Hà Nội

Mùa xuân của những “tâm tình hiến dâng”

14-01-2021 09:19 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trong mùa xuân này, nhiều người bệnh hiểm nghèo đã được hồi sinh, được sẻ chia niềm vui đầm ấm bên gia đình, người thân. Trong căn nhà nhỏ khiêm nhường, người ta thấy tấm kỷ niệm chương “Vì sức khoẻ nhân dân” được đặt trang trọng bên cạnh tấm di ảnh…

“Mẹ muốn thay con làm một việc có ý nghĩa”

Ngày giáp Tết Nguyên đán 2021, căn nhà của bà Phạm Thị Mai (63 tuổi, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) đón nhiều người thân và xóm giềng ghé đến. Trước sự chứng kiến của nhiều người, bà xúc động đón nhận tấm Kỷ niệm chương “Vì sức khoẻ nhân dân” do Bộ Y tế trao tặng, rồi trang trọng đặt lên bên cạnh tấm di ảnh của người con trai trẻ tuổi. Anh N.H.Q. (SN 1991, con trai thứ 4 của bà Mai) không may qua đời do tai nạn giao thông, gia đình đã quyết định hiến tạng để cứu sống 4 người khác đang trong sự mong manh của “sinh - tử”.

Nhớ lại khoảnh khắc đưa ra quyết định đó, hai mắt bà Mai nhoè lệ, kể, anh Q. làm thợ cầu đường, ngày 2/12/2019, trên trường từ công trường trở về nhà thì bị tai nạn giao thông, được đưa vào Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu. Bước thấp bước cao khấp khởi chạy đến bệnh viện, bà hay tin Q. bị chấn thương sọ não, chết não, bà khuỵ xuống, xót xa. Ngày thứ 3 cầm cự ở bệnh viện, chứng kiến hơi thở của con càng lúc càng yếu dần, bà lại nhớ đến lúc sinh thời của con, là người hiếu thảo với cha mẹ, thơm thảo với mọi người, bà khấn nguyện trong lòng “mẹ muốn thay con làm một việc có ý nghĩa, con có nguyện ý thì ủng hộ mẹ…”, rồi gạt nước mắt bàn với những người con còn lại về việc hiến tạng cứu người, giúp đời.

BS.CK2 Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (ngoài cùng bên phải) thay mặt Bộ Y tế trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sức khoẻ nhân dân” cho gia đình bà Phạm Thị Mai. Ảnh: H.T

Bà chủ động đề nghị với các bác sĩ tại Bệnh viện Bà Rịa về việc hiến tạng của con cứu những người bệnh ngặt nghèo khác, các bác sĩ đã nhanh chóng liên hệ với Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngay sau đó, chuyến xe gồm các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu, Hồi sức ngoại thần kinh, Đơn vị điều phối và nhân viên xét nghiệm của Bệnh viện Chợ Rẫy đã tốc hành về Bệnh viện Bà Rịa. Kết quả hồi sức, điều trị cho người bệnh không có tiến triển, chẩn đoán chết não được xác định, đơn vị đã thực hiện các thủ tục để hoàn thành nguyện vọng của người bệnh và gia đình.

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu - Trưởng đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh nhân thuộc nhóm AB - nhóm máu hiếm. Trong danh sách chờ của Bệnh viện Chợ Rẫy không có trường hợp suy gan, tim nhóm máu AB, đơn vị đã xin ý kiến của gia đình thông tin ra Trung tâm điều phối quốc gia. Kết quả tìm được 1 người bệnh ở Thừa Thiên - Huế và 1 bệnh nhân ở Bệnh viện 108 phù hợp để nhận tạng. Bên cạnh đó trong danh sách chờ của bệnh viện Chợ Rẫy có 4 bệnh nhân suy thận nhóm máu AB, các bác sĩ đã chọn 2 bệnh nhân phù hợp nhất để nhận thận hiến. 4 người bệnh đều đã được phẫu thuật ghép thành công, sự sống đã nảy mầm.

Lan toả năng lượng của tình yêu thương

Bà Mai là Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh, Chi hội trưởng Hội Thanh niên xung phong xã Bàu Lâm và xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, cũng là người có nhiều năm hoạt động trong công tác xã hội tại địa phương. Hơn 10 năm trước bà đã xúc động với những nghĩa cử hiến tạng cứu người. Bà đã căn dặn các con giúp bà thực hiện tâm nguyện hiến tạng sau khi qua đời. Sau khi con trai đột ngột “ra đi”, hiến tạng cứu được 4 người khác, bà cảm nhận thấy con trai của bà như đang còn hiện hữu đâu đây, làm những điều tốt đẹp cho cuộc đời. Còn bà vẫn kiên định với nguyện vọng hiến một phần thân thể để cứu sống những mảnh đời bất hạnh khác.

Con trai hiến tạng cứu sống 4 người khác, bà Mai cảm nhận thấy như con của bà vẫn còn hiện hữu đâu đó là làm những việc có ích cho cuộc đời. Ảnh: H.T

“Tôi đã căn dặn các con “hiến tạng cứu người là tâm nguyện của mẹ, sau này mẹ qua đời, các con hãy giúp mẹ hoàn thành tâm nguyện”. Vừa rồi, có nhiều người cũng hỏi tôi về ý nghĩa của việc hiến tạng và các thủ tục cần thiết. Tôi chia sẻ hết những điều mình nghĩ và trải qua với mọi người để mong họ thay đổi định kiến “chết phải toàn thây”, trong khi đó có nhiều người bệnh khổ đau rất cần giúp đỡ. Mình giúp được gì cho người, cho đời thì nên giúp, nhân rộng tình yêu thương…”- Bà Mai vừa nói vừa nở nụ cười hiền từ.

Ở huyện Bình Chánh, TP.HCM, sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo có một căn nhà cấp 4 giản dị. Chị Phan Thị Chi (40 tuổi) và chồng là anh Dương Văn Tới (42 tuổi) đang tất bật sửa soạn mâm cơm để đặt trên ban thờ của con trai (anh D.V.C. SN 2000).

Anh C. bị chấn thương sọ não, chết não do tai nạn giao thông vào ngày 7/3/2020, gia đình đã nén nỗi đau mất mát và quyết định hiến tạng để cứu người, trong đó tim và gan được ghép cho 2 bệnh nhân ở Bệnh viện Việt Đức, 2 thận và 1 giác mạc được ghép cho 3 bệnh nhân ở Bệnh viện Chợ Rẫy, 1 giác mạc được chuyển đến Ngân hàng Mắt của Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM. Tổng cộng có 6 người bệnh đã được ghép tạng, thắp lên hy vọng sống.

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu trao Kỷ niệm chương Vì sức khoẻ nhân dân đến với gia đình anh D.V.C. - người hiến tạng cứu sống 6 người bệnh suy tạng khác. Ảnh: H.T

Chị Chi kể trong nghẹn ngào: “Lúc còn sống, C. rất chăm chỉ, hiếu thảo, thường phụ giúp cha mẹ, giúp đỡ hàng xóm xung quanh. Nó đánh đàn cũng rất hay… nhưng chưa thực hiện được ước mơ thì gặp nạn”. Người mẹ lau nước mắt, nói từng câu đứt đoạn không nên lời với mong muốn những người nhận tạng sẽ trân trọng món quà của con, tiếp tục thực hiện những ước mơ của họ đang còn giang dở…

Chị Điệp - người bạn thân thiết của gia đình chị Chi cũng là người động viên gia đình hiến tạng để cứu người đã không kìm được nước mắt, chị kể: “sau khi gia đình hiến tạng C. và cứu sống 6 người đã lan toả và nhân rộng tình yêu thương trong xã hội, rất nhiều bạn bè của C. đã tìm đến bệnh viện để thăm C. và trực tiếp đăng ký hiến tạng sau khi qua đời. Bản thân tôi cũng đã đăng ký hiến tạng ngay lúc đó. Nhiều người bệnh sẽ có cơ hội được sống hơn”.

Giải oan cho người hiến tạng

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu cho biết, Kỷ niệm chương “Vì sức khoẻ nhân dân” mang một ý nghĩa đặc biệt đối với gia đình có người hiến tạng. Trên thực tế có rất nhiều gia đình bị hàm oan, điều tiếng không hay như buôn bán tạng, thì kỷ niệm chương và buổi lễ trao tặng là minh chứng cho nghĩa cử cao đẹp, giúp họ giải hàm oan và động viên tinh thần. Nhiều gia đình đã vững tin hơn, thoát khỏi cảnh trầm cảm do những điều tiếng không hay.

“Hiện nay, cộng đồng đã cởi mở hơn với việc hiến tạng, số lượng người đăng ký hiến tạng sau khi qua đời đã ngày càng tăng lên đây là tín hiệu vui mừng. Nhiệm vụ của ngành y tế là phải xây dựng cơ cấu tổ chức sao cho hoàn thiện và chặt chẽ hơn nữa để tiếp nhận được tất cả mọi trường hợp, số người hiến nhiều hơn, cơ quan tạng nhận nhiều hơn, nhiều người bệnh ngặt nghèo được cứu sống hơn”- TS.BS Dư Thị Ngọc Thu nhấn mạnh.


Hoài Thương
Ý kiến của bạn