Hà Nội

Mùa Xuân của lòng người

18-02-2018 10:09 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nắng ấm mùa Xuân đã ngập tràn trên cánh đồng. Màu lúa xanh tươi đến cuối tầm mắt. Những bờ thửa bờ vùng ngang dọc làm cho cánh đồng muôn thuở của làng quê tôi hiện lên như một bàn cờ khổng lồ trong màu sắc mới rất hiện đại của thời kỳ công nghiệp hóa.

Xe ôtô vận tải cỡ nhỏ của một nông dân nào đó vừa chạy qua, trên xe chở hàng tấn lợn, những con lợn hơn 1 tạ vừa xuất chuồng, chuồng trại ở ngay giữa cánh đồng làng, bên cạnh những cái chuôm lớn thả cá.

Quê tôi cũng là quê hương làng nghề truyền thống, nhà nhà làm hương, hương phơi trên sân như những bông hoa lạ, không gian thơm phức, các cửa hàng ăn uống, các cửa hàng tạp hóa… tiếp tục phát triển, tiếng hát của các quán karaoke với dàn nhạc nhẹ trong các buổi chiều, các ngày nghỉ việc đồng áng… rồi đại lý bán vé máy bay, bán vé xe liên tuyến Bắc Nam… tất cả rộn ràng và năng động như một thị tứ, làm cho cơ cấu kinh tế về dịch vụ tăng lên, góp phần đưa tăng trưởng kinh tế toàn xã lên 10% năm. Theo báo cáo trình trước Hội đồng nhân dân xã dịp tổng kết cuối năm vừa rồi, tổng thu nhập xã hội là non 300 tỉ đồng, bình quân tính theo đầu người là 37 triệu đồng 1 người 1 năm. Việc xóa đói giảm nghèo như vậy là đã đạt kết quả bền vững. Nông dân ra đồng trên những chiếc xe máy mua hơn chục triệu, mặc áo màu đỏ hoặc xanh như đi dự một ngày vui nào. Đây là vùng đất đồng quê của Hạt gạo làng ta, nhưng những người nông dân, thời “cua ngoi lên bờ/mẹ em xuống cấy” cũng không thế nào hình dung được những hình ảnh của chính mình mấy chục năm trước, khi “anh chủ nhiệm rũ rơm/chị dân quân đập lúa” trên những chiếc cối đá thủng ở giữa sân kho, mà những thước phim của Đoàn Truyền hình Cộng sản Pháp quay ngày nào về làng quê này, hiện vẫn đang trình chiếu hằng ngày trên Bảo tàng Văn học Việt Nam, tại quận Tây Hồ, Hà Nội.

Năm 2017 được ghi nhận với hai sự tích thật đẹp. Cùng một lúc, xã Quốc Tuấn (Nam Sách, Hải Dương) quê hương tôi, đón nhận Bằng công nhận xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới và Bằng công nhận xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế. Nghĩa là cùng với cải thiện điều kiện sống tốt đẹp hơn của toàn thể xã hội, thì sức khỏe của nhân dân cũng được chăm sóc đầy đủ hơn theo tiêu chí Quốc gia.  Trạm y tế của xã cũng được phát triển hơn, có thêm các điều kiện cần thiết để phòng và chữa bệnh ban đầu cho mọi người dân trong xã. Thiết nghĩ không có gì làm người dân phấn khởi hơn thế và yên tâm hơn thế, khi làm ăn sinh sống trên mảnh đất của cha ông, với những đảm bảo an sinh mà thời cha ông có mơ cũng không thể hình dung nổi. Đây chính là mùa xuân của lòng người, một mùa xuân diễn ra không có mùa, nghĩa là quanh năm. Lòng dân yên thì xã hội ổn định và phồn thịnh, thế nước vững bền và có vị thế quốc tế cao hơn khi hội nhập với thế giới. Điều ấy là rất then chốt trong nếp nghĩ hiện nay của tất cả chúng ta.

Trong ngày Lễ tưng bừng của toàn xã, mừng đón hai sự kiện văn hóa và lịch sử trên, hằng trăm người con xa quê hương đã lần lượt về dự, trong đó có các anh hùng, nhà doanh nghiệp, những nhà thơ nhà báo nổi tiếng, nhưng công nhân, cán bộ và chiến sĩ công an, quân đội, những cán bộ các cấp đang tại chức hay đã hưu, tất cả hòa cùng trong một niềm vui hân hoan cho sự tăng trưởng trên quê hương mình, để chính mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình, thành mảnh đất đáng yêu, đáng sống hơn bất cứ nơi nào khác.

Tôi cũng có mặt trong số các bạn xa quê đó và thêm một lần, cùng các bạn bè và đồng chí của mình nhận ra rằng, qua các nhiệm kỳ của Đại hội Đảng, chúng ta đã xác định được hướng đi đúng, đúng trong chiến lược và đúng trong từng bước đi, để biến những kỳ vọng từ các trang nghị quyết hiện lên thành đời sống; chúng ta đã có một nhân dân tuyệt vời, đã từng hy sinh anh dũng trong sự nghiệp cứu nước và bây giờ cần cù lao động, lại tiếp tục hy sinh, một loại hy sinh khác, có vẻ giản dị hơn, nhưng không kém phần quả cảm, đó là hy sinh một phần đất của tổ tiên để lại cho gia đình mình. Có người bỏ ra đến hàng chục, hàng trăm mét vuông đất vườn màu mỡ, nộp cho làng xã, mà không nhận tiền bồi thường, để đường chạy qua các thôn mở ra thênh thang, cho mọi người đi lại thoáng đãng, cho  xe con, xe  to có thể chạy qua và thậm chí có thể tránh được nhau. Và cuối cùng, cũng là rất then chốt, chúng ta có một đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ, đoàn kết, siêng năng, cùng với nhân dân lo toan, vun đắp, để quê hương vượt lên, thời kỳ sau cao hơn thời kỳ trước. Và thời kỳ sau cũng là nối tiếp và phát huy thành quả của thời kỳ trước, trong một mạch truyền thống nối dài từ nhiều năm trước tới những năm sau.

Tôi đã nhiều lần đi qua đi lại trong khu đô thị mới Thanh Quang - Quốc Tuấn, đi để ngắm những biệt thự, những cửa hàng chăn ga gối đệm, những cửa hàng bán phụ tùng xe máy, ôtô…, những nhà cao tầng đang xây dựng mà các mẫu kiến trúc vẫn thường thấy ở Pháp, ở Nga, hoặc quen thuộc hơn là ở Nha Trang, Đà Lạt... mà hình dung những mở mang cơ nghiệp cho các thế hệ con cháu. Thực ra những kiến trúc đẹp mắt như thế cũng không còn mới nữa. Trong từng ngõ xóm của làng tôi, liên tiếp những ngôi nhà tương tự như thế đã và đang được dựng lên, khiến nhiều con em đi lao động và học tập ở nước ngoài trở về, đã phải hỏi thăm người đi đường: nhà mình ở đâu, khi đứng ngay trước cổng ngõ nhà mình. Câu thơ quen thuộc xưa: “Mái gianh ơi hỡi mái gianh/ngấm bao mưa nắng mà thành quê hương”… chỉ còn trong ký ức của những người 60, 70 tuổi. Tôi cũng đã nhiều lần đứng ở sân vận động của xã, khánh thành từ mấy tháng trước, ở ngay cạnh làng tôi, nơi các bạn trẻ hằng ngày đến luyện tập thể thao và những đêm văn nghệ liên hoan ca hát của quần chúng, của các đội văn nghệ không chuyên ở các câu lạc bộ thôn làng và cũng tại đây đã diễn ra những đêm diễn của các đoàn văn công chuyên nghiệp, người xem rất đông, đủ các thế hệ…

Mùa Xuân của mỗi đời người là tuổi trẻ. Mùa xuân của xã hội tương lai là những hào hứng vươn tới của các thế hệ học sinh và sinh viên các cấp. Tôi rất vui trước những thành tựu ngày càng lớn hơn của 3 trường, trường mầm non và 2 trường cấp tiểu học và trung học cơ sở của quê hương tôi. Tổng kết năm 2017, cả 3 trường  của xã đều đạt danh hiệu trường Tiên tiến, tiếp tục giữ vững danh hiệu Trường Chuẩn Quốc gia. Có một môi trường giáo dục tốt đẹp với thành quả cao và đáng tin cậy như vậy, chúng ta có cơ sở để hy vọng, các cháu học sinh ở các trường này sẽ được đào tạo toàn diện chu đáo.  Nhiều em học sinh, sinh viên, đã ra đi từ làng quê tôi, mà đến với các trường đại học ở trong nước và ở nước ngoài, hy vọng sẽ phát triển thành các tài năng, sau này cống hiến mọi sáng tạo cho đất nước.


Nhà thơ Trần Nhuận Minh
Ý kiến của bạn