Mùa xuân cảnh giác với viêm tiểu phế quản ở trẻ

10-02-2025 15:04 | Bệnh trẻ em

SKĐS - Viêm tiểu phế quản ở trẻ là một trong những bệnh lý thường gặp, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được can thiệp kịp thời. Bệnh thường xảy ra vào tháng 11 đến khoảng tháng 4 hàng năm (mùa đông và mùa xuân), đỉnh điểm là tháng 1 và tháng 2.

Trẻ mắc viêm tiểu phế quản khi nào cần gặp bác sĩ?Trẻ mắc viêm tiểu phế quản khi nào cần gặp bác sĩ?

SKĐS - Viêm tiểu phế quản ở trẻ là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, nguyên nhân phổ biến là do virus gây ra. Vào mùa đông và thời gian đầu của mùa xuân, khi thời tiết ở miền Bắc lạnh và ẩm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho virus sinh sôi và phát triển nhanh chóng.

Viêm tiểu phế quản thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi, đặc biệt là ở trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi, do khoang mũi và cấu trúc đường thở nhỏ nên dễ bị tắc nghẽn hơn so với trẻ lớn và người lớn.

Nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản ở trẻ em

Viêm tiểu phế quản ở trẻ do nhiều nguyên nhân gây ra, chủ yếu là do virus, đây chính là tác nhân chủ yếu gây ra bệnh lý viêm tiểu phế quản, đặc biệt là nhóm virus hợp bào hô hấp.

Theo ghi nhận có hơn 90% trường hợp viêm tiểu phế quản do virus gây ra, trong đó thường gặp nhất là virus hợp bào hô hấp (RSV) chiếm 50 – 80%, ngoài ra còn một số loại virus gây cảm lạnh thông thường như Rhino virus, Parainfluenzae virus…

Hầu hết các loại virus gây viêm tiểu phế quản trẻ em đều rất dễ lây nhiễm, bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, đối với người trưởng thành, chúng chỉ gây ra những triệu chứng thông thường như sốt nhẹ, ho… Nhưng đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi hoặc đối tượng có sức đề kháng yếu, tình trạng nhiễm loại virus này có thể phát triển thành viêm tiểu phế quản trẻ em.

Phụ huynh cũng cần cảnh giác với các loại virus cúm, á cúm (loại virus thường gây nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh) Adenovirus bởi đây cũng là tác nhân gây ra khoảng 35% số trẻ bị viêm tiểu phế quản. Trong một số trường hợp, phụ huynh nên chủ động đưa con đến kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm nguy cơ viêm tiểu phế quản trẻ em:

  • Trẻ sống trong vùng xuất hiện dịch cúm, viêm đường hô hấp trên.
  • Trẻ không được bú đầy đủ sữa mẹ hoặc nhạy cảm với thời tiết.
  • Trẻ có tiền sử bị viêm mũi họng, viêm amidan, viêm VA…
  • Trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, phổi bẩm sinh…
  • Trẻ sống trong môi trường có khói thuốc lá.
Mùa xuân cảnh giác với viêm tiểu phế quản ở trẻ - Ảnh 2.

Viêm tiểu phế quản ở trẻ là một trong những bệnh lý thường gặp.

Viêm tiểu phế quản dễ tái phát

Khi trẻ mắc viêm tiểu phế quản lúc ban đầu sẽ có các triệu chứng như cảm lạnh thông thường: Ho, chảy nước mũi, hắt hơi, có thể sốt nhẹ khoảng 38 độ hoặc không sốt. Vài ngày sau trẻ bắt đầu ho nặng hơn, thở khò khè và thở nhanh.

Hầu hết trẻ chỉ bị nhẹ, có thể điều trị ngoại trú và theo dõi tại nhà, thường khoảng 5 - 7 ngày sẽ bớt. Tuy nhiên, một số trẻ diễn tiến nặng, khó thở và giảm oxy máu nặng thì cần phải nhập viện để theo dõi.

Những trẻ viêm tiểu phế quản nặng thường có cơ địa đặc biệt như trẻ sinh non tháng, trẻ có bệnh lý tim phổi bẩm sinh kèm theo, trẻ có hệ miễn dịch kém… Không phải mọi trẻ thở nhanh đều là bệnh nặng, cha mẹ đừng lo lắng quá nếu trẻ vẫn tươi tỉnh và bú tốt.

Cũng như tất cả bệnh lý khác ở trẻ nhỏ, cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đến khám cấp cứu trong trường hợp trẻ có các dấu hiệu nguy hiểm như: Trẻ không thể nuốt được hoặc bỏ bú, nôn ói tất cả mọi thứ, co giật, ngủ li bì khó đánh thức và tím tái.

Chẩn đoán viêm tiểu phế quản chủ yếu dựa trên việc thăm khám của bác sĩ, ngoài ra xét nghiệm máu và chụp phim X-Quang phổi thường không cần thiết.

Tóm lại: Viêm tiểu phế quản hầu hết do virus, vì vậy việc điều trị kháng sinh là không cần thiết. Một số trường hợp nặng hoặc bệnh kéo dài dai dẳng mới cần cân nhắc sử dụng kháng sinh. Điều trị chủ yếu trong viêm tiểu phế quản là bù nước và vệ sinh mũi họng với nước muối sinh lý để thông thoáng đường hô hấp trên giúp trẻ bú tốt hơn.

Trong quá trình bệnh lý, do trẻ thở nhanh cũng như do mất dịch qua chất nôn ói, mồ hôi, nên trẻ cần phải được cung cấp đầy đủ nước.

Thường viêm tiểu phế quản có thể tự giới hạn sau vài ngày, nhưng một số trẻ có thể bị những đợt tái phát, khò khè tái đi tái lại. Những trường hợp bị viêm tiểu phế quản trong năm đầu đời nhất là những trẻ bị nặng có thể liên quan đến hen (hen suyễn, hen phế quản) sau này. Vì vậy, cha mẹ cần lưu tâm đến các đợt khò khè trong năm qua, khò khè từ lúc mấy tháng tuổi, khò khè kéo dài bao lâu, một năm qua bị bao nhiêu đợt… và cùng phối hợp với bác sĩ điều trị để theo dõi trẻ sát về sau.

Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ: Nhận biết, điều trị và những lưu ýBệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ: Nhận biết, điều trị và những lưu ý

SKĐS- Bệnh viêm tiểu phế quản rất hay gặp ở trẻ và thường xảy ra với trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm, nhất là khi thay đổi thời tiết, trời trở lạnh.

BS. Trần Anh Tuấn
Ý kiến của bạn