Mùa xuân của trưởng lão

25-02-2015 15:11 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Cụ Nguyễn Văn Bồng tiếp tôi trong một căn buồng chừng hơn chục mét vuông như cái tổ chim chót vót trên tầng năm ở một ngách của ngõ Xã Ðàn 2 (thuộc quận Ðống Ða, Hà Nội).

Cụ Nguyễn Văn Bồng tiếp tôi trong một căn buồng chừng hơn chục mét vuông như cái tổ chim chót vót trên tầng năm ở một ngách của ngõ Xã Ðàn 2 (thuộc quận Ðống Ða, Hà Nội). Cụ rót từ ấm điện ra cốc thứ nước vàng ươm, thơm nức, bảo: “Ðãi anh đặc sản vườn nhà”. Rồi cụ chỉ tay ra ban công “tổ chim” - nơi có hai cây vối trong hai cái chậu nhỏ đang vươn cao tươi tốt.

Năm nay, dân Hà Nội có “mốt” chơi vối, vặt nắm lá vối tươi trong chậu cảnh nấu nước uống thì thật đã: mát ruột, dễ tiêu. Cụ chủ nhà đến mùa xuân Ất Mùi này đã bước sang tuổi 93, khỏe, minh mẫn lạ thường. Tóc cụ bạc, đôi mày “trường mi quá mục” cũng bạc, da đỏ au, đặc biệt khóe miệng cười tươi, hàm răng còn đều và trắng, cụ đủ đầy nét đẹp như bức chân dung của một bậc đại phúc, đại thọ. Cụ mỉm cười bảo với tôi là trong đời hoạt động của mình, mỗi mùa xuân đều có một dấu ấn đáng nhớ.

Cụ Nguyễn Văn Bồng(áo trắng) cùng em trai đến chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (năm 2002).

Cụ Nguyễn Văn Bồng(áo trắng) cùng em trai đến chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (năm 2002).

Mùa xuân năm Ất Dậu (1945), khởi đầu tuổi đôi mươi, học gần xong tú tài toàn phần, được giác ngộ vào Việt Minh; rồi 18 tháng 8 năm ấy, tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền thành công ở quê Hương Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc); mùa xuân sau nhập ngũ, được cử đi học Trường Cán bộ Việt Nam, sau làm cán bộ huấn luyện Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn từ khóa 1 - năm 1946. Một ngày xuân Đinh Hợi (1947), cụ được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi lên hỏi chuyện, có ý định giữ lại làm thư ký riêng cho Đại tướng. Tiếc quá, năm đó cụ vừa có con trai đầu lòng đặt tên theo nơi sinh ra ở tỉnh Thái Nguyên, Đại tướng bảo con cậu còn bé, xa nhà lúc này thì vất vả cho cô ấy quá, thôi để khi nào có điều kiện mình sẽ gọi. Cụ ở Trường Võ bị hết khóa 3, về Đại đoàn 308, từng tham gia các chiến dịch Hòa Bình, Tây Bắc. Mùa xuân  Giáp Ngọ (1954), đơn vị thắng lớn ở Thượng Lào, chia lửa cho chiến trường trong nước, trước khi vào cuộc quyết chiến chiến lược ở mặt trận Điện Biên Phủ. Rồi xuân Ất Mùi (1955), cụ chuyển ngành; xuân Bính Dần (1986), đang là Phó Giám đốc Học viện Tài chính, cụ có quyết định nghỉ hưu ở tuổi 63.

Cụ nhớ, một ngày cuối tháng 8 Nhâm Ngọ (2002), cùng chú em cũng là cựu chiến binh đến nhà riêng Đại tướng Võ Nguyên Giáp chúc thọ. Năm đó, Đại tướng  92 tuổi (Đại tướng hơn cụ đúng một giáp), Đại tướng hỏi cháu trai sinh ở làng Huyền Tụng giờ làm gì rồi? Trí nhớ Anh Văn thật tuyệt vời! Cụ thưa: Cháu giờ là giáo sư, tiến sĩ vật lý thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội. Anh Văn cười, thế là cùng ngành với Hồng Anh nhà này (GS.TSKH. Võ Hồng Anh - con gái cả của Đại tướng, đầu ngành nghiên cứu về lý thuyết vật lý plasma).

Cụ còn nói: “Tôi là típ người lạc quan. Gặp lúc khó khăn, tôi vẫn lạc quan”. Ấy là chuyện xảy ra trong mùa xuân cách nay đúng một hoa giáp (60 năm), trước thời điểm “sửa sai” không lâu. Cải cách ruộng đất ở quê, gia đình cụ dẫu từ lâu đã được công nhận “địa chủ kháng chiến”, cụ thân sinh từng là chủ tịch ủy ban kháng chiến lâm thời huyện và có 10 người (cả con trai và con dâu) đang trong quân ngũ, vẫn bị đem ra đấu tố. Ở đơn vị, cụ bị nhiều lần thẩm tra, ngoài việc con địa chủ, còn có nghi vấn, hồi tham gia khởi nghĩa Tháng 8/1945 dính líu đến Quốc dân đảng? Cụ bị tạm giam trong trại quân Pháp, vẫn tin tưởng ở sự công minh của tổ chức. Và thủ trưởng cũ của cụ là Thiếu tướng Trần Tử Bình (1907-1967) đã đứng ra bảo vệ đồng chí của mình. Ông nói với người thẩm tra: “Tôi đã ba lần nói với anh là Nguyễn Văn Bồng không liên quan gì đến tổ chức phản động ấy. Tôi là người dìu dắt anh ấy đi theo cách mạng, nếu tôi là Quốc dân đảng thì Bồng mới là Quốc dân đảng!”. Thái độ thẳng thắn, cương quyết của một cán bộ cao cấp của Đảng, quân đội đã cứu sinh mạng chính trị cụ. Đến sửa sai cải cách ruộng đất, quyền Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Bồng được minh oan; cụ thân sinh được Nhà nước tặng bằng Có công với nước và Huân chương Kháng chiến hạng Nhất…

Kìa, hai cây vối của “cụ phúc-thọ” Nguyễn Văn Bồng trồng, mùa này đang nảy rõ nhiều lộc! Lại cái mốc quan trọng nữa sắp đến: đón nhận Huy hiệu 70 tuổi Đảng. Cụ còn có tin vui, cháu đích tôn là tiến sĩ toán học Nguyễn Anh Tú (huy chương bạc Olympic toán quốc tế tại Argentina năm 1997), vừa được nhận danh hiệu giáo sư một trường đại học ở Mỹ.

  Phạm Quang Đẩu

 

 


Ý kiến của bạn