Mùa xuân bên dòng sông chảy ngược

27-01-2018 07:36 | Xã hội
google news

SKĐS - Đi qua 85 mùa rẫy nhưng tất cả thanh âm từng bài chiêng, điệu nhạc hay luật tục đẹp của cộng đồng người Ba Na, Ê Đê bên dòng sông Đắk Bla quanh năm hiền hòa và chảy ngược như neo lại, bám rễ vững sâu trong tiềm thức già làng A Sanh.

Ông bảo: Những phong tục lạ lẫm cùng lối sống hồn hậu ở đây như mạch nước mát trong chảy trong huyết quản mỗi người làng Kon Rơ Ri, Kon Ktu (xã Đắk Rơ Wa, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Mùa xuân cũng là lúc siết chặt hơn nghĩa tình buôn, xóm.

Cầu treo bắc qua sông Đắk Bla kết nối các buôn làng.

Bài trừ cái xấu, giữ gìn cái đẹp

Nhìn những rẫy bắp ngát xanh cạnh kề những cánh rừng thâm u, tôn kính, già làng A Mít tự hào: Cứ đến ngày xuân hàng năm, nhất là năm 2018 này, làng Kon Rơ Ri tấu lên những bản nhạc, uyển chuyển những điệu múa đẹp nhất để mừng ngày đất nước ngày càng phát triển giàu đẹp và thanh bình. Đồng bào các dân tộc trên vùng đất này luôn một lòng theo Đảng. Mỗi dịp lễ, Tết còn là dịp gắn chặt tình đoàn kết với nhau hơn, cơ hội thấu tỏa lòng nhau hơn. Xưa làng còn khó khăn, các tệ nạn xã hội như uống rượu quậy phá, xích mích làm mất đoàn kết nội bộ và làm ảnh hưởng đến việc xây dựng cuộc sống văn hóa mới trong làng. Nhưng những cái xấu ấy đã dần biến mất, nhường chỗ cho cái đẹp. Cả hai ngôi làng sát bên nhau là Kon Rơ Ri và Kon Ktu đều có sự đồng điệu ở khát vọng chắt lọc, gìn giữ những giá trị đẹp của cuộc sống.

Trong ngày lễ trọng đại hay các dịp hội làng, ngày Tết, những già làng uy tín như A Mít, A Xép sẽ đọc lại bản hương ước cho tất cả cùng cam kết. Ai tiếp tay cho kẻ xấu phá rừng phải xin lỗi làng 20 lần, ai uống rượu say đánh nhau sẽ bị bêu tên trong nhiều cuộc họp... Là lao động sản xuất giỏi suốt nhiều năm qua, ông A Dưng ở làng Kon Rơ Ri thổ lộ: Bài trừ được đánh lộn, rượu chè say xỉn ngày Tết để hăng say lao động thì chẳng mấy chốc bộ mặt buôn làng sẽ khang trang lên thôi. Năm nào làng cũng lập các tổ thi đua sản xuất giỏi cả. Ai năng nổ nhất sẽ được tuyên dương.

Như một cách giữ lửa cho nghệ thuật cồng chiêng, hàng năm, hai ngôi làng này vẫn giao lưu đánh chiêng với nhau. Đặc biệt, làng Kon Ktu còn là nơi diễn ra nhiều cuộc thi cồng chiêng của cả TP. Kon Tum hội tụ về. Nghệ nhân A Xem nhiều lần tham gia diễn tấu cồng chiêng ở Kon Ktu tâm tình: Tiếng chiêng ngân lên cũng như người cất tiếng vậy, hồn hậu và phóng khoáng lắm, nó chuyển tải và gửi gắm biết bao nhiêu thông điệp của cộng đồng người Tây Nguyên mình, thông điệp da diết nhất là đoàn kết và giữ bản sắc văn hóa.

Trước khi khai xuân, buôn làng cùng tổ chức lễ cầu những điều tốt đẹp nhất. Lúc diễn ra lễ cầu, tất cả nắm chặt tay nhau như truyền đi sức mạnh của tình đoàn kết. Trong buổi cúng tế, già làng và những người uy tín trong làng cùng hợp âm khấn những câu linh thiêng như: “Khấn ơ Giàng, ơ thần núi, ơ thần nước về đây giúp chứng giám cái bụng của buôn làng. Khấn ơ dòng sông hãy chảy hiền hòa cho cuộc sống bình yên. Khấn ơ Giàng hãy giúp dân thương yêu nhau...”. Sau lễ hội cúng tế, dân làng mở tiệc mừng xuân, đó cũng chính là lúc buổi lễ hội chiêng “xông đất” đầu năm ngân lên. Chín chàng trai vận khố thổ cẩm, thân hình chắc nịch như ẩn chứa sức mạnh của thần núi, sự phóng khoáng của thần sông đan xen cùng 9 sơn nữ lúng liếng, yểu điệu trong những bộ váy thổ cẩm. Tiếng chiêng cất lên, họ cùng diễn các điệu múa, hát vang các bài hát truyền thống của dân tộc mình. Mọi bản chiêng, bài hát đều với tâm nguyện cầu mong mùa màng luôn được tươi tốt, cuộc sống bình an, trên dưới đồng lòng, không ai làm điều ác. Sau mỗi đêm lễ, dân làng này với làng kia sẽ cùng nắm tay nhau kể về những dự định mới cho tương lai. Ngoài cồng chiêng, ở Kon Ktu hay Kon Rơ Ri còn có nhiều loại nhạc cụ truyền thống độc đáo như: đàn T’rưng, Ting glinh (đàn nước), Tingning (đàn quả bầu). Nhiều làn điệu truyền thống còn được người Ba Na sáng tạo đầy uyển chuyển như: làn điệu Hri ‘Nhoi (hát đồng dao), Hri Mơ’Mon, Hri HơNhoông (hát nối nhịp)... Ông A Nhữi - người được mệnh danh như cây lim, cây sến của đồng bào Ba Na ở Kon Ktu tâm tình: Làng nằm bên sông Đắk Bla quanh năm chảy ngược nên xuân về tiếng hát, tiếng chiêng càng ngân xa hơn như thể lời gọi mời của buôn làng đến du khách vậy. Những đứa trẻ qua tuổi 16, nếu không thuộc 10 điệu chiêng, 5 bài múa thì không xứng là người Kon Ktu rồi.

Nếp nhà Rông luôn được giữ gìn.

Nếp nhà Rông luôn được giữ gìn.

Chung dòng sữa, gắn kết như anh em

Từ xa xưa, các bản làng bên dòng sông chảy ngược định cư và xâu chuỗi liên kết với nhau bằng sự đồng điệu của cộng đồng, cùng một tộc người chứ không tính về khoảng cách địa lý. Những người Ba Na ở các ngôi làng Kon Rơ Ri, Kon Ktu còn có một nghi lễ vô cùng lạ lẫm và đầy ngỡ ngàng - đó là bú vú kết nghĩa.

Trong niềm thổn thức, ông Ngol ở làng Kon Ktur kể rằng: Cùng là một tộc người với nhau cả nhưng trước kia, mà mới chỉ cách đây mấy chục năm thôi, người làng nọ vẫn thường xuyên xung đột và xô xát người làng kia. Để hóa giải điều này, các già làng nghĩ ra cách những đứa trẻ khi mới sinh ra từ làng này sẽ được bế sang làng khác cho bú vú các bà mẹ ở làng bên nhằm tăng tinh thần đoàn kết với lời nhắn nhủ đã cùng uống chung một dòng sữa. Lễ này diễn ra náo nhiệt nhất vào những ngày xuân. Từ niềm tin này, các lớp thanh niên hiện nay rất ít đánh nhau như trước. Thường các buổi lễ bú vú kết nghĩa diễn ra trong những đêm trăng. Trời mưa thì tuyệt đối không được tiến hành vì người ta tin rằng sẽ không mang lại điều may mắn.

Sinh hoạt cộng đồng diễn ra vào ngày lễ, Tết.

Sinh hoạt cộng đồng diễn ra vào ngày lễ, Tết.

Với bản tính hiền hòa, khách đến Kon Ktur hay Kon Rơ Ri được dân làng xem như người nhà và mời cùng họ uống rượu cần để say với những điệu múa. Đặc biệt, mùa xuân còn được thưởng thức món dế chiên giòn do chính những bàn tay cần mẫn của những thanh niên trong buôn làng săn đào được trong những ngày cuối năm. Anh A Long ở Kon Ktur hồ hởi khoe: Cuối năm 2017, mình săn đào được hàng ngàn con dế. Dế ẩn náu bên dòng Đắk Bla rất nhiều. Đó như là món lộc đầy ấn tượng mà thiên nhiên ban tặng cho buôn làng mình vậy. Vì lộc ngon nên dành đãi khách quý, khách đến vào mùa xuân sẽ được chính các cô gái Ba Na, Ê Đê chế biến dế theo cách riêng của mình để cùng thưởng thức. Khách cũng có thể được những chàng trai Ba Na trong hai ngôi làng này chèo thuyền độc mộc đưa đi khám phá thác HLay và thác Mốp - hai dòng thác còn nguyên sơ và chứa ẩn đầy những huyền tích của người Tây Nguyên. Ở hai dòng thác ấy, có thời, khi có ai trong làng làm việc xấu sẽ bị các già làng mang ra thác sám hối trước thần rừng, thần suối.

Không chỉ giữ các lễ hội truyền thống mà người làng Kon Rơ Ri, Kon Ktu còn từng bước hòa nhập vào cuộc sống văn minh hiện đại. Ông A Xép khoe: Mình sống ở Kon Ktu hơn nửa đời người rồi. Làng mình giờ có trên 146 hộ dân, gần 800 nhân khẩu. Trước đây ngại đi ra phố và chẳng biết cái vi tính là gì cả. Nhưng bây giờ hiện đại lắm, mùa xuân còn biết tưng bừng ra phố chơi, khi cần là rút điện thoại gọi nhau chứ không chạy bộ nữa. Đám trẻ con trong làng học đến cấp 3 đã biết sử dụng máy vi tính rồi, phải vươn lên không thì lạc hậu lắm. Cả làng mình và làng Kon Rơ Ri không còn có hộ dân nào thiếu đói nữa đâu. Lớp trẻ có đứa còn sáng tạo ra những đề tài nghiên cứu rất oách ngay từ khi còn là học sinh đấy, như là A Mĩm ở làng Kon Rơ Ri ấy. Mĩm đã nghiên cứu ra đề tài “Báo động ô nhiễm ở làng” đi sâu vào tập tục chăn nuôi gia súc thả rông và nhốt dưới gầm nhà gây ô nhiễm môi trường. Việc tắm rửa, sinh hoạt cá nhân đều chung ở dòng suối, con sông. Xoáy sâu vào hậu quả, đề tài của Mỉm đã xoay chuyển ý nghĩ của buôn làng. Từ đó, nhà nhà bảo vệ môi trường và vươn lên xây dựng cuộc sống mới.


Bài, ảnh: ĐÔNG HƯNG
Ý kiến của bạn
Tags: