Mùa xuân châu Âu đang về…
Còn nhớ ngày lịch sử 1 năm trước đây, người ta đã ví cuộc rời bỏ Liên minh châu Âu (EU) của Anh như một thảm họa toàn cầu, làm đảo lộn trật tự thế giới hay một cuộc ra đi “chưa từng có tiền lệ”, nhiều người lo ngại về cả một sự sụp đổ của khối. Nhưng sau 1 năm, ngày càng có nhiều người ở EU lạc quan về tương lai của Liên minh.
Niềm tin châu Âu đã trở lại
Theo cuộc khảo sát “Tương lai châu Âu – Các quan điểm từ bên ngoài” nhằm đo lường mức độ ủng hộ của người dân về tương lai của EU, đa số người châu Âu đều bày tỏ sự lạc quan về nền kinh tế của họ. Sự lạc quan và niềm tin vào EU đang tăng lên – đạt mức cao nhất kể từ năm 2010. Cuộc khảo sát còn hỏi cả những người dân ở 11 quốc gia không thuộc EU, họ đều có quan điểm tích cực về EU.
Hầu hết người châu Âu lạc quan và tin tưởng vào sư phát triển của EU. 56% người châu Âu bày tỏ sự lạc quan về tương lai của EU - tăng 6 điểm so với năm 2016. Mức tăng đáng kể nhất là ở Pháp (55%), Đan Mạch (70%) và Bồ Đào Nha (64%) tăng lần lượt là 14, 13 và 10 điểm % so với cách đây 1 năm. Niềm tin vào EU tiếp tục tăng, có tới 40% người dân châu Âu có hình ảnh tích cực về EU và đặc biệt, 68% người châu Âu cảm thấy họ là công dân của một liên minh, đây là mức cao nhất được ghi nhận.
Nền kinh tế châu Âu bị tổn thương sau cú sốc đã dần hồi phục, người dân giờ đây đã có niềm tin hơn với kinh tế của khối, 46% người dân châu Âu cho rằng nền kinh tế “ tốt”, so với cách đây vài năm con số này đạt mức tăng trưởng vượt bậc. Những quốc gia được đánh giá có nền kinh tế ổn định và đang phát triển ở EU có 22 quốc gia trong đó tích cực nhất thuộc về Phần Lan, Bồ Đào Nha, Bỉ, Hungary.
Về đồng tiền chung trong khu vực, ¾ số người được hỏi ủng hộ đồng euro, chiếm 73%, một số quốc gia có tỷ lệ ủng hộ đồng euro vượt bậc là Slovakia, Đức, Estonia, Ireland, Slovenia và Luxemburg.
Khủng bố - thách thức mới của EU
Nếm trải cú sốc về kinh tế hay đánh mất niềm tin của người dân chưa phải là mất mát lớn nhất của cả Anh và EU. Sau quyết định rời khỏi EU, Anh rơi vào vòng xoáy khủng hoảng chính trị: Thủ tướng từ chức, đất nước lâm vào tình trạng Quốc hội treo, Thủ tướng mới mất uy tín không giữ được đa số ghế Quốc hội… , khiến cho tiến trình đàm phán thực sự giữa Anh và EU vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Trong khi đó EU mặc dù phải xử lý Brexit nhưng bản thân EU cũng đang phải “đau đầu” với nhiều vấn đề như quan hệ với Mỹ, Nga, và các vấn đề nội tại của khối. Tình hình giờ đây đã thay đổi, thách thức mà EU đang phải đối mặt và ưu tiên không phải là vấn đề nhập cư, hay số phận của công dân Anh tại EU và ngược lại mà là vấn đề khủng bố.
Theo cuộc khảo sát, 44% người dân cho rằng khủng bố là mối lo ngại số 1 của các nước thành viên EU, vấn đề nhập cư đã trở thành mối quan tâm thứ yếu. Châu Âu không còn là nơi an toàn như trước, nhất là khi tổ chức khủng bố IS đang thất bại năng nề ở Syria và Iraq, điều này sẽ dẫn tới một làn sóng những kẻ khủng bố tràn vào châu Âu nhằm tấn công khủng bố và gây bất ổn.
Thực tế là đã có hàng loạt các vụ khủng bố từ đơn độc đến có tổ chức liên tiếp xảy ra ở châu Âu mà giới chức an ninh EU vẫn đang ráo riết tăng cường các biện pháp chống khủng bố và lấp các lỗ hổng an ninh. Các vụ tấn công khủng bố liên tiếp tại Anh, Pháp, Bỉ… gần đây cho thấy nguy cơ “lục địa già” bị tấn công rất cao với tần suất ngày càng dày, gần như tuần nào trên các phương tiện truyền thông cũng đưa tin về các vụ tấn công tại châu Âu. Tuy nhiên chiến thuật tấn công ngày càng đa dạng, phức tạp, nhóm khủng bố giờ đây không bị thu hẹp mà chúng sử dụng mạng xã hội kích động những phần tử ở ngay các quốc gia châu Âu, nên việc đối phó còn khó khăn hơn gấp bội.
Những thách thức ở cấp quốc gia thu hút sự quan tâm của người dân châu Âu còn là vấn đề thất nghiệp và nhập cư, mặc dù tỷ lệ này đang dần giảm xuống. Sức khỏe và an sinh xã hội đứng vị trí thứ 3 trong những vấn đề mà người dân “lo lắng” và mong đợi một sự thay đổi. Kinh tế từ vị trí quan tâm hàng đầu năm 2011 giờ chỉ đứng ở vị trí thứ 5.