Từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, mùa lễ Vu lan (tháng Bảy âm lịch hằng năm) đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân theo tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của người Việt.
Đời sống nghệ thuật, đặc biệt âm nhạc, nhiều sản phẩm của các nghệ sĩ đã ra đời trong mùa Vu lan với nhiều ý nghĩa và thông điệp sâu sắc. Mới đây, NSƯT Diệu Hương đã ra mắt khán giả MV Đời mẹ, từ hình ảnh đến lời ca đã khiến nhiều người xúc động. Đời mẹ dựa trên câu chuyện có thật của chính tác giả bài hát Bùi Mạnh Hưng. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, chứng kiến sự vất vả của mẹ để chăm con khôn lớn, tác giả đã quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Chàng thanh niên rời xa vòng tay mẹ, vào Nam lập nghiệp trong muôn vàn khó khăn. Cuối cùng chàng trai ấy đã thành đạt và lo cho mẹ được một cuộc sống đủ đầy. Với tác giả, đó là điều báo hiếu lớn nhất của một người con như anh có thể lớn nhất dành cho mẹ.
Cảnh trong MV Đời mẹ của NSƯT Diệu Hương ra mắt khán giả nhân mùa Vu lan năm nay.
Nghệ sĩ Kiều Oanh và NSƯT Hoàng Nhất cũng từng nhận được những đánh giá tích cực khi cho ra mắt ca cảnh tân cổ Mẹ ơi mai con về nhân mùa Vu lan báo hiếu. Đôi khi mệt mỏi trong cuộc sống, chúng ta lại nghĩ đến mẹ cha rồi lại vội vàng muốn quay trở về những ngày tháng trước đó, để được vô tư nằm trong vòng tay trìu mến của mẹ, nghe những lời ôn tồn dạy bảo của cha, thèm được nghe những lời ru ca dao ngọt ngào... Nhưng bất chợt nhận ra mẹ cha đã nằm sâu dưới lòng đất lạnh yên giấc ngàn thu trong cát bụi vô thường. Bởi thế, Mẹ ơi mai con về đã nhắc nhở người xem, đừng để đến khi cha mẹ ở cõi khác mới giật mình khóc lóc. Lúc ấy muốn được ăn cơm cùng mẹ, ôm mẹ cũng không bao giờ được. Lúc ấy có dùng cả gia tài cũng chẳng thể được ở cạnh mẹ mình.
Khán giả cũng đã được thưởng thức MV Mẹ ta trả nhớ về không (thơ Đỗ Trung Quân, nhạc Trần Thiện Thanh) do ca sĩ Lê Vỹ thực hiện. MV này tái hiện hình ảnh mộc mạc hình ảnh quê nhà xưa phỏng theo bối cảnh người con trai phải xa mẹ đi tha phương mưu sinh nơi đất khách và không có điều kiện quay về thăm mẹ trong thời gian khá dài. Khi ông trở về lúc đã xế già thì người mẹ nay đã không còn minh mẫn sau bao năm mòn mỏi chờ tin con. Mặc dù trí nhớ của mẹ đã bị thời gian lấy đi mất nhưng trong tiềm thức của người mẹ thì hình ảnh con mình vẫn hiện về đâu đó: Ngày xưa chào mẹ ta đi, mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười - 10 năm rồi lại thêm 10, ta về ta khóc, mẹ cười... lạ không? Mẹ ta trả nhớ về không, Trả trăm năm lại bụi hồng rồi đi.
Đó còn là phim ca nhạc ngắn Diều ơi, mẹ vẫn mãi đợi con của “thần đồng cải lương” Quách Phú Thành nói lên tình mẫu tử thiêng liêng của người mẹ dành cho con cái. Phim kể về người mẹ điên với tình thương vô bờ dành cho con. Đứa con sau này khi trưởng thành đi xa, nhưng khi quay về, mẹ vẫn luôn chờ ở đó. Tác phẩm đã mang đến một thông điệp rằng người con như những cánh diều, đến tuổi trưởng thành sẽ bay cao trên bầu trời rộng lớn. Nhưng dù có bay xa đến đâu thì tình mẹ như bầu trời xanh kia, vẫn sẽ mãi che chở và bảo vệ cho con đến suốt cuộc đời.