử dân tộc, đã tạo nên một vẻ đẹp vừa hùng tráng, vừa lãng mạn, chắp cánh cho những vần thơ vút bay cao.
Vốn là một người lính tăng thiết giáp có mặt trong giờ phút huy hoàng này, nhà thơ Hữu Thỉnh đã phác họa thành công không khí chuyển quân rầm rập chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Vừa khắc khoải lo âu, vừa hồi hộp đợi chờ, mong sao nhanh chóng được tiến vào trận đánh cuối cùng: Anh đang ở bên này thành phố/ Cách một mệnh lệnh/ Cách một trận đánh/ Cách một cây cầu/ Cách một đêm nay... (Đường tới thành phố).
Còn nhà thơ Vương Trọng có mặt tại Sài Gòn trong những ngày này đã vẽ nên một cách khá tài hoa khung cảnh ngày chiến thắng: Cắm cờ lên đỉnh cuối cùng/ Tăng về nép dưới bóng rừng nghỉ ngơi/ Cửa tròn vừa mới hé thôi/ Nhô đầu ra, ngập một trời tiếng ve... (Tiếng ve trưa).
Cũng với niềm cảm xúc ấy, nhà thơ Bằng Việt, với tư cách là một phóng viên mặt trận đã bám theo những bước tiến thần tốc của chiến sĩ trong cuộc tổng tiến công mùa xuân năm ấy. Không kìm nén được xúc cảm, anh đã thốt lên những câu thơ mộc mạc mà sâu lắng ngay trong đêm 30/4: Đi giữa phố, khóc cười như trẻ nhỏ/…/ Cái giây phút một đời người mới có/ Thật đây rồi, vẫn cứ nghĩ như mơ.
Bởi thế hệ các anh, những người đã hiến trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, trong đó có nhà thơ, nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền: Ta đã đem cả tuổi hai mươi/ Để đồng cảm, đồng hành cùng dân tộc/ Đường chiến đấu sáng trong như ngọc/ Giờ nếu cần, ta đi lại, thơ ơi.
Nguyễn Trọng Oánh là người từng đi “B dài”, tức là đi theo cách thứ nhất xanh cỏ, thứ nhì đỏ ngực, hoặc hy sinh nơi chiến tuyến, hoặc đến ngày chiến thắng mới trở về, thì còn niềm vui nào sánh được: Nào xin cùng cạn chén đi anh/ Từ trên gác chín tầng ta chào thành phố/ Những binh đoàn ta sáng nay từ bốn ngả/ Đang trở về trong biển tay reo... (TP. Hồ Chí Minh ngày 1/5/1975).
Tỏa lan đến tận hậu phương
Đồng chí Lê Đức Thọ, nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng, trước thời khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc lúc bấy giờ, tuy không có mặt tại chiến trường, nhưng lần đầu tiên đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 2/5/1975, cũng không giấu nổi niềm vui. Tuy bài thơ đậm chất thông tấn, nhưng vẫn có những câu thơ cảm động và mang tính dự báo một tương lai tươi sáng: Quyết xây dựng lại tương lai đất nước/ Cho Tổ quốc ta giàu đẹp gấp ngàn lần/ Không còn những ngày đói khổ gian truân/ Tình ruột thịt Bắc Nam một nhà sum họp/ Lời Bác dặn đã hoàn thành trọn vẹn/ Giờ này đây Bác ngủ hẳn yên lòng/ Trời hôm nay, trong sáng, đẹp vô cùng... (Trận thắng cuối cùng).
Miền Nam yêu dấu của cả nước đã được giải phóng, non sông Việt Nam từ nay rộng dài suốt từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau. Trang sử mới tươi đẹp và huy hoàng của dân tộc được mở ra. Trong không khí hân hoan của giờ phút lịch sử ấy, nhà thơ Tố Hữu đã ghi lại những xúc cảm không thể nào quên: Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp/ Bác Hồ ơi! Toàn thắng về ta/ Chúng con đến, xanh ngời ánh thép/ Thành phố tên Người lộng lẫy cờ hoa/ Cho chúng con giữa Vui này được khóc/ Hôn mỗi đứa em, ôm mỗi mẹ già/ Như lòng Bác, mỗi khi Bác đọc/ Đồng bào miền Nam, mắt kính bỗng nhòa (Toàn thắng về ta).
Thế nhưng có chiến thắng nào mà không mất mát, hy sinh, có vinh quang nào không nếm mùi cay đắng. Bởi bao người lính, người con thân yêu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã vĩnh viễn nằm lại. Nhà thơ Ngô Thế Oanh tưởng nhớ về những đồng đội đã anh dũng ngã xuống không được chứng kiến ngày toàn thắng: Quân phục đẫm mồ hôi bụi đất/ Chiếc bi-đông chuyền tay cứu khát/ Những vòm sao cao vút trên đầu/ Cụm mây trắng tinh di động về đâu/ Đồng đội của tôi, đồng đội của tôi/ Nói gì được nữa đây trong buổi mai toàn thắng... (Khoảng lặng yên tháng tư). Còn với những người được trở về gặp lại người thân ở miền Nam, thì niềm vui như được nhân lên gấp bội, sau bao năm trời xa cách: Chúng con đi mờ khuất dãy Trường Sơn/ Tôi cúi xuống hôn mảnh đất quê hương/ Như hôn người yêu sau ngày xa cách/ Tôi không khóc nhưng bỗng trào nước mắt... (Con đã về với mẹ quê hương).
Các sáng tạo văn chương - nghệ thuật thường rất nhạy cảm trước những biến động lớn của lịch sử dân tộc, nhân loại và của đời sống tinh thần mỗi người. Vì những phút chuyển mình của lịch sử bao giờ cũng đem lại nguồn cảm hứng cho sáng tạo. Tuy nhiên, chỉ có Đại thắng Mùa xuân 1975 mới có một sức hút lớn đến như vậy, quy tụ một đội ngũ hùng hậu các nhà thơ làm nên mốc son của nền thi ca chống Mỹ cứu nước, như một diễn ngôn của thời đại Hồ Chí Minh.
Đỗ Thanh